Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 173-KH/TU ngày 04/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề; đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, đến năm 2030, thu hút 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và 50% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 35%; tuyển mới đào tạo nghề cho khoảng 13.000 người/năm; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; phấn đấu xây dựng Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh đến năm 2030 được đánh giá, công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao; phấn đấu 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia; các ngành, nghề trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ đáp ứng tổ chức đào tạo, trong đó 1-2 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong nước; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.
Định hướng đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực và cả nước, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, kế hoạch tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể gồm:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời. Huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khâu đột phá thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề, các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông, tăng tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp; thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp và đào tạo lại cho lực lượng lao động đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện mô hình vừa đào tạo nghề vừa dạy học văn hoá tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; tuyên truyền, vận động học sinh khá, giỏi vào học giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đầu vào, đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
- Triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút người học được quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ; chính sách đầu tư các trình độ giáo dục nghề nghiệp thuộc lĩnh vực ngành, nghề trọng điểm theo quy định tại Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; chính sách đối với người học thuộc các đối tượng đặc thù như: người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, lao động nữ, lao động di cư, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, người chấp hành xong án phạt tù, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII và Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động. Chú trọng phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh của tỉnh gắn với nhu cầu thị trường lao động. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, định kỳ đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo thực chất, hiệu quả và đúng quy định pháp luật.
- Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước trong tổng chi ngân sách nhà nước tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt ưu tiên cho các ngành, nghề đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hoá, thúc đẩy hợp tác công - tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục. Nghiên cứu, áp dụng các cơ chế, chính sách hiện hành của Trung ương về xã hội hóa để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính, có uy tín đầu tư thành lập 01 trường cao đẳng tư thục tại Cầu K13 (huyện Dương Minh Châu) và 01 trường trung cấp trong khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu.
- Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo thực hành cho người học trong doanh nghiệp; thành lập các xưởng thực hành, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường trung cấp, trường cao đẳng nghề Tây Ninh.; Khuyến khích doanh nghiệp thành lập cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp hoặc đặt hàng đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu vị trí việc làm, chủ động tham gia với cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng lao động; doanh nghiệp cử chuyên gia kỹ thuật có tay nghề cao cùng cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn. Nghiên cứu kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố thành lập bộ phận chuyên trách trực thuộc trung tâm Dịch vụ việc làm – Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tây Ninh để theo dõi, quản lý thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên cập nhật kiến thức đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “Học đi đôi với hành”; đầu tư nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo của các cơ sở công lập và tư thục đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho các ngành, nghề trọng điểm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp các cấp. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng số cho người học; phối hợp với doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chủ động, tích cực tham gia hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia, nhà giáo, người học với các nước phát triển; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, chương trình đào tạo của các nước tiên tiến để triển khai thực hiện trong các trường trung cấp, cao đẳng nghề; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong giáo dục nghề nghiệp, bổ sung phát triển chương trình đào tạo bắt kịp với xu thế của thế giới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi cấp cơ sở, cấp tỉnh như: kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, kỳ thi thiết bị đào tạo tự làm, kỳ thi giáo viên giỏi, qua đó lựa chọn những cá nhân đạt giải cao tham gia hội thi toàn quốc.