Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ bảy - 21/10/2023 08:017830
Theo thông báo của Bộ Công an, thời gian gần đây tại các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Yên Bái, Bắc Giang, Ninh Bình, Tuyên Quang… nổi lên tình trạng người sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất, bán cho các thương lái nước ngoài, nguy cơ gây tai nạn (điện giật), đe dọa tính mạng cho người và động vật, tận diệt giun đất, hủy hoại môi trường nông nghiệp.
Các loại máy kích điện nguồn gốc từ nước ngoài hiện được rao bán phổ biến trên các trang mạng, đồng thời tại một số địa phương nhiều lò sấy thủ công cũng đồng loạt được mở ra để sấy giun đất theo đặt hàng của thương lái nước ngoài; giá giun đất sấy khô được đầu mối rao bán từ 1-1,2 triệu đồng/kg, đắt nhất lên tới 1,5 triệu đồng/kg. Tại một số tỉnh, khu vực trồng cây ăn quả, sau khi người dân kích điện bắt giun đất, cây trồng bị ảnh hưởng bộ rễ, vàng lá và chết, năng suất suy giảm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng này. Nguyên nhân do chưa có chế tài xử lý (giun đất không phải động vật quý hiếm, các quy định pháp luật liên quan như Luật Trồng trọt, Luật Đất đai chưa có quy định cụ thể đối với hành vi tận diệt giun đất, hủy hoại môi trường nông nghiệp).
Tại một số quốc gia, giun đất được sử dụng phổ biến làm vị thuốc đông y, mồi câu cá, nguyên liệu tăng đạm pha trộn vào thức ăn chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc đã nghiêm cấm hành vi kích điện giun đất để mua bán, tiến hành “chỉnh đốn đồng ruộng, rừng cây, hồ nước, thảo nguyên và khu bảo tồn tự nhiên". Bộ Tài nguyên Trung Quốc có quy định cụ thể về số lượng giun đất trên diện tích canh tác, coi đây là một trong các chỉ số đánh giá chất lượng tài nguyên đất; khẳng định việc mua bán giun đất qua kích điện là bất hợp pháp. Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh thu giữ, xử phạt người kích điện, ngăn chặn nạn nhập lậu giun đất, dẫn đến tình trạng thương lái nước ngoài đặt hàng thu gom giun đất phơi khô từ Việt Nam thông qua đường tiểu ngạch, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn sinh học tại một số địa phương.
Hoạt động thu mua giun đất nêu trên tương tự việc trước đây thương lái nước ngoài thu mua một số mặt hàng “độc, lạ”, tác động tiêu cực đến môi trường như đỉa, ốc bươu vàng hoặc mua một số cây, con giống mang tính tận diệt như rễ cây tai ngựa, cây bùng bay, cây sim, cây máu chó, củ bình vôi, tuyết nhung, kim ngân, cây trâm bầu; đuôi trâu… gây nên hiện tượng người dân ồ ạt đào rễ, chặt phá, khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện tượng sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất, bán cho các thương lái nước ngoài nếu như không được ngăn chặn kịp thời sẽ làm giảm chất lượng đất canh tác, phá vỡ sự đa dạng sinh học, độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng tiêu cực cho sinh trưởng, phát triển cây trồng, đồng thời cũng là hoạt động nguy hiểm, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa tính mạng con người và động vật. Đến nay, chưa xác định được cụ thể mục đích thu mua giun đất của thương lái nước ngoài để có đánh giá tác động liên quan an ninh kinh tế.
Bên cạnh đó, việc đánh bắt giun đất bằng kích điện đã vi phạm vào những hành vi bị cấm. Vì vậy, mọi hoạt động đánh bắt giun đất, đặc biệt là đánh bắt giun đất bằng kích điện đều là vi phạm vào điều 2, khoản 7 của Luật Bảo về môi trường năm 2014.