Quy định của pháp luật về tội phạm giết người

Thứ năm - 16/05/2024 16:13 467 0
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Xét xử là tốt. Nhưng không phải xét xử thì còn tốt hơn”. Câu nói này thể hiện phương châm rất quan trọng trong đường lối xử lý tội phạm của Nhà nước ta, lấy giáo dục, phòng ngừa là chính, phòng ngừa tốt cũng chính là chống tội phạm tốt; coi việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu. Để phòng ngừa tội phạm có hiệu quả, thì yêu cầu đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức càng phải được quan tâm, chú trọng.
Hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng từ trước đến nay được thực hiện theo phương châm: nhanh chóng, kịp thời, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội, trừng trị, giáo dục và cải tạo người phạm tội, hình thành thói quen phản ứng tích cực và hưởng ứng của Nhà nước và xã hội đối với tội phạm. Trong cách tiếp cận để phòng ngừa tội phạm, chúng ta vẫn luôn coi trọng biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật trong nhân dân về phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm có nguyên nhân xã hộo.

Tuy nhiên thực tế trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh tình hình tội phạm giết người diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Đây là hiện tượng xã hội rất phức tạp, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đến quyền được sống, quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân; gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 56 vụ giết người tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm chưa cao, chưa tập trung đi sâu vào đối tượng, địa bàn cụ thể, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc chưa chặt chẽ, vai trò của chính quyền cơ sở có nơi thiếu sự quyết liệt trong phòng ngừa tội phạm, công tác nắm tình hình và giải quyết mâu thuẫn nội bộ trong Nhân dân có vụ chưa kịp thời, thiếu kiên quyết, để kéo dài, bức xúc.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội giết người bị xử lý như sau:

- Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

+ Giết 02 người trở lên;

+ Giết người dưới 16 tuổi;

+ Giết phụ nữ mà biết là có thai;

+ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

+ Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

+ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

+ Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

+ Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

+ Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

+ Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

+ Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

+ Thuê giết người hoặc giết người thuê;

+ Có tính chất côn đồ;

+ Có tổ chức;

+ Tái phạm nguy hiểm;

+ Vì động cơ đê hèn.

- Trường hợp phạm tội không thuộc các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Lưu ý: Đối với tội giết người, trường hợp người chuẩn bị phạm tội vẫn được xem là có tội và có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Tại Điều 125 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như sau:

- Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh và phải xuất phát từ nguyên nhân do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó thì vẫn bị phạt tù. Mức phạt cao nhất lên đến 07 năm tù giam.

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:

- Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Theo Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015, tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được quy định như sau:

- Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Tác giả: Huỳnh Văn Xô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay9,917
  • Tháng hiện tại95,873
  • Tổng lượt truy cập18,462,744
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây