Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ ba - 03/10/2023 08:551.2430
Bộ Công an đề xuất đưa vào dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới.
Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB) tách ra từ Luật GTĐB. Trong đó, điểm đáng chú ý là việc cơ quan soạn thảo đề xuất bắt buộc người dân phải đổi giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn.
Cần có lộ trình và cấp đổi miễn phí
Theo Luật GTĐB 2008, GPLX được phân làm 11 hạng. Trong đó có ba hạng GPLX không quy định thời hạn gồm: hạng A1 (cấp cho người lái xe máy có dung tích xi lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3), hạng A2 (cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1) và hạng A3 (cấp cho người lái mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho GPLX hạng A1 và các xe tương tự).
Tuy nhiên, dự thảo Luật Trật tự, an toàn GTĐB lại không đưa việc phân hạng GPLX vào trong dự luật. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định về hạng GPLX, thời hạn GPLX. Song song đó, Bộ Công an đưa vào dự luật quy định chuyển tiếp theo hướng GPLX được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Là người đang sử dụng bằng lái xe hạng A1, ông Hoàng Giang cho rằng việc đổi GPLX nếu thực hiện bắt buộc cần phải đáp ứng hai điều kiện. Thứ nhất là Nhà nước phải có chính sách cấp, đổi miễn phí và thứ hai là tất cả phải được thực hiện trực tuyến giống như việc cấp, đổi hộ chiếu hiện nay. “Bởi người dân đang sử dụng GPLX được cơ quan chức năng cấp và chưa phát sinh vấn đề gì, việc thay đổi ở đây đến từ phía cơ quan nhà nước nên không thể bắt dân phải trả phí hay tốn thời gian để đi cấp, đổi lại” - anh Giang nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hồ cho rằng với công nghệ hiện nay và với việc chúng ta đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc cấp, đổi GPLX là không cần thiết và tốn kém. Thay vào đó, Nhà nước nên yêu cầu người dân đang sử dụng bằng lái không thời hạn thực hiện chụp ảnh bằng lái cũ rồi tải lên hệ thống.
“Từ dữ liệu này, cơ quan chức năng tiến hành thực hiện các bước như thay đổi số, bổ sung ngày tháng năm sinh rồi tích hợp vào CCCD mà không phải in phôi GPLX để cấp lại cho người dân như hiện nay. Khi lưu thông trên đường, lực lượng chức năng chỉ cần quét mã QR trên CCCD là ra bằng lái xe…” - ông Hồ đề xuất.
Đổi mới đồng bộ được hệ thống dữ liệu
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết hiện hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu GPLX của cục đang quản lý trên 8,8 triệu GPLX ô tô và trên 46,7 triệu GPLX máy.
Tất cả việc cấp, đổi GPLX hiện nay đang được thực hiện trực tuyến. Song song đó, hệ thống cũng đang được kết nối liên thông dữ liệu khám sức khỏe với Bộ Y tế và xử phạt vi phạm giao thông của Cục CSGT. “Việc cấp, đổi GPLX rất thuận tiện, người dân không phải đi lại, ngồi một chỗ cũng có thể đổi được GPLX”.
Tuy nhiên, ông Thống cho biết hiện Chính phủ đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quá trình này gặp khó khăn bởi có hơn 20 triệu GPLX bằng giấy bìa (không phải thẻ nhựa PET) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7-2013. Loại này chỉ hiển thị tên, năm sinh của người dân, không có ngày tháng sinh nên không đồng bộ dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cạnh đó, người được cấp GPLX trước đây chủ yếu sử dụng CMND 9 số, không đồng bộ dữ liệu CCCD 12 số hiện nay nên cũng không cập nhật được. “Nếu người dân không đổi thì không thể có dữ liệu để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiển thị trên hệ thống VNeID…” - ông Thống khẳng định.
Vì vậy, trước mắt đơn vị khuyến khích người dân đổi GPLX sang vật liệu PET để cập nhật theo CCCD 12 số, phù hợp với dữ liệu hệ thống dân cư.
Về lâu dài, ông Thống cho rằng Chính phủ cũng cần có lộ trình và chính sách phù hợp để đổi GPLX, để dữ liệu GPLX được đồng bộ, đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiển thị trên hệ thống VNeID, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia giao thông cho rằng việc quy định đổi GPLX để đồng bộ là phù hợp với xu thế, việc làm trên cũng đem lại sự thuận tiện hơn cho người dân. Tuy nhiên, chuyên gia đề nghị Nhà nước phải có lộ trình và thực hiện cấp, đổi miễn phí.
Đổi giấy phép lái xe mất 135.000 đồng
Theo quy định hiện hành, việc cấp, đổi GPLX được thực hiện theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Người dân có thể nộp hồ sơ đề nghị đổi GPLX đến Cục Đường bộ hoặc Sở GTVT. Thời gian giải quyết hồ sơ là năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định. Mức lệ phí cho một lần đổi GPLX là 135.000 đồng.