Theo đó, ngày 08/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với các nội dung sau:
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là phát triển đội ngũ nhân lực, chuyên gia an ninh mạng đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của các tổ chức và cá nhân, nâng cao khả năng phòng chống các mối đe dọa từ không gian mạng, có chính sách để thu hút và giữ chân được đội ngũ nhân lực và chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng, nâng cao năng lực quốc gia về an ninh mạng, tăng cường hợp tác quốc tế và hình thành Mạng lưới Tài năng an ninh mạng Việt Nam; đảm bảo an ninh mạng, ngăn chặn các nguy cơ tấn công và xâm nhập hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia.
Bên cạnh đó kế hoạch tập trung vào các hoạt động đào tạo và nâng cao trình độ an ninh mạng cho các lực lượng chuyên trách và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đào tạo 100 cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh, đào tạo 05 chuyên gia an ninh mạng chất lượng cao; đào tạo 100 cán bộ của các sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan, tổ chức đang được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành các hệ thống thông tin quan trọng. Ngoài ra, còn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn và đào tạo chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về an ninh mạng để đáp ứng nhu cầu của tỉnh; tổ chức tối thiểu 10 lớp đào tạo, tập huấn cho tổ chức và cá nhân theo nhu cầu.
- Về hình thức đào tạo bao gồm: đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học, đào tạo chuyên gia, đào tạo nâng cao, đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, và các hình thức đào tạo khác theo quy định của pháp luật.
- Nội dung đào tạo bao gồm: đào tạo về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ an ninh mạng và kiến thức, kỹ năng an ninh mạng, với một số nội dung như nhận thức, kiến thức bảo đảm an toàn, an ninh mạng; chuyên gia đánh giá bảo mật, rà quét lỗ hổng nội mạng, rà quét lỗ hổng ngoại mạng, kiểm thử xâm nhập ứng dụng web/mobile, kiểm định cấu hình an ninh thiết bị, kiểm tra an ninh, an toàn hệ thống thông tin, kiểm tra hệ thống điều khiển công nghiệp, phòng chống tấn công mạng và ứng dụng sự cố an ninh mạng, phân tích mã độc, điều tra số và các nội dung khác theo nhu cầu thực tế.
- Đối tượng đào tạo bao gồm: lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, lực lượng bảo vệ an ninh mạng tại các sở, ban, ngành, địa phương, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh mạng, đội ngũ lãnh đạo quản lý và cán bộ chủ chốt, giảng viên, nghiên cứu viên, giáo viên về an ninh mạng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về an ninh mạng, tài năng trẻ về an ninh mạng, và công dân Việt Nam có nhu cầu đào tạo về an ninh mạng.
- Nguồn tuyển chọn phục vụ đào tạo bao gồm: sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc từ hệ thống các Học viện, trường Đại học, Trung tâm đào tạo chuyên ngành của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, hoặc các cơ sở đào tạo về an ninh mạng và công nghệ thông tin; cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi về công nghệ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn về an ninh mạng tại các đơn vị chuyên trách trong và ngoài Công an nhân dân, Quân đội nhân dân; thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn qua cuộc thi “Tuyển chọn tài năng an ninh mạng” do Bộ Công an tổ chức hàng năm. Đối với nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao, cần đảm bảo các nội dung: là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc chuyên ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông từ các trường Đại học có uy tín trên thế giới và ký cam kết với Bộ Công an trước khi được cử đi đào tạo và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết.
- Điều kiện tuyển chọn đối với ứng viên cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng bao gồm: đáp ứng tiêu chuẩn về điều kiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để vào Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân; đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn về an ninh mạng do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định; đáp ứng yêu cầu về tiếng Anh theo tiêu chuẩn ngoại ngữ của nơi gửi đi đào tạo và không quá 30 tuổi, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định.
Hữu Thành