Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ hai - 29/05/2023 10:336640
Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) và Côte d'Ivoire (Quốc gia đăng cai tổ chức Ngày Môi trường thế giới) đã lựa chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023 là SOLUTIONS TO PLASTIC POLLUTION- “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” và khẩu hiệu của WED2023 là “Beat Plastic Pollution” – “Đánh bại ô nhiễm nhựa”.
Năm 2023, đánh dấu kỷ niệm 50 năm tổ chức Ngày Môi trường Thế giới, sau khi được thành lập bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1972. Trong 5 thập kỷ qua, ngày này đã phát triển thành một trong những nền tảng toàn cầu lớn nhất để tiếp cận môi trường. Hàng chục triệu người tham gia các hoạt động, sự kiện và hành động trực tiếp trên khắp thế giới.
Hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm trên toàn thế giới, một nửa trong số đó được thiết kế để chỉ sử dụng một lần. Trong số đó, ít hơn 10 phần trăm được tái chế. Ước tính có khoảng 19-23 triệu tấn kết thúc ở các hồ, sông và biển hàng năm. Microplastic – các hạt nhựa nhỏ có đường kính lên tới 5 mm – có thể lẫn vào thức ăn, nước và không khí. Người ta ước tính rằng mỗi người trên hành tinh này tiêu thụ hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm – và còn nhiều hơn nữa nếu tính đến việc hít phải. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt gây hại cho sức khỏe con người và đa dạng sinh học, đồng thời gây ô nhiễm mọi hệ sinh thái từ đỉnh núi đến đáy đại dương.
Những năm qua, Việt Nam đã, đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Vì vậy, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.