Xây dựng con người trong chuyển đổi số Bài cuối: Con người là trung tâm của quá trình chuyển đổi số

Thứ ba - 06/09/2022 08:21 1.983 0
Chuyển đổi số- hiểu một cách đơn giản là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số. Chuyển đổi số sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, cắt giảm chi phí hành chính. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, khả năng thu hút đầu tư.

 

Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thị xã Hòa Thành.

Vai trò của người đứng đầu

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), 3 yếu tố cơ bản quyết định thành bại của chuyển đổi số là con người, thể chế và công nghệ. Chuyển đổi số là việc chuyển đổi của con người nên đây là yếu tố quan trọng nhất. Hai vấn đề chính của con người trong chuyển đổi số là nhận thức và năng lực. Nhận thức của lãnh đạo là quan trọng hàng đầu, để có quyết tâm và lãnh đạo chuyển đổi số đúng, rồi đến nhận thức của mọi thành viên trong tổ chức. Năng lực liên quan đến đào tạo, cả đào tạo lực lượng tinh hoa và toàn bộ lực lượng tham gia sản xuất.

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở TT&TT chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Con người đã quen với môi trường “thực”, chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen. Đây là một việc khó và lâu dài. Thay đổi thói quen của một cá nhân đã khó, ở một tổ chức còn khó hơn và phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của người đứng đầu”.

 Chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề về nhận thức, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo. “Mục tiêu chuyển đổi số nhằm phục vụ con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, phát triển xã hội. Trong đó, việc thay đổi thói quen, nhận thức của yếu tố con người đặc biệt là người đứng đầu sẽ quyết định sự thành bại của quá trình chuyển đổi số”- ông Hiếu nói. 

Theo UBND TP. Tây Ninh, công nghệ đang thay đổi và phát triển với những bước tiến nhảy vọt. Rất nhiều người nghĩ rằng chuyển đổi số chỉ liên quan đến mặt công nghệ mà không biết rằng trọng tâm của chuyển đổi số không phải là công nghệ mà là con người. Thành phố xác định con người là trung tâm, là chìa khoá cho sự thành công của quá trình chuyển đổi số.

Theo đó, UBND Thành phố luôn quan tâm nâng cao năng lực tiếp nhận cái mới của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) - yếu tố cốt lõi để chính quyền Thành phố không bị lỗi nhịp với chuyển đổi số. Trong 6 tháng đầu năm, Thành phố phối hợp Sở TT&TT, Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung tỉnh tổ chức 6 lớp đào tạo tập huấn về công nghệ thông tin (CNTT) cho 175 lượt CBCCVC.

Còn theo UBND thị xã Hoà Thành, xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm của quá trình chuyển đổi số, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của thị xã Hoà Thành về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; các lợi ích mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích…

Địa phương thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn người dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”; mở tài khoản thanh toán điện tử... Đến nay, trên địa bàn thị xã Hoà Thành đã thành lập 41 Tổ công nghệ số cộng đồng với 322 thành viên.

UBND thị xã Hoà Thành còn tập trung bồi dưỡng, tập huấn cho CBCCVC thuộc phạm vi quản lý về chuyển đổi số; khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm dùng chung đã được tỉnh triển khai. Tuy nhiên, địa phương nhận định, khó khăn chung về vấn đề nguồn nhân lực trong chuyển đổi số hiện nay là đội ngũ CBCCVC có trình độ về CNTT tại các cơ quan, đơn vị còn thiếu. Cán bộ phụ trách CNTT còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Tại cấp xã, phường không có cán bộ phụ trách CNTT nên việc tiếp cận, vận hành hệ thống CNTT, hỗ trợ việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số còn khó khăn.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Hiện nay, 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh và cấp huyện đã bố trí cán bộ phụ trách công CNTT. Hằng năm, Sở TT&TT tham mưu tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản trị, vận hành hệ thống thông tin dùng chung cho nhân sự phụ trách CNTT; kỹ năng sử dụng phần mềm dùng chung của tỉnh cho CBCCVC trên địa bàn tỉnh.

Để bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống dữ liệu của tỉnh trong khi đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực này còn thiếu, tỉnh đã thành lập Đội ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng (nòng cốt là nhân sự ở Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế xã hội tập trung) thực hiện điều phối, tổ chức, phối hợp hỗ trợ các cơ quan Nhà nước ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở còn tổ chức bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho Tổ công nghệ số cộng đồng thành thạo các bước cài đặt, hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về nền tảng số, công nghệ số để lan toả, hướng dẫn đến người dân.

Theo Sở TT&TT, tuy các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh và cấp huyện đã bố trí cán bộ phụ trách CNTT nhưng số lượng rất ít, đa số các cơ quan, đơn vị chỉ có 1 nhân sự để tham mưu việc triển khai ứng dụng CNTT hướng tới tham mưu các nội dung về chuyển đổi số; đa số kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác.

Bên cạnh đó, hầu hết các cơ quan, đơn vị chưa có nhân sự am hiểu sâu về lĩnh vực an toàn thông tin. Đội ngũ CBCCVC am hiểu về lĩnh vực chuyển đổi số có khả năng tham mưu công tác chuyển đổi số của tỉnh còn thiếu và yếu, trong khi việc chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số rất nhiều nên còn chậm trễ trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, nhất là lĩnh vực còn mới như phát triển kinh tế số, xã hội số…

Tỉnh chưa ban hành chính sách hỗ trợ cho lực lượng CNTT về chuyên trách và kiêm nhiệm. Mức lương cho nhân sự phụ trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước rất thấp so với bên ngoài Nhà nước. Do đó, khó thu hút được nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao về CNTT vào các cơ quan Nhà nước để triển khai công tác chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong chuyển đổi số, Sở sẽ kiến nghị Bộ TT&TT hướng dẫn các địa phương xây dựng chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đội ngũ chuyên trách về CNTT và an toàn thông tin mạng cho các tỉnh, thành để có cơ sở xây dựng và trình cấp có thẩm quyền chế độ đãi ngộ, nhằm thu hút được lao động giỏi về CNTT, phục vụ việc chuyển đổi số.

Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, tăng thêm biên chế có trình độ CNTT để bố trí cho các sở, ngành và địa phương tham mưu về công tác chuyển đổi số; tiếp tục triển khai nhân rộng Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đơn vị sẽ tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo; CBCCVC cơ quan Nhà nước các cấp về chính quyền số, kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh và bảo đảm an toàn, an ninh mạng; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho CBCCVC hằng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân...

UBND TP. Tây Ninh cho biết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các ngành, các cấp của Thành phố. Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Sở TT&TT tập huấn về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho đội ngũ cán bộ bộ phận một cửa, một cửa hiện đại 2 cấp của Thành phố; đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông minh, dịch vụ hành chính công đến tận người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận, khai thác các dịch vụ số để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của đời sống.

Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận và bảo đảm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số; nhất là trong việc sử dụng các phương tiện thông minh để tương tác với chính quyền, hình thành tầng lớp công dân điện tử.
 

Theo Bộ TT&TT, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai hệ thống tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị, phản ánh hiện trường của người dân trên nhiều lĩnh vực và qua nhiều hình thức trực tuyến như: cổng thông tin điện tử, các nền tảng số phục vụ liên lạc, các ứng dụng di động... Điều này góp phần thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc giải quyết các vấn đề của địa phương. Tuy nhiên, kỹ năng số của người dân còn chưa cao, tập trung chủ yếu ở giới trẻ; số lượng người dùng các nền tảng số phục vụ đào tạo, học tập trực tuyến, đọc sách trực tuyến còn thấp.

Bộ TT&TT đề nghị, các địa phương giao nhiệm vụ cho Tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán, tiếp thị trên sàn thương mại điện tử Việt Nam như Vỏ Sò (voso.vn) và PostMart; sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản; sử dụng nền tảng số Việt Nam do địa phương lựa chọn.

Nguồn: Báo Tây Ninh Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay2,517
  • Tháng hiện tại308,638
  • Tổng lượt truy cập15,006,754
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây