Giữ gìn đạo đức lối sống trong gia đình gắn với ứng xử văn hóa
BCXB
2023-12-07T09:33:20+07:00
2023-12-07T09:33:20+07:00
https://sotttt.tayninh.gov.vn/vi/news/thong-tin-tuyen-truyen/giu-gin-dao-duc-loi-song-trong-gia-dinh-gan-voi-ung-xu-van-hoa-3079.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
https://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Người Việt ta khi nói về văn hóa gia đình, có câu “Quốc có quốc pháp, gia có gia phong” hay đơn giản hơn là “nếp nhà”. Từ xa xưa, ông cha ta đã dày công xây dựng nề nếp trong gia đình như con cháu phải có hiếu với ông bà, cha mẹ; vợ chồng thủy chung; anh em thuận hòa… Cùng với các tiêu chí đó là hàng loạt quy tắc ứng xử nghiêm ngặt như đi thưa về gửi, kính trên nhường dưới, thuận vợ thuận chồng.
Ngày nay, nội dung xây dựng đạo đức, lối sống gia đình chính là kế thừa những tinh hoa truyền thống mà ông cha ta đã để lại và tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới trong cuộc sống hiện đại như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. . .
Xã hội ngày càng phát triển, xu thế hội nhập toàn diện đem đến cho các gia đình nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc xây dựng hạnh phúc, văn hóa gia đình. Trước tình trạng ly hôn, ly thân có chiều hướng gia tăng; bạo lực gia đình (BLGĐ), xâm hại trẻ em tuy có giảm, nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ nghiêm trọng, đòi hỏi phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình (TTGDĐĐLSTGĐ), và đây được xem là giải pháp hữu hiệu, có tính chất nền tảng tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đã và đang được lồng ghép với công tác xây dựng gia đình văn hóa, gắn việc thực hiện đề án với hoạt động của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương gia đình điển hình, phát huy được vai trò giáo dục con cháu trong việc ứng xử với các thành viên khác trong gia đình, nêu gương người tốt việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu.
Đồng thời lên án, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Thông qua các hoạt động đã tạo chiều sâu và sức lan tỏa trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về giáo dục đạo đức, lối sống; giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình.
Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình chỉ có thể đạt được hiệu quả cao nhất khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể. Từ đó, giúp thế hệ trẻ trang bị kiến thức, hiểu được những bài học về mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa các thành viên, đẩy lùi bạo lực gia đình.