Kết quả công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2022 và năm 2023

Thứ sáu - 17/11/2023 10:54 517 0
Trong năm 2023, Công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường thành phần từng bước được cải thiện, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp và của người dân được nâng cao.
Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp đã tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, kiên quyết đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, vấn đề bức xúc môi trường từng bước được quan tâm, xử lý triệt để; Phối hợp chặt chẽ trong công tác thẩm định cấp phép đầu tư, kiên quyết từ chối đầu tư đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, công tác bảo vệ môi trường là một trong những nội dung được lồng ghép vào Quy hoạch tỉnh.

Hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, khảo sát, đánh giá công tác triển khai thực hiện các nội dung đăng ký trong hồ sơ môi trường đã được cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép (báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường, …); hàng năm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh để tránh hiện tượng chồng chéo. Tăng cường phòng ngừa, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả phân tích mẫu chất thải làm cơ sở báo cáo, đề xuất xử lý trong phạm vi hành chính về bảo vệ môi trường.

Tăng cường kiểm soát môi trường các khu vực thượng nguồn hồ Dầu Tiếng; lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và rạch Tây Ninh; khu vực giáp biên giới Vương quốc Campuchia và kế hoạch bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối trong mùa khô; kiểm tra công tác cải tạo phục hồi môi trường của các cơ sở hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Công tác này đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường. Các sự kiện lớn về môi trường như Giờ Trái đất, Ngày Trái đất (22/4), Ngày Môi trường thế giới (05/6); Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, các phong trào như Ngày chủ nhật xanh; Ngày thứ 7 tình nguyện; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”... được phát động rộng rãi và đồng loạt trên toàn tỉnh với nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục như thông qua chiến dịch truyền thông đại chúng, phương tiện truyền thông (báo chí, phát thanh, truyền hình), pano, áp phích, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường; hướng dẫn và hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường, thành lập các câu lạc bộ thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, dọn dẹp vệ sinh chung, tổ chức ngày hội đổi rác thải lấy quà. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, ...) đã chủ động thực hiện các chương trình truyền thông và xây dựng các mô hình dân cư tự quản về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức thực hiện, đa dạng trong hoạt động đã đem lại những giá trị thiết thực nhằm nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường đến mọi người đạt hiệu quả cao. Vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường tổ chức làm vệ sinh xóm ấp thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chủ động thực hiện đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn quy định; thực hiện quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường đối với chất thải.

Cộng đồng dân cư chủ động phối hợp, hỗ trợ với chính quyền địa phương trong việc giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Về ứng phó với biến đổi khí hậu:

UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 997/QĐ-UBND ngày 31/5/2010 về việc phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của tỉnh Tây Ninh; Kế hoạch số 2160/KH-UBND ngày 11/7/2022 thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, theo đó: tổ chức 89 lớp với 6.363 người tham dự, đồng thời thông tin về các bản tin dự báo thiên tai (bão, mưa lớn, sét, dông) có nguy cơ xảy ra tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh qua mạng xã hội (facebook, zalo, Cổng thông tin điện tử,....) để chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp nắm bắt kịp thời, chủ động chỉ đạo, điều hành, nâng cao nghiệp vụ trong thực hiện công tác phòng, tránh, ứng phó và giảm nhẹ ảnh hưởng do thiên tai gây ra.

Triển khai xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai;  phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 72/UBND-KTN ngày 12/01/2009 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 1317/QĐ-UBND ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 3427/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 của UBND tỉnh ban hành phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Kế hoạch số 1230/KH-UBND ngày 27/4/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày càng được chú trọng thực hiện và đang chuyển dịch theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu được quan tâm thực hiện, cụ thể: các đề tài nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp cũng đã được triển khai, nhiều dự án, mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật tại các vùng chuyên canh; trình diễn về giống và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết của địa phương để có năng suất và chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt là các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng sự biến đổi của khí hậu đã được đưa vào sản xuất đại trà (giống lúa OM 5953; Đài thơm 8; RVT… giống mía K93-219, LK 92-11, KK3, giống mì KM419, KM94 đột biến,…). Việc áp dụng phòng trừ dịch hại cây trồng bằng phương pháp sinh học (sử dụng ong ký sinh, nấm xanh, ...) và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc đang triển khai nhằm giảm tối đa tình trạng sử dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.

UBND tỉnh đã triển khai thực hiện dự án đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến tài nguyên nước tỉnh Tây Ninh, đề xuất kế hoạch hành động và giải pháp ứng phó thích ứng. Kết quả: đánh giá khái quát về điều kiện tự nhiên xã hội, tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Tây Ninh; đánh giá về các nghiên cứu về BĐKH trên thế giới, phân tích, đánh giá được các biểu hiện về BĐKH và đề xuất được các kịch bản BĐKH và NBD cho tỉnh Tây Ninh; đánh giá sự thay đổi dòng chảy đến và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ứng với các kịch bản năm hạn, năm trung bình nước theo các mốc thời gian đến thập niên 2020 (2020s), thập niên 2030 (2030s) và thập niên 2050 (2050s), đặc biệt là sự mất cân bằng nước trong thời kỳ mùa khô qua đó nhận dạng được các lĩnh vực dễ bị tác động bởi BĐKH; đề xuất được các giải pháp thích ứng với BĐKH với các biện pháp công trình và phi công trình cho 03 vùng sử dụng nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là khu bắc Tây Ninh, khu tưới Dầu Tiếng và khu hữu sông Vàm Cỏ Đông; đề xuất việc thực hiện các giải pháp lựa chọn ưu tiên về thích ứng với BĐKH thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH và phân công trách nhiệm cho các sở, ban ngành liên quan trong việc thực thi các giải pháp này.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1180/QĐ-UBND ngày 25/6/2013 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2020 và Quyết định số 1138/QĐ-UBND ngày 19/5/2022 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai dự án cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ứng dụng kết quả các dự án đưa ra các mô hình, giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đang triển khai thực hiện dự án Điều tra, kiểm kê, xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với thực tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; ban hành Công văn số 701/UBND-KT ngày 15/3/2023 về việc triển khai các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Công văn số 2297/UBND-KT ngày 24/9/2020 về việc triển khai thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam.

Đã tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh theo khoản 1 Điều 6 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 46 cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tỉnh đã tổ chức 03 Hội thảo phổ biến các quy định về tăng trưởng xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, kiểm kê khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu: hội thảo tăng cường năng lực quản lý môi trường và chuyển đổi xanh tại Khu công nghiệp Thành Thành Công; hội thảo triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; hội thảo chia sẻ kết quả kiểm toán năng lượng và kế hoạch hoạt động kiểm kê khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, Tỉnh phối hợp với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF – Việt Nam) hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 8 doanh nghiệp, kiểm kê khí nhà kính cho 10 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế.

Triển khai thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ nguồn vốn hỗ trợ Trung ương và ngân sách tỉnh: Nghiên cứu đề xuất công nghệ xử lý nước thải sau bể biogas phù hợp với điều kiện tỉnh Tây Ninh; Đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn trong ngành chế biến tinh bột khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Điều tra, xây dựng mô hình khu công nghiệp carbon thấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và đề xuất các giải pháp thích ứng; Đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn trong sản xuất công nghiệp ở Tây Ninh; Đánh giá tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Tây Ninh.

- Về quản lý tài nguyên:

+ Về khoáng sản: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 26/11/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trên cơ sở Quy hoạch khoáng sản được duyệt, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã cấp 244 giấy phép hoạt động khoáng sản, trong đó có 121 giấy phép thăm dò khoáng sản; 123 giấy phép khai thác khoáng sản. Công tác tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sau hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức ngày càng được quan tâm, chú trọng.

+ Về tài nguyên nước: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2588/QĐ-UBND ngày 12/12/2013 về việc phê duyệt đề tài “Xây dựng mạng lưới quan trắc động thái nước dưới đất tỉnh Tây Ninh”; Quyết định số 2586/QĐ-UBND ngày 12/12/2013 về việc phê duyệt đề tài “Nghiên cứu quy hoạch xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Tây Ninh từ nay đến năm 2020”; Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 05/6/2020 về việc phê duyệt Dự án “Xác định cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Về quy hoạch Tài nguyên nước: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2587/QĐ-UBND ngày 21/10/2020 về việc phê duyệt dự toán kinh phí lập Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có xây dựng phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra: phân vùng chức năng của nguồn nước; xác định tỷ lệ, thứ tự ưu tiên phân bổ trong trường hợp bình thường và hạn hán, thiếu nước; xác định nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt; xác định hệ thống giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước; xác định công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; xác định các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị suy thoái, cạn kiệt để bảo đảm chức năng của nguồn nước; xác định hệ thống giám sát chất lượng nước, giám sát xả nước thải vào nguồn nước; đánh giá tổng quát hiệu quả và tác động của biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra hiện có; xác định các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phòng, chống, khắc phục, cảnh báo, dự báo và giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Tây Ninh ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 920 giấy phép về lĩnh vực tài nguyên nước, gồm: khai thác nước mặt: 03 giấy phép; khai thác nước dưới đất: 649 giấy phép; xả nước thải vào nguồn nước: 195 giấy phép; hành nghề tài nguyên nước: 03 giấy phép. Hiện tại số giấy phép tài nguyên nước còn hiệu lực là 406 giấy phép, gồm: 03 giấy phép hành nghề khoan; 295 giấy phép khai thác nước dưới đất; 03 giấy phép khai thác nước mặt; 105 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; đang triển khai thực hiện nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước mặt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Về bảo vệ môi trường:

+ Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường:

Công tác rà soát, đánh giá, phân loại, lập danh mục và tổ chức thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Tỉnh đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để 02 nhà máy chế biến đường, 02 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, 01 nhà máy chế biến hạt điều, 05 cụm chế biến khoai mì và cụm sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để 02 cơ sở sản xuất công nghiệp và 09 cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “ Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai năm 2020”, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 06/06 Khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt cột A quy chuẩn quy định, lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục; có 68 nhà máy chế biến khoai mì và 27 nhà máy chế biến cao su, 02 nhà máy chế biến đường xử lý nước thải đạt cột A quy chuẩn quy định và tái sử dụng nước thải sau xử lý để phục vụ lại sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu nước thải ra môi trường; có 44/86 nhà máy thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc chất thải tự động, liên tục theo quy định đã tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, các cơ sở còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện (theo quy định của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường thì đến ngày 31/12/2024 phải hoàn thành).

Ngoài ra, tỉnh còn tích cực phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh quan trắc nước sông Vàm Cỏ Đông với tần suất từ 04 -12 lần/năm, vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5) đã tăng tần suất tại một số vị trí thường xảy ra cá chết ở rạch Tây Ninh và sông Vàm Cỏ Đông lên một lần/ngày để theo dõi diễn biến chất lượng nước và có biện pháp xử lý, ngăn ngừa mức độ gia tăng ô nhiễm. Tỉnh đã lắp đặt 06 trạm quan trắc nước mặt tự động nhằm kiểm soát chất lượng nước mặt tại những khu vực có nguy cơ ô nhiễm và 02 trạm quan trắc không khí tự động để đánh giá chất lượng không khí xung quanh.

Thực hiện Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng: các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư, phê duyệt thủ tục môi trường đã thẩm định, yêu cầu các cơ sở xem xét, lựa chọn phương pháp, công nghệ xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

+ Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ của nhân dân:

Hiện nay, 100% các Khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Trên địa bàn tỉnh có 02 thị trấn, khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung là thị trấn Dương Minh Châu thuộc huyện Dương Minh Châu, khu đô thị cửa khẩu Mộc Bài thuộc huyện Bến Cầu, 04 dự án đang triển khai, còn lại 02 đơn vị đang thực hiện các thủ tục đầu tư. 100% chất thải nguy hại và chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý.

+ Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:

Diện tích rừng của tỉnh năm 2013 là 56.946 ha, trong đó: diện tích rừng tự nhiên 39.450 ha, diện tích rừng trồng 17.496 ha; tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh năm 2013 là 13,8%. Đến năm 2023, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 73.272,53 ha; tỷ lệ che phủ rừng là 16,16%. Trong 10 năm (từ năm 2013 đến năm 2023), diện tích rừng của tỉnh tăng 9.623,09 ha, độ che phủ rừng của tỉnh tăng 2,36%; khuyến khích người dân tham gia hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.

Tổ chức thực hiện Giám sát đa dạng sinh học và giám sát sử dụng tài nguyên rừng, dịch vụ môi trường rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến tài nguyên rừng Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, giai đoạn 2014 – 2016. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần cả về số vụ và mức độ thiệt hại; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhiều chính sách, chương trình, đề án về bảo vệ và phát triển rừng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường rừng đã được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được thực hiện để tạo nguồn thu cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ rừng. Xây dựng và thực hiện các chương trình bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, cây trồng vật nuôi được ưu tiên bảo vệ. Tăng cường ngăn chặn khai thác, săn bắt, đánh bắt, buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã. Các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm, giảm tiêu thụ trái phép các loài hoang dã nguy cấp nhân dịp các sự kiện đặc biệt như ngày quốc tế đa dạng sinh học, các đợt nghỉ lễ, tết,... được tổ chức thường xuyên, với nhiều chương trình hội thảo tập huấn, nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý địa phương, vườn quốc gia, đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Tác giả: Hữu Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay840
  • Tháng hiện tại99,822
  • Tổng lượt truy cập18,466,693
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây