Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ năm - 09/11/2023 16:018890
Ngày 07/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc chống khai thác IUU đã và đang được tập trung thực hiện tích cực, Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và được các Bộ, ngành, địa phương hưởng ứng, vào cuộc mạnh mẽ. Hành lang pháp lý, thể chế liên quan chống khai thác IUU được hoàn thiện, củng cố. Quản lý phương tiện đánh bắt chặt chẽ hơn; kiểm soát đánh bắt ngoài khơi được tăng cường. Các vi phạm trong đánh bắt hải sản được cương quyết xử lý… Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như mong muốn, còn nhiều việc phải làm, như: Thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU có lúc, có nơi chưa nghiêm; một số tàu cá, một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định IUU.
Đồng thời Thủ tướng nêu rõ, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là kiên trì, kiên định trong việc chống khai thác IUU, bảo vệ đại dương, nguồn lợi hải sản, phát triển bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; tôn trọng luật pháp quốc tế. Cho rằng, chống khai thác IUU trước hết vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không ngừng nâng cao ý thức của người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Cùng với đó, tạo sinh kế, chăm lo việc làm cho người dân, theo hướng tăng nuôi trồng, chế biến, giảm đánh bắt tự nhiên; giải quyết dứt điểm các khuyến cáo của các nước, tổ chức trong khai thác hải sản; không để phát sinh các phát sinh mới và không để xảy ra tình trạng khai thác IUU.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các Ban, Bộ, ngành, địa phương có liên quan thống nhất nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế; thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tin, truyền thông chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt là quy định chống khai thác IUU đến cấp xã, phường, ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan; tăng thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền trong và ngoài nước về những nỗ lực, kết quả triển khai chống khai thác IUU của Việt Nam. Bên cạnh nêu bật mặt tích cực, biểu dương các trường hợp, kết quả điển hình, tiêu biểu; đồng thời phê phán các hành vi cố tình vi phạm; đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội, phản động về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống khai thác IUU.
Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated fishing - IUU) là quy định về chống đánh bắt hải sản IUU được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành tại Quy định số 1005/20081 có hiệu lực từ ngày 01/10/2010. Mục tiêu của IUU là nhằm thiết lập một thống trên toàn châu Âu (EU) để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU.
Mọi hoạt động thương mại các sản phẩm thủy sản có được từ hoạt động đánh bắt IUU đều bị nghiêm cấm. Sản phẩm thủy sản được nhập khẩu vào EU phải có Giấy chứng nhận đánh bắt. Cơ quan chức năng của nước có tàu đánh bắt phải xác nhận sản phẩm thủy sản được đánh bắt trên tàu là phù hợp với quy định của pháp luật và các quy định quốc tế về quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Chứng nhận này phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và áp dụng cho tất cả các sản phẩm đã chế biến hoặc chưa qua chế biến (trừ cá nước ngọt, cá cảnh và một số loại thân mềm khác).
IUU ảnh hưởng tiêu cực đến nghề cá trên toàn thế giới và của mỗi quốc gia; tác động đến an toàn thực phẩm, có liên quan tới các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (như buôn bán ma túy), hạn chế và bóp nghẹt các hoạt động đánh bắt cá quy mô nhỏ của các nước đang phát triển, tiếp sức cho tham những, rửa tiền, gian lận thương mại... Lượng cá đánh bắt phi pháp hàng năm được ghi nhận từ 11 đến 26 triệu tấn, tương ứng trị giá từ 11 đến 23,5 tỷ USD.
Nghiêm cấm mọi quốc gia thành viên EU có liên quan hay ủng hộ các hoạt động đánh bắt cá IUU. Đồng thời, EU có quyền áp đặt một khoản phạt trị giá tối đa gấp 5 lần giá trị lô hàng thủy sản vi phạm, gấp 8 lần nếu tái phạm và trong thời hạn 5 năm đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.