Những nội dung cơ bản của Luật An toàn thông tin mạng

Thứ tư - 24/07/2024 09:33 361 0
Luật An toàn thông tin mạng quy định các nguyên tắc, biện pháp và quy trình để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Dưới đây là nội dung cơ bản của Luật An toàn thông tin mạng:

Chương I: Luật An toàn thông tin mạng quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin mạng, chính sách của nhà nước, hợp tác quốc tế, những hành vi bị cấm trong hoạt động an toàn thông tin mạng và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng.

 

Về phạm vi điều chỉnh: Luật quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

 

Về đối tượng áp dụng: Do hoạt động an toàn thông tin có thể liên quan đến hợp tác quốc tế, đặc biệt là hoạt động tham gia đảm bảo an toàn thông tin  của các cơ quan, tổ chức và cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, đối tượng của Luật an toàn thông tin mạng được quy định gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam.

 

Luật an toàn thông tin mạng đã giải thích một số từ ngữ như khái niệm an toàn thông tin mạng, mạng, hệ thống thông tin, hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, chủ quản hệ thống thông tin, xâm phạm an toàn thông tin mạng, sự cố an toàn thông tin mạng, rủi ro an toàn thông tin mạng, đánh giá rủi ro an toàn thông tin mạng, quản lý rủi ro an toàn thông tin mạng, phần mềm độc hại, hệ thống lọc phần mềm độc hại, địa chỉ điện tử, xung đột thông tin, thông tin cá nhân, chủ thể thông tin cá nhân, xử lý thông tin cá nhân, mật mã dân sự, sản phẩm an toàn thông tin mạng, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

 

Trong đó, khái niệm an toàn thông tin mạng tại Luật này được hiểu là sự bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin trên mạng tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin.

 

Trong Chương này, Luật an toàn thông tin mạng cũng quy định rõ 04 nguyên tắc cơ bản trong bảo đảm an toàn thông tin: Cơ quan, tổ chức, cá nhân  có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng. Hoạt động an toàn thông tin của cơ quan tổ chức, cá nhân phải phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên mạng không được xâm phạm an toàn thông tin của tổ chức, cá nhân khác; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và với tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin; xử lý sự cố thông tin phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, không xâm phạm đến đời sống riêng tư của cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, thông tin riêng của tổ chức; hoạt động bảo đảm an toàn thông tin phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời và có hiệu quả.

 

Về chính sách của nhà nước về an toàn thông tin: Tập trung nguồn lực; đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lưc; khuyến khích nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ xuất khẩu, mở rộng thị trường cho sản phẩm, dịch vụ và chính sách bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm và cung cấp dịch vụ an toàn thông tin.

 

Về hợp tác quốc tế: Hợp tác quốc tế về an toàn thông tin tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công tác nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định của pháp luật, cam kết quốc tế của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia; và ưu tiên các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng, điều tra xử lý sự cố an toàn thông tin mạng, ngăn chặn lợi dụng mạng để khủng bố và các hoạt động động hợp tác quốc tế khác có liên quan.

 

Về các hành vi bị nghiêm cấm: Luật nghiêm cấm các hành vi ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy cập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật; Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin; phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin của người khác, lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân; Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp.

 

Chương II: Chương này gồm 04 mục và 21 Điều, trong đó có các mục đặc biệt quan trọng và đã được nghiên cứu kỹ là Bảo vệ thông tin cá nhân và Bảo vệ hệ thống thông tin, đây là hai vấn đề nhạy cảm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

 

Về bảo vệ thông tin cá nhân: Cá nhân có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và có ý thức tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng. Mục này còn quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xử lý thông tin cá nhân và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân do mình thu thập.

 

Về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân: Cá nhân phải có ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp  thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng; tổ chức, cá nhân xử lý thông  tin cá nhân có trách nhiệm bảo vệ an toàn thông tin đối với thông tin cá nhân do mình xử lý; việc bảo vệ thông tin cá nhân thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật liên quan. Ngoài ra, việc xử lý thông tin cá nhân phục vụ mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng cá nhân đơn thuần không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

 

Về bảo vệ hệ thống thông tin: Để có thể đảm bảo an toàn thông tin một cách hiệu quả thì trước hết cần phải xác định cấp độ của hệ thống thông tin, bao gồm 5 cấp độ (từ cấp 1 đến 5). Trong đó, cấp độ 1 là cấp độ nhẹ nhất, khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng không làm tổn hại tới lợi ích công cộng, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; còn cấp độ 05 là cấp độ nặng nhất, khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia.

 

Chương III:  Mật mã dân sự

 

Chương này quy định các nội dung liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và các hoạt động có liên quan đến kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.

 

Kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự là ngành nghề sản xuất cần có sự quản lý của nhà nước. Vì vậy, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mật mã dân sự phải được cơ quan quản lý mật mã dân sự cấp phép.

 

Chương IV:  Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng

 

Chương này quy định các nội dung về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng; quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng và chứng nhận, công bố hợp quy và đánh giá, kiểm định an toàn thông tin mạng.

 

Trong đó, tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng bao gồm tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở đối với hệ thống thống tin, phần cứng, phần mềm, hệ thống quản lý, vận hành an toàn thông tin mạng được công bố, thừa nhận áp dụng tại Việt Nam. Quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng gồm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, hệ thống quản lý, vận hành an toàn thông tin mạng phù hợp với quy chuẩn ký thuật an toàn thông tin mạng.

 

Trên cơ sở phân loại tiêu chuẩn kĩ thuật và quy chuẩn kĩ thuật, Luật quy định cụ thể quy trình chứng nhận hợp chuẩn, quy trình chứng nhận hợp quy đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng. Trong đó, Bộ khoa học công nghệ đóng vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật.

 
File đính kèm

Tác giả: Huỳnh Văn Xô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm92
  • Hôm nay6,764
  • Tháng hiện tại92,720
  • Tổng lượt truy cập18,459,591
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây