Theo đó, kinh tế số mở ra không gian tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam, là động lực cốt lõi của tăng trưởng kinh tế quốc gia. Kinh tế số giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế, góp phần giải bài toán khoảng cách số, khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách nông thôn với thành thị và giảm ô nhiễm môi trường.
Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20% -25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Mỗi người dân sở hữu một danh tính số và được xác thực khi tham gia vào các dịch vụ trực tuyến để bảo đảm an toàn và nâng cao mức độ tin cậy của các dịch vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế số, bao gồm kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, dịch vụ số trên mạng, giải trí trực tuyến, dịch vụ nội dung số trực tuyến, kinh tế thuật toán, kinh tế liên kết lỏng (Gig) và các kinh doanh số khác trên Internet. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, bưu chính, logistic, du lịch, tài chính, ngân hàng…Xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; sửa đổi Luật Giao dịch điện tử theo hướng bổ sung các nội dung mới về kinh tế số phù hợp với yêu cầu phát triển của lĩnh vực; củng cố, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật tạo thuận lợi phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm phát triển thị trường cho kinh tế số; phát triển các hệ thống nền tảng phục vụ quản lý và hỗ trợ phát triển kinh tế số và xã hội số. Phát triển các đại học số, các mô hình đào tạo trực tuyến sử dụng nền tảng đào tạo mở trực tuyến (MOOCs - Massive Open Online Courses) cho mọi đối tượng, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động coi đây là các giải pháp đột phá để phát triển xã hội số.
DT