Những nội dung cơ bản của Luật Công nghệ thông tin

Thứ tư - 24/07/2024 09:39 1.181 0
Luật Công nghệ thông tin bao gồm các quy định về việc quản lý, sử dụng và phát triển công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Dưới đây là nội dung cơ bản của Luật Công nghệ thông tin:
Những nội dung cơ bản của Luật Công nghệ thông tin

Chương I. Những quy định chung gồm 12 điều.

Nội dung của Chương này quy định những vấn đề về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, áp dụng luật, giải thích từ ngữ, chính sách của nhà nước về công nghệ thông tin, nội dung quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thanh tra công nghệ thông tin, hiệp hội công nghệ thông tin và các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương II. Ứng dụng công nghệ thông tin gồm 24 điều và được quy định thành 4 mục.

Các quy định của Chương này tạo hành lang pháp lý cơ bản để thúc đẩy các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Mục 1 quy định những vấn đề chung nhất về ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường mạng. Mục 2, mục 3 quy định cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và trong thương mại vì đây là hai nội dung trọng tâm nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Mục 4 quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực như giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực khác.

Mục 1. Quy định chung về ứng dụng công nghệ thông tin -  quy định về nguyên tắc hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong trường hợp khẩn cấp; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng, truyền đưa thông tin số; lưu trữ tạm thời thông tin số; cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số; công cụ tìm kiếm thông tin số; thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ, cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng; thiết lập trang thông tin điện tử.

Với các quy định cơ bản như vậy đã bảo đảm để các tổ chức, cá nhân được tự do hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đối với một số ngành, lĩnh vực nhất định phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.  Một nội dung đáng chú ý trong Luật là tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” khi thiết lập trang thông tin điện tử không cần thông báo với Bộ Bưu chính - Viễn thông. Trường hợp tổ chức, cá nhân khi thiết lập trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thì cần thông báo trên môi trường mạng với cơ quan quản lý.

Mục 2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước- tạo ra khung pháp lý quan trọng đẩy mạnh “chính phủ điện tử” ở Việt Nam. Luật quy định về nguyên tắc, điều kiện, nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Mục 3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại nhằm khẳng định mọi tổ chức, cá nhân có quyền tham gia hoạt động thương mại trên môi trường mạng. Mục này quy định về đối tượng, nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại; trang thông tin điện tử bán hàng, cung cấp thông tin cho việc giao kết hợp đồng trên môi trường mạng; giải quyết hậu quả do lỗi nhập sai thông tin thương mại trên môi trường mạng; thanh toán trên môi trường mạng.

Mục 4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, .... Ứng dụng công nghệ thông tin trong những lĩnh vực chuyên ngành ngoài việc tuân thủ quy định của Luật Công nghệ thông tin, còn phải tuân thủ pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Chương III. Phát triển công nghệ thông tin với 16 điều được chia thành 4 mục.

Mục 1. Quy định về nghiên cứu- phát triển công nghệ thông tin; cơ sở vật chất, kỹ thuật phụ vụ cho hoạt động nghiên cứu- phát triển công nghệ thông tin; tiêu chuẩn, chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Mục 2. Quy định về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin bao gồm chính sách phát triển; chứng chỉ công nghệ thông tin; sử dụng nhân lực và phổ cập kiến thức công nghệ thông tin.

Mục 3. Quy định về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin  trong đó xác định rõ loại hình hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin; chính sách phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; phát triển thị trường công nghiệp công nghệ thông tin; sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; khu công nghệ thông tin tập trung.

Mục 4. Quy định phát triển dịch vụ công nghệ thông tin bao gồm loại hình và chính sách phát triển dịch vụ công nghệ thông tin.

Chương IV. Các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin gồm 21 điều được chia thành 4 mục.

Mục 1. Cơ sở hạ tầng thông tin cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - quy định về nguyên tắc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin; bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ các cơ quan nhà nước; cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ công ích; cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin.

Mục 2. Đầu tư cho công nghệ thông tin. Đây là nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin. Mục này quy định cụ thể về Đầu tư của tổ chức, cá nhân cho công nghệ thông tin; đầu tư của nhà nước cho công nghệ thông tin; đầu tư cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; đầu tư và phát triển công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp và nông thôn.

Mục 3. Hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin - quy định nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng hợp tác về công nghệ thông tin với tổ chức, cá nhân nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển công nghệ thông tin Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Mục 4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin. Mục này quy định về trách nhiệm của nhà nước, xã hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng; bảo vệ tên miền quốc gia; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; chống thư rác, vi rút máy tính và phần mềm gây hại; bảo vệ trẻ em tránh những thông tin tiêu cực; bảo đảm an toàn, bí mật thông tin; hỗ trợ người tàn tật trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Chương V. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm gồm 3 điều quy định mang tính nguyên tắc hình thức và thẩm quyền giải quyết tranh chấp công nghệ thông tin nói chung và tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; xử lý vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin.

Chương VI. Điều khoản thi hành gồm 2 điều quy định về hiệu lực thi hành, trách nhiệm của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ thông tin.

 

Tác giả: Huỳnh Văn Xô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập182
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm181
  • Hôm nay5,184
  • Tháng hiện tại128,823
  • Tổng lượt truy cập18,294,694
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây