Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ hai - 03/04/2023 14:462.6870
Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo cũng sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất - đó là con người, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư,…
Các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay:
Giả mạo thương hiệu
Giả mạo thương hiệu của các tổ chức (ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán…) để gửi SMS lừa đảo cho nạn nhân.
Giả mạo các trang web/blog chính thống (giao diện, địa chỉ tên miền/đường dẫn,…) tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân.
Chiếm đoạt tài khoản
Chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền…
Các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen xuất hiện trên các trang web, gửi tràn lan qua các kênh thư điện tử rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo. Nạn nhân sẽ biến thành những con nợ trong khi chính nạn nhân cũng không biết.
Các hình thức kết hợp
Sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ….) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông, bệnh viện… để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản.
Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết.
Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên. Để dẫn dụ nạn nhân, đối tượng xấu thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS.
Lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin. Để câu views, câu likes và sau đấy là lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp lừa đảo…
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook (bán hàng giả, chất lượng kém, vé máy bay giả, khuyến mãi giả, hàng ảo hoặc rao bán giả mạo không tồn tại sản phẩm.
Giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên Facebook, Telegram, Zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư. Chẳng hạn như lừa chiếm đoạt tài sản bằng cách chờ trực trên các Fanpage có tích xanh, Fanpage của người nổi tiếng trên mạng xã hội để nhắn riêng với nạn nhân đóng giả là nhân viên, trợ lý.
Bẫy tình, lợi dụng tình cảm lòng tin và sự thương hại để lừa đảo qua các nền tảng Facebook, Zalo, Tinder, Telegram.
Lừa đảo cài cắm mã độc thông qua đường dẫn độc hại, phần mềm độc hại (tiện ích mở rộng cho trình duyệt, phần mềm bẻ khóa - crack). Đối tượng tạo những công cụ, đường dẫn, phần mềm độc hại để chiếm đoạt tài sản, thông tin tài khoản mạng xã hội, ngân hàng thông qua tiếp cận nạn nhân từ chạy quảng cáo đường link độc hại, phát tán mã độc, phần mềm độc hại qua Facebook, Telegram, Google Search, Google Play Store, Apple’s App Store và email.
Thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để lừa nạn nhân đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản thông qua các trang web giả mạo.
Thủ đoạn nâng cấp lên SIM 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản.
Giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe doạ lừa tiền nạn nhân.
Lập sàn đầu tư tiền ảo crypto, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex… lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Gần đây, trên không gian mạng xuất hiện thêm các hình thức lừa đảo mới:
Cuộc gọi lừa đảo đe dọa khóa SIM
Các cuộc gọi lừa đảo tự xưng là trung tâm viễn thông. Những cuộc gọi lừa đảo này đưa ra thông báo rằng số điện thoại của người dùng sẽ bị khóa nếu không cập nhật thông tin thuê bao.
"Trung tâm viễn thông xin thông báo số thuê bao của quý khách sẽ bị tạm khóa trong 24h. Để biết thông tin chính xác, quý khách vui lòng bấm phím 1", thông báo được đưa ra trong các cuộc gọi.
Kẻ gian đang lợi dụng quy định về quản lý thuê báo để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, nhằm mục đích đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó các đối tượng này thường xuyên thực hiện những cuộc gọi đến từ rất nhiều số điện thoại có đầu số khác nhau, đồng thời liên tục thay đổi phương thức và chiêu trò nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.
Cuộc gọi Video Ghép mặt, giọng nói (Deepfake) giống hệt người thân để lừa đảo
Các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake AI, tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video với độ chính xác rất cao để lừa đảo. Khi chúng thực hiện cuộc gọi video để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay có thể tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu…
Đặc điểm chung của những cuộc gọi video như vậy thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn giống như cuộc gọi video trong khu vực phủ sóngdi động hoặc wifi yếu để nạn nhân khó phân biệt thật, giả.
Trước tình trạng đó, người dân hãy cẩn trọng với các cuộc gọi đến từ số điện thoại không quen thuộc, các cuộc gọi yêu cầu bạn cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, số căn cước công dân, thực hiện các giao dịch tài chính như chuyển tiền hoặc mua sản phẩm nào đó.
Để bảo vệ mình khỏi các cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại, người dân tuyệt đối:
Không cung cấp thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, số căn cước công dân, mật khẩu hoặc bất kỳ thông tin tài khoản cá nhân nào.
Xác nhận danh tính người gọi bằng cách hỏi địa chỉ, tên công ty hoặc tổ chức mà họ đại diện.Không tải về hoặc cài đặt bất kỳ phần mềm nào trên điện thoại của mình sau khi được yêu cầu làm như vậy trong cuộc gọi.
Không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên điện thoại trừ khi bạn đã xác nhận danh tính, địa chỉ và tên công ty của người gọi.
Nếu không chắc chắn về tính xác thực của một cuộc gọi, hãy liên lạc với người liên quan thông qua kênh khác như email hoặc trang web chính thức của công ty để xác minh thông tin.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ cuộc gọi lừa đảo, hãy lập tức ngắt kết nối, đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng, ngân hàng có liên quan để được hỗ trợ và giúp đỡ hoặc gọi vào tổng đài 156 để phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.