Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ sáu - 17/11/2023 14:105960
Những năm vừa qua, tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai trên địa bàn, qua đó thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh 5 năm (2021 – 2025), tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và gắn với chuỗi giá trị. Tận dụng các lợi thế về đất đai, nguồn nước phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp; điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp phù hợp, hiệu quả, dễ tiếp cận. Huy động tốt nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao nhận thức, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chất lượng và có tính khả thi cao, bảo đảm tính kết nối, liên thông với quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nâng cao chất lượng, hiệu quả kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện bảo đảm tư duy, tầm nhìn, định hướng phát triển, thể hiện tính linh hoạt về cơ cấu sử dụng đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Tháo gỡ, giải quyết tốt những bất cập trong công tác quy hoạch; khắc phục về cơ bản quy hoạch thiếu tính khả thi, làm cơ sở thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Từng bước hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai…
Theo ông Văn Tiến Dũng – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh, trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, Sở đã kịp thời tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền tỉnh Tây Ninh ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, góp phần đưa công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ giảm nghèo bền vững; Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 12 Quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện bồi thường đất, làm cơ sở định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, để giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá của 6 dự án, công trình; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc ủy quyền định giá đất cụ thể cho UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở tham mưu UBND tỉnh ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất thực hiện 11 dự án. Sở cũng xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai đối với dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (VILG) đang triển khai tại các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng, huyện Châu Thành và TP Tây Ninh; tiếp tục thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất đối với 26 khu đất… Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã giúp cho công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất sản xuất nông nghiệp.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất, tỉnh Tây Ninh đã tập trung thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ), từ đó đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển, phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Theo ông Trần Quang Khải - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh, đối với công tác đăng ký đất đai, cấp GCN QSDĐ và tài sản khác gắn liền với đất, tính đến 9 tháng đầu năm 2023 UBND tỉnh và Sở TN&MT đã đồng ý ký cấp 255 GCN, tăng 51.79% so với cùng kỳ năm trước với tổng diện tích 218,18ha cho các tổ chức. Còn đối với công tác xử lý hồ sơ cấp GCN của cá nhân, hộ gia đình: tổng số GCN đã cấp lần đầu là 1.445 giấy, trong đó đất nông nghiệp là 1.105 giấy, diện tích 321,89 ha; đất phi nông nghiệp 340 giấy, diện tích 51,82 ha; kết quả thực hiện quyền của người sử dụng đất, toàn tỉnh đã cấp 75.767 GCN cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Để đạt được các kết quả trên, Sở TN&MT cũng như VPĐKĐĐ đã tích cực thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian trong tiếp nhận, trả hồ sơ đất đai, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, 100% VPĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; văn bản đến, đi của đơn vị được nhập liệu, xử lý trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, văn bản đi, đến của đơn vị đã được ký số, số hóa đảm bảo đúng quy định…. Trên cơ sở dữ liệu dùng chung về đăng ký đất đai với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký biến động và giao dịch bảo đảm góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.