Định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2021

Thứ sáu - 15/01/2021 16:00 554 0
Mục tiêu tổng quát năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông là "Năm chuyển đổi số quốc gia" cùng với phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, nâng cao năng suất lao động, thực hiện tốt các đột phá chiến lược, tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với ngành TT&TT và đặc biệt là phát triển đồng bộ, hiệu quả trên cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.

Ngày 03/01/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2020.

Chỉ thị nêu rõ, 

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; và là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 để đến năm 2025 Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 để đạt mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao; là năm đầu tiên của giai đoạn 25 năm 2021 - 2045 để đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa. Con đường để đạt được các mục tiêu đó chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, để tận dụng tốt các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Với yếu tố quyết định cho sự thành công là sự đồng thuận, niềm tin xã hội cùng khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng nhằm tạo nên sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Trong giai đoạn vừa qua, đã xuất hiện một không gian sống mới trong xã hội loài người - không gian số. Sự dịch chuyển các hoạt động của con người từ thế giới thực sang thế giới ảo là một trong những sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Sự dịch chuyển này sẽ làm xuất hiện nhiều thách thức và tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới, sẽ mang đến sứ mệnh mới, không gian phát triển mới, tạo ra năng lượng mới, cách tiếp cận mới. Chính không gian mới và sự dịch chuyển này sẽ là động lực thúc đẩy ngành Thông tin và Truyền thông (TTTT) bứt phá vươn lên, với những sứ mệnh mới.
Trong sự chuyển đổi này, Công nghệ số, Chuyển đổi số, Báo chí, Truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng và là sứ mệnh to lớn của ngành TTTT để hỗ trợ tạo nên niềm tin, thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội. Năm 2021 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, toàn dân và toàn diện, với phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, với quyết tâm việc 5 năm làm trong 1 năm, để góp phần làm cho Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành TTTT cần tiếp tục nâng cao năng suất lao động, tận dụng hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong công cuộc Chuyển đổi số quốc gia, toàn Ngành đi đầu thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phát triển đồng bộ, tích cực, hiệu quả trên tất cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và đặc biệt là tiếp tục nâng cao thứ hạng Việt Nam về bưu chính, viễn thông, an toàn thông tin, chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thị toàn ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm sau:
1. Ngày từ những ngày đầu, những tháng đầu năm, tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc ngành TTTT tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; xây dựng Kế hoạch hành động và quyết tâm hoàn thành tốt Kế hoạch đề ra, và các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị; nỗ lực phấn đấu, góp phần xây dựng một Chính phủ “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng và phát triển”, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững.  
Nhiệm vụ cụ thể trong 6 lĩnh vực:

1. Lĩnh vực Bưu chính
- Mục tiêu chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, của thương mại điện tử; góp phần thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số.
- Khuyến khích phát triển các nền tảng số để ứng dụng trong lĩnh vực bưu chính. Khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng Mã địa chỉ gắn với Bản đồ số (Vpostcode) nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics.
- 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. Giữ vững tốc độ tăng trưởng các dịch vụ bưu chính phục vụ thương mại điện tử ít nhất 30%.
- Chú trọng việc thúc đẩy cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Hoàn thiện thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bưu chính lành mạnh; “đồng hành” cùng doanh nghiệp bưu chính, chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “phục vụ” để hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính phát huy hết nội lực, thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực Bưu chính.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính.
2. Lĩnh vực Viễn thông
- Mục tiêu chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, hạ tầng quan trọng của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực để thúc đẩy phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế, nghiên cứu phát triển hạ tầng số an toàn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của kinh tế số, xã hội số.
- Thúc đẩy triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Viet Nam theo đúng lộ trình. Đảm bảo vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong khu vực ASEAN trong nghiên cứu, sản xuất và triển khai thương mại 5G. Ban hành quy hoạch băng tần cho 5G; tổ chức đấu giá và cấp phép băng tần triển khai 5G.
- Thúc đẩy chương trình smartphone giá rẻ Make in Viet Nam, hướng tới mục tiêu mỗi người dân 1 máy smartphone; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 60% hộ gia đình, 100% xã phường; 100% các thôn được phủ sóng di động hoặc Internet; trên 90% số người sử dụng điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; trên 95% gia đình có sử dụng ít nhất 01 thiết bị thông minh. Phát triển Internet tốc độ cao, hạ tầng số an toàn, đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu lớn.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các phương án bảo đảm thông tin liên lạc tại các thời điểm trước, trong và sau khi diễn ra các sự kiện lớn của Đất nước.
- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế thí điểm để thúc đẩy phát triển các dịch vụ mới, mở rộng không gian mới cho các doanh nghiệp viễn thông: triển khai mobile money và các hạ tầng số mới như định danh điện tử, cloud, AI…
- Ban hành Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước (IPv6 For Gov) giai đoạn 2021-2025 để tăng cường việc ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ cơ quan nhà nước. Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối với trạm trung chuyển Internet (IXP) tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.
- Tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý triệt để rác viễn thông (SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mục đích phát triển thị trường lành mạnh và bền vững.
- Tổng kết thi hành Luật Viễn thông; Luật Tần số; triển khai Nghị định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần được đấu giá.
3. Lĩnh vực Ứng dụng công nghệ thông tin
- Mục tiêu đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân.
- Tiếp tục chú trọng cải thiện xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, sớm hoàn thành việc xây dựng Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.
- Nghiên cứu xây dựng các chính sách về dữ liệu mở; hướng dẫn các cơ quan nhà nước xây dựng các giải pháp chia sẻ dữ liệu; phát triển nền tảng tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia để cùng khai thác, sử dụng; tạo thuận lợi cho thương mại hóa dữ liệu.
- Hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân; ứng dụng công nghệ số để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.
- Hỗ trợ hình thành ít nhất 3 đô thị thông minh dần tiến tới hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam) và triển khai phủ sóng 5G tại các đô thị này.
- Hoàn thiện môi trường pháp lý cho Chính phủ số, cụ thể: Nghiên cứu, sửa đổi Luật Giao dịch điện tử; Nghiên cứu sửa đổi hoặc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Năm 2021, các bộ, ngành và địa phương cần hoàn thành việc ban hành Chương trình chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực và địa phương mình theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỷ lệ 100% các xã có ít nhất 01 dịch vụ số (y tế, giáo dục, thương mại điện tử,…) phục vụ trực tiếp người dân. Bộ TTTT phải là bộ đi đầu về chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của Bộ; tiếp tục chủ trì tổ chức ra mắt các Nền tảng số Make in Viet Nam phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình bộ điểm, tỉnh điểm, xã điểm về chuyển đổi số; các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí từ 1-2% tỷ lệ chi ngân sách các cấp (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) cho xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
- Đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4. Lĩnh vực An toàn, an ninh mạng
- Mục tiêu phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam, trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin mạng. Xây dựng niềm tin để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ sẵn sàng dịch chuyển lên môi trường mạng tạo thành công cho chuyển đổi số.
- Chuyển từ tư duy “bảo đảm an toàn, an ninh mạng” sang tư duy “bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam”. Tập trung nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng, nhất là an toàn thông tin của hạ tầng viễn thông, thiết bị IoT, bảo vệ thông tin cá nhân, đẩy mạnh triển khai các trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng toàn quốc.
- Đẩy mạnh hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV. 100% các đơn vị phải bố trí nhân lực để xây dựng và vận hành hiệu quả các hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
- Giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử; Tăng cường công tác phối hợp, nâng cao chất lượng nhân lực của cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin từ Trung ương đến địa phương; Tổ chức đánh giá, xếp hạng hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ cơ quan, tổ chức khắc phục, xử lý các điểm yếu, lỗ hổng ATTT do Bộ TTTT cảnh báo, khuyến nghị đạt 80%.
- Triển khai Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh mạng giai đoạn 2021 - 2025; Đề án Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về đảm bảo an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025; Đề án bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên không gian mạng; Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025.
