Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường bộ

Thứ ba - 13/07/2021 08:20 4.575 0
Hiện nay, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người vẫn còn xảy ra. TNGT đang ngày là vấn nạn của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ở nước ta, trung bình mỗi ngày trôi qua, TNGT cướp đi sinh mạng của khoảng 24 người và làm bị thương khoảng 53 người. Những người bị thương may mắn thoát khỏi tay tử thần nhưng di chứng do TNGT để lại cho họ không nhỏ, họ có thể mất đi một phần cơ thể hoặc phải sống đời sống thực vật, yếu tứ chi, liệt nửa người… trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Từ một người là trụ cột của gia đình họ trở thành người phải phụ thuộc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của gia đình, tương lai sự nghiệp các con của họ.
* Các vụ TNGT điển hình trong thời gian gần đây:
Khoảng 15h30 ngày 2/1/2019, Phạm Thành Hiếu điều khiển xe đầu kéo biển số: 62C-043.48 kéo theo sơ mi rơ mooc 62R-001.08 lưu thông theo hướng từ Long An về TP HCM. Khi tới đoạn quốc lộ 1, khu vực ngã tư Bình Nhựt, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, do không làm chủ tốc độ nên Hiếu đã điều khiển xe container lao thẳng vào những người đang dừng đèn đỏ. 
TNGT dù có đi qua nhưng nỗi đau luôn đè nặng người ở lại, gia đình mất đi người trụ cột, con mất cha, vợ mất chồng, kinh tế gia đình khánh kiệt đó không chỉ là nỗi mất mát lớn của gia đình, người thân mà còn là của toàn xã hội. Đằng sau mỗi vụ tai nạn là những cảnh ngộ thương tâm của gia đình mà không gì có thể xóa tan, bù đắp được. Mỗi người chúng ta khi tham gia giao thông phải tự giác chấp hành Luật giao thông, đồng thời vận động gia đình, người thân tuân thủ các quy định của pháp luật về TTATGT, đừng để phải hối hận “giá như đừng uống rượu, bia trước khi lái xe”, “giá như tôi cẩn thận hơn khi qua đường, chuyển hướng”. An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội, đừng vì  “nhanh một phút, mà chậm cả đời”.
Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Thị xã Trảng Bàng lúc 06 giờ 16 phút ngày 14.6.2019, trên QL22 (xã An Tịnh, TX.Trảng Bàng, Tây Ninh), xe đầu kéo biển số 51C - 947.80 kéo theo rơ mooc BS 51R - 323.49 do Trần Đình Trung điều khiển lưu thông hướng từ Củ Chi (TP.HCM) đi Tây Ninh. Đến khu vực cổng chào Tây Ninh đụng vào xe ô tô con biển số 51F-370.00 do ông Nguyễn Văn Diệp điều khiển đi theo chiều ngược lại
Phần I. Khái quát tình hình TNGT
    1. Trên cả nước: Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2020 toàn quốc xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 3.111 vụ (giảm 17,6%), số người chết giảm 924 người (giảm 12,1%), số người bị thương giảm 2.820 người (giảm 20,7%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 8.177 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.575 người, bị thương 4.354 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 844 vụ, giảm 883 người chết, giảm 700 người bị thương. Đường sắt xảy ra 91 vụ, làm chết 71 người, bị thương 23 người.
 
- Thời gian xảy ra tai nạn: 40% số vụ TNGT xảy ra vào khoảng thời gian từ 18h đến 24h, đây là khoảng thời gian người điều khiển phương tiện bị tác động tâm lý muốn nhanh chóng trở về với gia đình, sự mệt mỏi, căng thẳng sau một ngày làm việc, sự chênh lệch về nhiệt độ, ánh sáng giữa ngày và đêm (đặc biệt đối với phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa…). 
 
- Phương tiện gây TNGT: Mô tô, xe máy là loại phương tiện chủ yếu trong các vụ tai nạn khi chiếm tới 66,7%. 
 
- Tuyến đường thường xảy ra TNGT: chủ yếu vẫn là các tuyến quốc lộ (36%) và nội thị (34%). Đây là các tuyến đường có mật độ dân cư đông đúc, người và phương tiện tham gia giao thông đa dạng với mật độ cao, đặc điểm đường giao cắt nhiều, phương tiện lưu thông hỗn hợp dễ xảy ra va chạm, khá phức tạp trong bảo đảm TTATGT.

- Độ tuổi gây TNGT: Tỷ lệ thương vong TNGT chủ yếu đều trong độ tuổi lao động và có đến 85% số vụ TNGT nguyên nhân bắt nguồn từ nam giới gây thiệt hại to lớn về người và tài sản. 
    2. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: 
Trong năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 120 vụ TNGT làm chết 47 người và làm bị thương 96 người. So với năm 2019 giảm cả ba mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong 06 tháng đầu năm 2021 xảy ra 44 vụ TNGT làm chết 19 người và làm bị thương 35 người. So với cùng kỳ năm 2020 giảm cả ba mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương
3. Nguyên nhân dẫn đến TNGT ở nước ta
    - Ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân còn chưa cao.
    - Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông gây mất TTATGT dẫn đến TNGT: hành vi lấn chiếm hành lang; xây lều, quán, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…
    - Cơ sở hạ tầng còn hạn chế: chưa phát triển nhiều loại hình giao thông công cộng nhất là đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, còn nhiều đường ngan dân sinh giao cắt với đường sắt…
    - Công tác quản lý nhà nước về TTATGT có lúc, có nơi còn bị buông lỏng: văn bản pháp luật chưa đồng bộ;… 
4. Các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT: 
4.1. Hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông:
    * Quy định của Luật giao thông đường bộ: Nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
    * Thực trạng sử dụng rượu, bia của người Việt: báo cáo nghiên cứu của Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990-2017 cho thấy, tỉ trọng tiêu thụ rượu bia trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ…
    - Việt Nam là một trong 5 quốc gia tiêu thụ rượu bia tăng mạnh, tăng phi mã. Hiện tại, tốc độ tiêu thụ bia của Việt Nam đang đứng thứ 10 thế giới, thứ 3 trong châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) và vẫn đang tiếp tục tăng, trong khi cách đây 10 năm, Việt Nam vẫn xếp thứ 8 châu Á. Sản lượng rượu bia tăng vượt mọi dự đoán. Ngành công nghiệp rượu bia đề ra mục tiêu đến năm 2020 sản xuất 4,1 tỉ lít bia và 350 triệu lít rượu, nhưng chỉ đến năm 2017 thì đã hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 3 năm.
    - Như vậy chỉ trong một năm 2017-2018, đã tăng thêm 500 triệu lít bia, đó là chưa kể các loại rượu thủ công khác. Chi tính riêng chi phí tiêu thụ bia của Việt Nam hiện đã trên 4 tỉ USD, chưa kể 350 triệu lít rượu tự nấu. Như vậy, bình quân mỗi người Việt chi khoảng 9,6 triệu đồng cho bia rượu, trong khi chi tiêu cho y tế chỉ ở mức 2,6 triệu đồng.
    - Nồng độ cồn trong bia, rượu ảnh hưởng đến khả năng lái xe:
+ Làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%;
+ Làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh;
+ Gây ước tính sai về khoảng cách dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và TNGT;

    - Hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia: ung thư gan, ung thư dạ dày, giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, gây tai nạn giao thông…
Giảm khả năng nhận thức, điều khiển hành vi
Gây tai nạn giao thông
    - Chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện
+ Nồng độ cồn đối với người điều khiển xe mô tô:
    Trong hơi thở: chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở, trong máu: chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu  Phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng, tước GPLX 10 đến 12 tháng, tạm giữ xe đến 07 ngày; 
    Trong hơi thở: vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/1 lít khí thở, trong máu: vượt quá 50mg - 80 mg/100 ml máu  Phạt tiền từ 4 triệu đến 5 triệu đồng, tước GPLX từ 16 đến 18 tháng, tạm giữ xe đến 07 ngày;
    Trong hơi thở: vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở, trong máu: vượt quá 80 mg/100 ml máu  Phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng, tước GPLX từ 22 đến 24 tháng, tạm giữ xe đến 07 ngày.
   + Nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô:    
    Trong hơi thở: chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở, trong máu: chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu  Phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu, tước GPLX 10 đến 12 tháng, tạm giữ xe đến 07 ngày;  
    Trong hơi thở: vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/1 lít khí thở, trong máu: vượt quá 50 mg - 80 mg/100 ml máu  Phạt tiền từ 16 triệu đến 18 triệu, tước GPLX 16 đến 18 tháng, tạm giữ xe đến 07 ngày; 
    Trong hơi thở: vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở, trong máu: vượt quá 80 mg/100 ml máu  Phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu, tước GPLX 22 đến 24  tháng, tạm giữ xe đến 07 ngày. 
4.2. Vi phạm quy định về làn đường, phần đường
    - Luật giao thông đường bộ quy định: 
+ Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
+ Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
+ Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
* Nếu vi phạm sẽ bị phạt như sau:
    Xe ô tô vi phạm đi không đúng phần đường, làn đường quy định sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 01 tháng đến 03 tháng, trường hợp vi phạm mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước GPLX 02 tháng đến 04 tháng.
     Xe mô tô vi phạm đi không đúng phần đường, làn đường quy định sẽ bị phạt từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng, trường hợp vi phạm mà gây tai nạn bị tước GPLX 02 tháng đến 04 tháng. 
 4.3. Vi phạm quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau
- Luật giao thông đường bộ quy định: 
   
+ Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải 
+ Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái 
+ Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới
4.4. Vi phạm quy định về vượt xe:  
- Luật giao thông đường bộ quy định:
+ Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn. 
 + Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải. 
 + Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt. 
*Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; khi xe điện đang chạy giữa đường; khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
    *Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây: Trên cầu hẹp có một làn xe; đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế; nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt; xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
    *Chế tài xử phạt:
+ Ô tô: Vượt trong các trường hợp không được vượt; vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển); không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái  phạt tiền 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, tước GPLX từ 01 đến 03 tháng.
+ Mô tô: Vượt bên phải trong các trường hợp không được phép  Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, 
4.5. Vi phạm Quy định về chuyển hướng xe
- Luật giao thông đường bộ quy định: 
+ Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
+ Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
+ Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
+ Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
- Chế tài xử phạt:
+ Mô tô: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức);
+ Ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức);
4.6. Vi phạm quy định về dừng, đỗ 

 
- Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
- Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
- Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: 
+ Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
+ Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
+ Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
+ Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
+ Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
+ Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
+ Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
- Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
+ Bên trái đường một chiều;
+ Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
+ Trên cầu, gầm cầu vượt;
+ Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
+ Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
+ Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
+ Nơi dừng của xe buýt;
+ Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
+ Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
+ Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
+ Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
4.7. Vi phạm quy định về người đi bộ
- Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. 
- Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
- Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
- Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
- Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
4.8. Đội mũ bảo hiểm
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), trên tất cả các tuyến đường theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 26/9/2007 của Chính phủ và Luật giao thông đường bộ, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự giao thông được nâng cao, hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông tạo thành nét văn hoá giao thông trong đại đa số nhân dân; tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đạt trên 90%, góp phần quan trọng đối với việc kéo giảm thương vong do tai nạn giao thông ở nước ta trong hơn 10 năm qua.

 

Căn cứ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng đối với hành vi
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách; 
- Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Phần II. Kinh nghiệm lái xe an toàn
Để hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra TNGT Phòng CSGT Công an Tây Ninh hướng dẫn các lái xe về “kinh nghiệm lái xe an toàn” để trang bị cho mọi người các kiến thức cơ bản nhất trong quá trình điều khiển xe tham gia giao thông.
    1. Giữ tập trung trong khi lái xe
    Trên 70% các vụ TNGT xảy ra do nguyên nhân các lái xe không tập trung vào việc điều khiển xe. Các yếu tố chủ quan cũng như khách quan ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình điều khiển phương tiện, quan trọng là bạn phải biết hạn chế chúng và tập trung tối đa vào việc lái xe.
    Hiện nay tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng điện thoại di động đang rất phổ biến, việc sử dụng ĐTDĐ để nhắn tin, nghe nhạc vẫn đang diễn ra. Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm bởi vì người điều khiển phương tiện sẽ bị phân tâm dẫn đến khi có tình huống bất ngờ xảy ra sẽ không kịp xử lý và dẫn đến TNGT. Căn cứ Nghị Định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Người điều khiển xe vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt như sau:
    - Xe mô tô: Phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 01 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Xe ô tô: Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
* Trong trường hợp gây TNGT thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
    2. Không lái xe sau khi uống rượu bia
    - Rượu, bia có ảnh hưởng rất lớn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nếu sử dụng quá nồng độ quy định sẽ gây triệu chứng buồn ngủ, mất khả năng phán đoán xử lý tình huống (trung bình 01 người uống rượu bia điều khiển phương tiện phải mất từ 05 đến 07 giây để xử lý tình huống trong khi đối với người bình thường là từ 01 đến 02 giây). Mặt khác đối với một số người khi sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định khi tham gia giao thông sẽ dể rơi vào trạng thái kích thích dẫn đến các hành vi như: chạy quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng… Đây là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT.
- Quy định về nồng độ cồn đối với người lái xe, Luật GTĐB năm 2008 quy định: Nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Người điều khiển xe ô tô vi phạm về nồng độ cồn thì mức tiền xử phạt thấp nhất là 06 triệu đồng và cao nhất là 40 triệu đồng; người điều khiển xe mô tô vi phạm về nồng độ cồn thì mức tiền xử phạt thấp nhất là 02 triệu đồng và cao nhất là 08 triệu đồng,  ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đến 24 tháng và bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày.
3. Nắm vững quy định của Luật giao thông đường bộ
- Đây là điều kiện bắt buộc mà bất cứ lái xe nào cũng phải chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và những người tham gia giao thông khác. Việc nắm vững những quy định của Luật giao thông đường bộ sẽ giúp các lái xe đưa ra những tình huống xử lý chính xác nhất. 
- Thông qua việc hiểu rõ hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển báo hiệu lệnh, biển báo chỉ dẩn, biển báo phụ) các lái xe sẽ chủ động hơn, tự tin hơn trong quá trình điều khiển phương tiện.
- Việc hiểu biết và chấp hành tốt các quy tắc khi tham gia giao thông là thể hiện “văn hóa giao thông”, sự văn minh trong cuộc sống hiện đại và góp phần đảm bảo tình hình về TTATGT.
    4. Sử dụng đèn xi-nhan, còi, đèn pha/cốt, tín hiệu khẩn cấp...
    - Người điều khiển xe chỉ nên dùng còi để cảnh báo các lái xe khác về sự hiện diện của mình trong các trường hợp cần thiết như: xin vượt, xin đường, cảnh báo nếu thấy nguy hiểm mà người khác không nhận ra. không nên sử dụng còi một cách “nóng nảy”, bấm còi liên tục và quá to, điều này sẽ làm người đi xe máy bị giật mình và tai nạn có thể xảy ra.
- Khi muốn chuyển hướng, các lái xe phải bật đèn xi-nhan đủ lâu để các phương tiện khác nhận biết và xử lý tình huống thật an toàn, phải chú ý giảm tốc độ và nhường đường cho các xe đi ngược chiều. Đối với xe ôtô khi đi trong thành phố, tốt nhất nên hạ một chút cửa kính bên tài xuống để nghe được các tín hiệu âm thanh xung quanh, điều này tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại mang lại hiệu quả lớn giúp lái xe an toàn hơn.
    5. Lái xe trong điều kiện mưa gió
    Khi có mưa thì bạn nên bật đèn, giảm tốc độ, chú ý quan sát đặc biệt khi chuyển hướng qua đường, qua các giao lộ,... Đường mưa sẽ rất trơn, trượt do đó kinh nghiệm lái xe an toàn trong điều kiện này là bạn phải xử lý phanh, đánh lái, xi-nhan sớm hơn, giữ khoảng cách xa hơn với xe cùng chiều, đối với ô tô dùng gạt mưa và sấy kính với chế độ phù hợp để có tầm nhìn tốt nhất.
    6. Một số kỹ năng khi lái xe
6.1. Chuyển hướng xe: 
- Xe mô tô: khi muốn chuyển hướng người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, mở đèn xi nhan hoặc báo hiệu cho phương tiện tham gia giao thông phía trước và phía sau biết, đánh mặt ngang vai quan sát phía sau, khi đảm bảo an toàn rồi cho xe chuyển hướng từ từ qua đường. Khi chuyển hướng xe, hãy luôn nhớ bật đèn báo trước cho các phương tiện khác một thời gian cần thiết trước khi bạn cho xe chuyển hướng, không mở đèn xi nhan rồi chuyển hướng ngay. Chú ý không để xi nhan hoạt động khi không có ý định chuyển hướng, vì điều này sẽ gây hiểu lầm cho những người khác trên đường.
- Xe ô tô: thực hiện động tác như xe mô tô nhưng đối với xe ô tô người điều khiển phải quan sát gương chiếu hậu, phương tiện lưu thông của hướng ngược lại, khi đảm bảo an toàn cho xe chuyển hướng.
6.2. Phanh khẩn cấp
- Xe mô tô: khi gặp tình huống đột xuất, bất ngờ, người điều khiển xe muốn phanh xe khẩn cấp phòng tránh va chạm cần phải thực hiện đúng kỹ năng phanh như sau: Về hết ga thật nhanh, phanh cả 2 phanh cùng một lúc, phanh từ từ và tăng dần lực phanh lên tới khi dừng hẳn. Khi xe đã dừng hẳn: Chống chân trái xuống đất, chân phải giữ phanh.
Chú ý: khi cần phanh khẩn cấp chúng ta không nên chỉ sử dụng phanh trước hoặc phanh sau, vì nếu chỉ sử dụng phanh trước xe sẽ bị ngã do bánh trước bị bó lại đột ngột, nếu chỉ sử dụng phanh sau thì phương tiện không dừng lại ngày mà sẽ bị trượt trên đường khi phanh (Nên phanh bánh trước mạnh hơn bánh sau một chút để đạt hiệu quả phanh tối đa).
- Khi đang chạy trên đoạn đường trơn do trời mưa hoặc mặt đường có nhiều đất cát, sỏi đá: cần phải phanh nhẹ hơn vì lực bám giữa bánh xe và mặt đường rất thấp dẫn tới khóa bánh và đổ xe.
    6.3. Mở cửa xe

Lên xuống xe là một việc rất đơn giản, tuy nhiên nếu mở cửa xe không cẩn thận có thể dẫn đến va chạm. Khi xuống xe, nếu không chú ý quan sát an toàn phía sau thì sẽ rất nguy hiểm cho các phương tiện khác đang tham gia giao thông. Để phòng tránh va chạm và lên xuống xe một cách an toàn cho mình và người khác, vì vậy khi xuống xe chúng ta cần:
 - Kiểm tra an toàn phía sau bằng cách quan sát qua gương chiếu hậu (quan sát gương chiếu hậu trong xe và gương 2 bên sườn xe), quay đầu lại phía sau để kiểm tra an toàn bằng mắt thường, mở hé cửa và dừng lại, quay đầu lại phía sau để quan sát. Sau đó mở cửa xe đủ rộng để xuống xe, nhanh chóng ra khỏi xe và đi về phía đuôi xe.
- Lái xe nên nhắc nhở hành khách kiểm tra an toàn phía sau trước khi mở cửa và tốt nhất lái xe nên mở cửa cho hành khách của mình.
6.4. Giữ khoảng cách an toàn: Giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền phía trước là việc quan trọng khi điều khiển xe trên đường nhằm phòng tránh va chạm có thể xảy ra. Khi chúng ta chạy quá gần với xe phía trước, khi đó chúng ta sẽ không có đủ thời gian để có thể đưa ra những phản ứng kịp thời với thay đổi từ xe phía trước, ví dụ khi xe phía trước phanh gấp, bạn cũng sẽ phải phanh, nhưng nếu bạn đi quá gần thì khoảng cách giữa xe bạn với xe phía trước không đủ để bạn có quãng đường phanh an toàn và có thể dừng xe kịp thời, do đó bạn sẽ va chạm với xe phía trước.
Trên đây là một số kinh nghiệm để các lái xe có thể vận dụng vào thực tế trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho bản thân mình và người tham gia giao thông khác.
Phần III. Đạo đức người lái xe
Đạo đức người lái xe là một nội dung hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay góp phần rất lớn đến việc hình thành “văn hóa giao thông trong cộng đồng”, ví dụ như: Trung thực, thẳng thắn, tôn trọng và tuân thủ quy định của pháp luật, thường xuyên trau dồi kỹ năng lái xe và hiểu biết pháp luật; rèn luyện đức tính cẩn trọng, bình tĩnh, xử lý tình huống hợp lý và an toàn khi tham gia giao thông như: chọn vị trí chạy xe thích hợp, giữ khoảng cách an toàn với những người và các phương tiện tham gia giao thông khác; tôn trọng mọi người, có trách nhiệm cao với sự an toàn của bản thân mình và người khác, kính già, yêu trẻ, sẵn sàng tương trợ giúp đỡ mọi người, thực hiện giao tiếp, ứng xử có nhân phẩm và danh dự, không nóng nảy. Làm chủ bản thân, tránh xa các tệ nạn xã hội: lạm dụng rượu bia, cờ bạc, ma túy... và tuyệt đối không tiếp tay cho kẻ xấu, vận chuyển hàng cấm, vi phạm pháp luật…
    Dưới góc độ tham gia quản lý nhà nước về lĩnh vực TTATGT, đạo đức của người lái xe cần có là phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật giao thông như: chấp hành quy định nồng độ cồn, không chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu, không chở quá tải, quá số người quy định; đi đúng phần đường, làn đường quy định, chấp hành tín hiệu đèn giao thông….phải lấy phương châm “Tính mạng con người là trên hết” không vì nhanh vài giây mà chậm cả đời. Người lái xe phải biết nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông, không vì phút giây nóng giận mà cúp đầu, chèn ép hay thực hiện động tác phanh đột ngột để bỏ tức, điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân lái xe mà còn là sinh mạng của những người đi trên xe và người đi đường.
    Ngoài ra lái xe phải có cách cư xử phù hợp khi lỡ xảy ra va chạm giao thông, thực tế rất nhiều trường hợp va chạm giao thông gây thiệt hại không lớn về người và tài sản nhưng do hai bên không giữ bình tĩnh dẫn đến đánh nhau gây ra hậu quả lớn thậm chí là dẫn đến chết người. Khi gặp tai nạn giao thông phải tận tình giúp đỡ người bị nạn không vì sợ vướng bận hoặc liên quan đến Công an mà bỏ mặc người bị nạn. Luật giao thông đường bộ quy định rất rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT. Cụ thể:
- Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn: 
+ Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
+ Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
+ Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
- Trách nhiệm những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn: bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan Công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
-  Người điều khiển phương tiện khác: Khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.
 
 Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra, mong rằng mọi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật giao thông, tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông; cập nhật, tìm hiểu các thông tin, các quy định mới để đảm bảo việc tham gia giao thông an toàn, thông suốt. 
“Phía trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim!”
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay1,584
  • Tháng hiện tại133,394
  • Tổng lượt truy cập18,299,265
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây