Hưởng ứng ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022

Thứ ba - 07/06/2022 16:16 1.454 0
Trong những thập niên gần đây, các hệ sinh thái biển của nước ta đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học.
Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Việt Nam là quốc gia giàu có về đa dạng sinh học (ĐDSH), được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật. Cùng với các hệ sinh thái đa dạng ở trên cạn, môi trường biển và giới sinh vật biển ở Việt Nam hiện nay đã phân biệt được 20 kiểu hệ sinh thái biển như: bãi triều, rừng ngập mặn cửa sông, đầm phá, vũng, vịnh biển, tùng, áng, rạn san hô, thảm cỏ biển… Ngoài ra, còn các hệ sinh thái vùng nước quanh các đảo ven bờ, đảo xa bờ, nhất là vùng nước và vùng đáy biển sâu (vùng biển quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), trong đó rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển được xem là các hệ sinh thái đặc trưng, quan trọng nhất do có tính ĐDSH cao, có giá trị bảo tồn cao nhất.
Kết quả điều tra cho thấy, tại vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11 nghìn loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy; 2.400 loài cá, với 130 loài cá có giá trị kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù sa; 537 loài thực vật phù du; 225 loài tôm biển... Ngoài ra, các cảnh quan ven bờ biển, các đảo ven bờ có hệ sinh thái tự nhiên với tính ĐDSH cao còn là nền tảng cho ngành du lịch phát triển nhanh, nhất là du lịch sinh thái đang trở thành dịch vụ phổ biến ở các khu bảo tồn thiên nhiên.
Hệ sinh thái biển Việt Nam khá đa dạng và có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa. Đồng thời, các hệ sinh thái này đem lại nhiều giá trị, lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, với khoảng 28 triệu người chịu tác động gián tiếp và trực tiếp trong đời sống. 
Tuy vậy, trong những thập niên gần đây, các hệ sinh thái biển của nước ta đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. 
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016  -2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố , đến nay đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ đe dọa và quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực). Kết quả nghiên cứu của FAO và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây đều chỉ ra rằng khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018) đã nêu, việc ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và phục hồi hệ sinh thái biển đã được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới. Cần quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu Nghị quyết 36/NQ-TW đề ra, nhất là đối với công tác bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH biển trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn ĐDSH nói chung, bảo tồn ĐDSH biển nói riêng, trong đó chú trọng đến các cơ chế toàn cầu và khu vực mà các điều ước và diễn đàn quốc tế đang quan tâm. Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Có thể thấy, các ngành kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên được giảm mức độ ưu tiên và được thay thế bằng các ngành sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hơn, như du lịch, hàng hải...
Ngày Đại dương thế giới năm 2022 là “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 (từ ngày 01-08/6) với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta.
Tổng hợp

Tác giả: BCXB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay854
  • Tháng hiện tại105,006
  • Tổng lượt truy cập18,471,877
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây