Trẻ em là thế hệ mầm non - tương lai của đất nước, cần được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trong những điều kiện tốt nhất bởi gia đình, nhà trường và xã hội. Pháp luật Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em, xem trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trang bị hành lang pháp luật để bảo vệ trẻ em khỏi sự xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Tình trạng trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ bị xâm hại tình dục có xu hướng diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng gây tâm lý lo lắng cho các gia đình có trẻ em, gây bức xúc trong xã hội. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra 57 vụ xâm hại tình dục trẻ em, tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm chưa cao, chưa tập trung đi sâu vào đối tượng, địa bàn cụ thể, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc chưa chặt chẽ, vai trò của chính quyền cơ sở có nơi thiếu sự quyết liệt trong phòng ngừa tội phạm, công tác nắm tình hình và giải quyết mâu thuẫn nội bộ trong Nhân dân có vụ chưa kịp thời, thiếu kiên quyết, để kéo dài, bức xúc.
Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức đoàn thể và xã hội phải có sự phối hợp vào cuộc tích cực để lên án mạnh mẽ, đấu tranh phòng chống quyết liệt loại tội phạm này. Qua báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền cho thấy, tình hình trẻ em xâm hại tình dục đang có diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với đối tượng bị xâm hại là trẻ em nhỏ tuổi, xâm hại gây tổn thương nặng nề đến thể chất, tinh thần trẻ em thậm chí dẫn tới trẻ em bị tử vong hoặc tự tử. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người quen, họ hàng, hàng xóm, cho thấy sự suy đồi đạo đức, coi thường tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để giảm thiểu các vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực trong gia đình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực của các bên. Việt Nam đã có một hệ thống các quy định pháp luật đầy đủ hơn so với giai đoạn trước để xử lý, hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ em bị xâm hại.
Theo BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã dành ra 05 điều quy định về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (tăng 01 điều so với BLHS năm 1999), đồng thời cụ thể hóa các tội đã có.
Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm
Đây là tội mới được đưa vào BLHS năm 2015. Theo đó, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.
Điều luật này cũng quy định phạt tù từ 03 - 07 năm với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Có mục đích thương mại; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% - 45%; Tái phạm nguy hiểm. Khung hình phạt cao nhất của tội này là 07 - 12 năm tù khi gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Tội này tương đương với Tội hiếp dâm trẻ em được quy định tại Điều 112 BLHS năm 1999. Tại Điều 142 BLHS năm 2015, hành vi của tội này đã được mô tả cụ thể hơn. Theo đó, hiếp dâm người dưới 16 tuổi là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
Tại BLHS năm 2015, khung hình phạt đối với tội này vẫn được giữ nguyên so với quy định tại BLHS năm 1999. Theo đó, người phạm tội sẽ bị phạt thấp nhất là 07 năm tù và cao nhất là tử hình, tùy thuộc vào mức độ phạm tội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
Trong BLHS năm 2015, tội này được quy định tại Điều 144 và được miêu tả là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Mức phạt thấp nhất cho tội này được quy định tại Điều 144 là 05 năm tù và cao nhất là tù chung thân, kèm hình phạt bổ sung - mức phạt không thay đổi so với quy định tại Điều 114 BLHS năm 1999.
Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
Tội này được quy định tại Điều 145 BLHS năm 2015. Theo đó, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 01 - 05 năm. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng, mức phạt sẽ được tăng dần lên 03 - 10 năm tù và cao nhất là 07 - 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm. Mức phạt tương đương với quy định tại Điều 115 BLHS năm 1999.
Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
BLHS năm 1999 quy định tội này tại Điều 116 với mức phạt cao nhất là 12 năm tù khi gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Tại Điều 146 BLHS năm 2015, tội dâm ô với người dưới 16 tuổi được miêu tả cụ thể như sau: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Người phạm tội này sẽ bị phạt tù với mức phạt thấp nhất là 06 tháng tù và cao nhất là 12 năm tù, kèm với hình phạt bổ sung.