Ông Nguyễn Tấn Lợi-Cục trưởng Cục Thuế Tây Ninh trả lời một số thắc mắc của doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Hùng Việt-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển doanh nghiệp, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn và là ưu tiên hàng đầu trong kinh doanh. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo một số vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị chuyển đổi hóa đơn đáp ứng Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ; Thông tư 78/2021 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật quản lý thuế ngày 13.6.2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP; Hệ sinh thái chuyển đổi số VNPT; Các dịch vụ của VPNT phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp như: Hóa đơn điện tử; Phần mềm quản trị doanh nghiệp One Business; Hợp đồng điện tử; Chữ ký số Smart CA; Dịch vụ tra cứu truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Công thương trả lời một số thắc mắc của doanh nghiệp.
Tham dự hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề thời điểm xuất hóa đơn khi cung cấp dịch vụ; tính pháp lý của hóa đơn điện tử do VNPT cung cấp; Phần mềm quản trị doanh nghiệp One Business và Hợp đồng điện tử có pháp lý như thế nào và tính bảo mật thông tin hợp đồng của doanh nghiệp được thực hiện như thế nào…
Ông Nguyễn Tấn Đức-Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông cho biết, hiện nay, doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chi nhánh của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước về viễn thông và công nghệ thông tin trên quy mô toàn quốc, chưa có doanh nghiệp tư nhân về công nghệ số.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp chưa nhiều, chủ yếu là sử dụng phần mềm văn phòng như Office, phần mềm kế toán, quản trị nhân sự mà chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp, nâng cao năng suất, xây dựng mô hình kết nối với khách hàng để xây dựng phương pháp sản xuất kinh doanh theo phương thức mới.
Ông Võ Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (Digital Transformation Index-DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020, chỉ số Phát triển doanh nghiệp công nghệ số của Tây Ninh đạt tỷ lệ rất thấp, trong đó các tỷ lệ: doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông (ICT), doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành khác có ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới chỉ đạt 2.79%. Tỷ lệ doanh nghiệp đã hoạt động trong các ngành khác chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số là 0%.
Thông qua Hội thảo đã giúp các doanh nghiệp trên địa vàn tỉnh nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, mục đích của việc chuyển đổi số nói chung và đối với các doanh nghiệp nói riêng trong thời đại công nghệ 4.0; Giải pháp giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong hành trình chuyển đổi số, hội nhập kinh tế, quốc tế; hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, thúc đẩy năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh trang của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Tây Ninh Online
Ý kiến bạn đọc