Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh trả lời kiến nghị của nhân dân các xã, thị trấn thuộc huyện Châu Thành như sau:
Theo quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của NHNN Việt Nam về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345) từ ngày 01/7/2024 các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học. Mục tiêu ban hành Quyết định 2345 là để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Trong thời gian qua, Ngân hành Nhà nước chi nhánh Tây Ninh đã chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh thực hiện các phương án truyền thông phù hợp, kịp thời, hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng cách xác thực sinh trắc học. Kết quả đến ngày 20/9/2024 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tỷ lệ sinh trắc học thu thập từ khách hàng cá nhân đạt 16,6%, tỷ lệ sinh trắc học thu thập từ khách hàng tổ chức đạt 15,1%. Hiện nay các NHTM đang thực hiện thu thập sinh trắc tại quầy giao dịch và qua app mobile banking của đơn vị, tất cả NHTM không thực hiện thu thập sinh trắc bằng cách gửi các đường link qua tin nhắn điện thoại, Facebook, Zalo của khách hàng. Bên cạnh đó, các NHTM thường xuyên khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo mới của tội phạm trong đó có chiêu trò giả mạo nhân viên Ngân hàng hỗ trợ đăng ký xác thực sinh trắc học.
Vì vậy, Ngân hành Nhà nước chi nhánh Tây Ninh đề nghị người dân, khách hàng của tổ chức tín dụng hết sức đề cao cảnh giác, không bấm vào các đường link lạ được gửi qua chat, tin nhắn thoại hoặc email; không cung cấp thông tin cá nhân cho các trang web không rõ nguồn gốc; không cung cấp mật khẩu dùng một lần (mã OTP), mật khẩu ngân hàng điện tử/ ứng dụng ngân hàng di động (internet banking/ mobile banking)... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên Ngân hàng; phải cẩn trọng, cảnh giác khi tiếp nhận, xử lý thông tin, yêu cầu từ các kênh thông tin không chính thức, không rõ nguồn gốc (như thông tin không phải từ các kênh thông tin chính thức của cơ quan Nhà nước đã được công bố công khai). Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Ngoài việc giả danh cán bộ ngân hàng, hiện nay có một số đối tượng còn giả danh các cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn thay đổi tem đăng kiểm, giả danh công an các cấp gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin để cập nhật lại thông tin căn cước công dân, giả danh cán bộ bảo hiểm xã hội cập nhật lại thông tin trong hồ sơ bảo hiểm, giả danh lãnh đạo, công chức các sở, ngành, địa phương gọi đến số điện thoại di động của một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân để thông báo các nội dung, như: Số điện thoại của người nghe có liên quan đến vụ án, vụ việc do cơ quan Công an đang điều tra, để uy hiếp, đe dọa, gây hoang mang, lo sợ. Nếu muốn được xem xét, tạo điều kiện, giúp đỡ thì phải làm theo hướng dẫn của các đối tượng, sau đó chúng dẫn dắt, hướng dẫn người nghe thực hiện theo các yêu cầu của chúng để nhằm mục đích lừa đảo. (Nếu không được đáp ứng theo yêu cầu chúng sẽ lăng mạ, xúc phạm người nghe điện thoại). Để đề phòng, cảnh giác, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời đối với các hành vi lừa đảo nói trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 720/STTTT-TTr ngày 17/4/2024 về việc cảnh báo các cuộc gọi giả danh với mục đích lừa đảo và Công văn số 881/STTTT-TTr ngày 14/5/2024 về việc tiếp tục cảnh báo các cuộc gọi giả danh với mục đích lừa đảo lần 2. Theo đó Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước, Các Đoàn thể, Tổ chức CTXH trên địa bàn, các cơ quan thông tấn, báo chí, các doanh nghiệp viễn thông phối hợp thực hiện một số nội dung sau:
1. Thông tin, tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn biết, nắm bắt về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, nâng cao tinh thần cảnh giác với cuộc gọi, nhắn tin có nghi vấn. Tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng nghi vấn mạo danh, lừa đảo.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Hệ thống thông tin cơ sở các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm bắt, phòng tránh.
3. Các doanh nghiệp viễn thông tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các thuê bao đăng ký, sử dụng dịch vụ thông tin di động thuộc phạm vi cung cấp của doanh nghiệp mình; nghiêm túc thực hiện các quy định về đăng ký thông tin thuê bao di động, đặc biệt là thuê bao di động trả trước; thường xuyên rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa, làm sạch thông tin thuê bao trên hệ thống của đơn vị mình đảm bảo trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xử lý triệt để tình trạng SIM rác.
4. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người dân khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị mọi người nên bình tĩnh lưu lại số điện thoại để làm chứng cứ và thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng bằng các hình thức sau:
- Thực hiện phản ánh tới số Tổng đài 156 hoặc 5656 (Tổng đài tiếp nhận thông tin về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo) bằng cách:
+ Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) theo cú pháp: LD (Số điện thoại lừa đảo)
(Nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656);
+ Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin theo hướng
dẫn của điện thoại viên.
- Phản ánh đến các cơ quan Công an tại địa phương;
- Phản ánh về Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông: Điện thoại: 0276.3631168.