- Hoàn thành các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thiện và duy trì bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp; Mức độ tăng trưởng về doanh thu thị trường an toàn thông tin mạng đạt 25% đến 30%; Các cơ quan bảo đảm tỷ lệ kinh phí chi cho các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt trung bình tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin.
- Đến hết năm 2021, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu GCI của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU.
5. Lĩnh vực Công nghiệp ICT
- Mục tiêu đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam. Việt Nam phải trở thành quốc gia công nghệ, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, không chỉ cho thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đưa ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội.
- Tập trung nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT, điện tử viễn thông, bao gồm: Thiết bị mạng 5G, thiết bị đầu cuối 5G, thiết bị mạng băng rộng, điện thoại thông minh, thiết bị IoT, camera thông minh, thiết bị thông minh hộ gia đình; Các nền tảng số, các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ cho Chính phủ số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, năng lượng, tài nguyên và môi trường. Nghiên cứu thí điểm thành lập đại học số tập trung đào tạo về ngành công nghệ số. Số các khu CNTT tập trung và các thành viên Chuỗi Khu công viên phần mềm Quang Trung đạt 9 khu vào năm 2021.
- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp làm chủ công nghệ lõi, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, doanh nghiệp triển khai và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có từ 70 đến 100 ngàn doanh nghiệp công nghệ số.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách kiến tạo cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, như: Nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghệ số thay thế Luật Công nghệ thông tin để thúc đẩy phát triển công nghệ số. Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Đưa vào vận hành Trung tâm CMCN 4.0 Việt Nam liên kết với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đồng thời triển khai một số dự án, nhiệm vụ xây dựng chính sách CMCN 4.0 hợp tác với WEF.
- Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số; Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với nguồn vốn huy động từ xã hội hóa.
6. Lĩnh vực Báo chí, truyền thông
Mục tiêu Báo chí, truyền thông phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan toả năng lượng tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo lên sức mạnh tinh thần cho đất nước bứt phá vươn lên. Sứ mệnh báo chí là rất lớn lao trong giai đoạn mới khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển thu nhập cao vào giữa thế kỷ.
- Quản lý báo chí phải đi với phát triển báo chí cách mạng. Đặc biệt là đề án hỗ trợ báo chí giai đoạn 2021-2025, xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực thực sự là chủ lực. Hỗ trợ báo chí Chuyển đổi số. Báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích. Giải quyết triệt để tình trạng nhũng nhiễu; báo hoá tạp chí, trang tin, Mạng xã hội; sơ kết và chấn chỉnh hoạt động liên kết.
- Quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, quảng cáo, kho ứng dụng. Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, Việt Nam đón chào mọi doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh nhưng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp trên môi trường mạng. Phát triển mạng xã hội trong nước, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, định danh được người sử dụng và cân bằng tỷ lệ người sử dụng với mạng xã hội nước ngoài.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cũng như các nhiệm vụ quan trọng khác của Đảng và Nhà nước giao phó.
- Trên 80% tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận kênh truyền hình thiết yếu qua môi trường mạng. Tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội Việt so với người sử dụng mạng xã hội nước ngoài đạt tối thiểu 0,83[1], phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 1,22. Tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng dịch vụ, xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, mạo danh, tin giả, phấn đấu 100% thông tin vi phạm được xử lý.
- Tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí, đánh giá sự cần thiết phải sửa/thay đổi Luật báo chí năm 2016; Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012; Tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở.
- Tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia được nhận diện có hình ảnh tốt về giá trị trải nghiệm với công chúng trong và ngoài nước nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tăng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam.
- Thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, ứng dụng công nghệ thông - viễn thông, công nghệ số, đổi mới phương thức quản lý, vận hành hệ thống thông tin cơ sở để bảo đảm vai trò là kênh thông tin quan trọng, cung cấp các thông tin chính thống, thiết thực, kịp thời và hiệu quả cho đời sống của người dân ở cơ sở. Phấn đấu tỷ lệ xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở đạt 92% trong đó có tối thiểu 15% đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT. Chuyển đổi số cơ quan báo chí, PTTH hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện đạt tỷ lệ 75%.
- Tạo điều kiện thu hút tối đa nguồn lực của xã hội để xây dựng và  phát triển văn hóa đọc. Tỷ lệ bản sách/người[2] đạt 4,5%. Tỷ lệ sách xuất bản điện tử/số đầu sách đạt 10%[3]. Tổ chức xây dựng nhà xuất bản trọng điểm. Triển khai xây dựng Chương trình Sách Quốc gia; tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng sách; Kết hợp phát triển hệ thống phát hành xuất bản phẩm truyền thống với phát hành xuất bản phẩm điện tử, tăng khả năng tiếp cận sách của bạn đọc. Tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT để đổi mới, hiện đại hóa hoạt động xuất bản; phát triển xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử phù hợp với xu thế phát triển chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.
[1] Năm 2021 dự kiến có khoảng 100 triệu người sử dụng mạng xã hội Việt/120 triệu người sử dụng mạng xã hội nước ngoài. Năm 2025 dự kiến tỷ lệ này là 110/90.
[2] Trong đó, sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo giáo dục chiếm dưới 60%.
[3] Hiện nay tỷ lệ sách xuất bản điện tử/số đầu sách của Mỹ là 19%, Indonesia là 17%. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay3,298
  • Tháng hiện tại135,108
  • Tổng lượt truy cập18,300,979
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây