Vào hàng “Top ten” chỉ số Vietnam ICT Index 2020: Tây Ninh sẵn sàng cho thời phát triển công nghệ 4.0

Thứ sáu - 07/05/2021 09:12 2.292 0
Hy vọng, với Báo cáo Vietnam ICT Index 2020, Tây Ninh sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong giai đoạn cách mạng mới, mà trước mắt là sẽ thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế xã hội với chất lượng bền vững.

 

Hệ thống giám sát an ninh giao thông. Ảnh: Trúc Ly

Trước ngày nghỉ lễ 30.4, Bộ Thông tin - Truyền thông đã công bố Báo cáo Vietnam ICT Index 2020, đây là bản báo cáo về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ - thông tin thường niên nhằm đánh giá, xếp hạng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các ngân hàng thương mại.

Báo cáo này được thực hiện từ năm 2006, nhưng bắt đầu từ năm 2013 mới chính thức xuất bản, phát hành để làm tài liệu tham khảo quan trọng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo kết quả đánh giá trong Báo cáo Vietnam ICT Index từ năm 2013 tới năm 2019, tỉnh Tây Ninh luôn đứng trong nhóm trung bình và khá, có thứ hạng từ 45 đến 23, đến năm 2020, tỉnh ta vươn lên lọt vào “top ten”, đạt hạng 9/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Ðiểm khác biệt với các báo cáo đánh giá khác- nhất là báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), là sự “chấm điểm” không chỉ ở bộ máy chính quyền, cơ quan Nhà nước từ phía tổ chức, nhân dân, mà còn là sự “sẵn sàng” của người dân về việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cốt lõi của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, còn gọi là thời đại 4.0.

Một điểm đặc biệt khác nữa là việc “chấm điểm”- tức là phương pháp tính điểm không dựa trên “thang điểm” định sẵn mà dựa trên việc áp dụng phương pháp chuẩn hoá (gọi là Z.score) để tính các chỉ số thành phần, cùng với kết quả đánh giá của các chuyên gia độc lập. Kết quả của cách tính theo phương pháp này điểm tuyệt đối chỉ 1 điểm, vì thế điểm tối đa của một địa phương, ngành được chấm là số lẻ đứng sau điểm 0.

Theo cơ quan xây dựng báo cáo (Bộ TT-TT), phương pháp tính này được sử dụng nhằm có sự đồng nhất với báo cáo của Liên Hợp Quốc về chính phủ điện tử của các quốc gia trên thế giới.

Nội dung Báo cáo Vietnam ICT Index bao gồm kết quả đánh giá 3 chỉ số thành phần là: chỉ số hạ tầng kỹ thuật; chỉ số hạ tầng nhân lực và chỉ số ứng dụng CNTT. Theo đó, điểm số chung của Tây Ninh năm 2020 là 0,5452 điểm, thứ hạng 9. Lần lượt điểm số của tỉnh theo 3 chỉ số thành phần là: Hạ tầng kỹ thuật 0,58 điểm; Hạ tầng nhân lực: 0,79 điểm và Ứng dụng CNTT: 0,26 điểm.

Rõ ràng nhìn vào kết quả chấm theo phương pháp khoa học mới lạ kia thì…thật khó hiểu. Nhưng trong nội dung đi sâu phân tích của bản Báo cáo ICT 2020 thì ta có thể cảm nhận được bước tiến của tỉnh trong việc “sẵn sàng cho thời đại 4.0”.

Cụ thể, điểm số về Hạ tầng kỹ thuật được tính trên hai thành phần là xã hội và cơ quan Nhà nước (CQNN). Hạ tầng kỹ thuật xã hội ở Tây Ninh được tính theo các tỷ lệ số máy điện thoại cố định trên 100 dân (đạt 2,2/100); số máy điện thoại di động trên 100 dân (đạt 120/100), người dùng internet trên 100 dân (đạt 69,05/100), sử dụng internet băng thông rộng cố định trên 100 dân (đạt 18,3/100), sử dụng internet băng thông rộng di động trên 100 dân (đạt 142,49/100); hộ gia đình có sử dụng internet (đạt 70%) và doanh nghiệp có sử dụng internet (đạt 100%)

Hạ tầng kỹ thuật CQNN ở Tây Ninh được tính theo các tỷ lệ: Số máy vi tính trên mỗi công chức, viên chức (CCVC, đạt 1,07); số CCVC sử dụng băng thông rộng internet (đạt 16.242 người), CQNN kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh (CP net, đạt 100%); triển khai an toàn thông tin và an toàn dữ liệu trong CQNN (đạt 67,4%).

Chỉ số hạ tầng nhân lực (HTNL) cũng được đánh giá trên 2 thành phần: hạ tầng nhân lực xã hội và hạ tầng nhân lực CQNN. Kết quả đánh giá ICT index cho thấy Tây Ninh có tỷ lệ người lớn biết đọc biết viết là 98%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường là 98,7% và tỷ lệ trường học có dạy môn Tin học là 78,65%.

Ðối với các CQNN, chỉ số hạ tầng nhân lực được đánh giá dựa trên các tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT trong tổng số CCVC (đạt 4,8%); tỷ lệ cán bộ chuyên trách trình độ từ đại học trở lên (đạt 85%); tỷ lệ cán bộ chuyên trách an toàn thông tin trên tổng số cán bộ chuyên trách CNTT (đạt 4,8%); tỷ lệ cán bộ, công chức được tập huấn phần mềm mã nguồn mở (đạt 100%); tỷ lệ CBCC được tập huấn an ninh thông tin (đạt 100%)

Chỉ số Ứng dụng CNTT được tính theo hai chỉ số: ứng dụng CNTT trong nội bộ CQNN và ứng dụng dịch vụ công. Theo đó, 100% CQNN ở Tây Ninh đều có sử dụng thư điện tử (e-mail) triển khai các ứng dụng cơ bản (đạt 14,5%); có cơ sở dữ liệu chuyên ngành (66,8%); sử dụng văn bản điện tử (đạt 32,2) và có ứng dụng phần mềm mã nguồn mở (đạt 3,46%)

Về chỉ số ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, Tây Ninh đạt tỷ lệ ứng dụng tổng hợp chung các mức độ là 60%; trong đó ứng dụng mức độ cao (mức 3 và mức 4) lần lượt là 54% và 20,6%.

Cũng theo Báo cáo ICT Index 2020, kết quả “sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT” trong cả nước còn khẳng định tác dụng của chỉ số ICT với các chỉ số đánh giá sự phát triển các mặt trong quá trình đổi mới của đất nước ta, trong đó có sự so sánh về tương quan “tỷ lệ thuận” của hai chỉ số quan trọng là chỉ số ICT với chỉ số PCI. Tỉnh nào có chỉ số ICT cao sẽ đem lại kết quả PCI ngày càng cao hơn.

 

Thứ hạng của Tây Ninh trong bảng xếp hạng Vietnam ICT Index 2020. Ảnh: P.TK

Kết quả chấm điểm chỉ số ICT của Tây Ninh nêu trên là sự đánh giá cao công tác phát triển và ứng dụng CNTT nhiều năm qua. Kết quả này không chỉ phản ánh thành quả của các cơ quan Nhà nước trong hoạt động tin học hoá theo đòi hỏi của công cuộc cải cách hành chính mà còn cho thấy sự nhạy bén với công nghệ mới của  tỉnh nhà trong “thời đại 4.0”.

Ðáng chú ý là kết quả của tác động qua lại ICT index và PCI index đã góp phần đem lại thành tựu phát triển chung của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội Tây Ninh thời gian qua, thể hiện trên các mặt phát triển có tính chất “nhảy vọt” của tỉnh nhà từ khi đất nước mở cửa ra thế giới qua “xa lộ thông tin internet” từ cuối năm 1997.

Hy vọng, với Báo cáo Vietnam ICT Index 2020, Tây Ninh sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong giai đoạn cách mạng mới, mà trước mắt là sẽ thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế xã hội với chất lượng bền vững.

Nguyễn Tấn Hùng

Nguồn tin: baotayninh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,664
  • Tháng hiện tại133,474
  • Tổng lượt truy cập18,299,345
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây