Theo đó, kể từ ngày 12/8/021, tỉnh chấp nhận hoạt động của dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa thiết yếu (shipper) trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tổ chức các hoạt động cung ứng dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa thiết yếu phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng chống dịch của đội ngũ giao hàng (shipper).
Trong đó, lưu ý rà soát, điều chỉnh giảm số lượng nhân viên giao hàng nhằm hạn chế tối đa nhân viên phải ra đường so với thời điểm trước giãn cách; đó cũng là biện pháp dự phòng nhân lực cho những trường hợp phát sinh có thể xảy ra.
Tổ chức đăng ký và thông tin rộng rãi về đặc điểm nhận dạng đội ngũ giao nhận hàng hóa của từng đơn vị, doanh nghiệp ngoài những thông tin nhận dạng thông thường (đồng phục và bảng tên nhân viên; màu sắc nhận dạng của phương tiện và thùng chứa hàng hóa; logo của doanh nghiệp; giấy phép hoạt của từng nhân viên; ứng dụng công nghệ đang sử dụng để giao dịch; ....).
Chủ động, khẩn trương triển khai các đặc điểm nhận dạng khác như: thẻ cứng có ảnh từng nhân viên có xác nhận của doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ nhận diện từng nhân viên qua mã QR (bao gồm thông tin về shipper: họ và tên; số CMND/CCCD; địa chỉ cư trú; loại phương tiện di chuyển; địa chỉ công ty; loại hàng hóa và lộ trình giao hàng; tên người nhận hàng; ...).
Triển khai hoạt động cho đội ngũ nhân viên giao hàng theo từng nhóm, với phạm vi địa bàn hoạt động cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và cũng là biện pháp hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi nhân viên giao hàng (shipper) chỉ được hoạt động trong địa bàn một huyện, thị xã, thành phố hoặc một số xã, phường, thị trấn cụ thể.
Riêng đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu không quản lý giao nhận hàng hóa bằng các ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng bán lẻ, ...) thì phải lập danh sách cụ thể nhân viên giao hàng và địa bàn hoạt động gửi về Sở Công Thương để xác nhận.
Chủ động phối hợp với cơ quan y tế tổ chức theo dõi sức khỏe và xét nghiệm định kỳ cho đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) của doanh nghiệp, đơn vị mình (khuyến khích thực hiện định kỳ 5 ngày/lần);
Thường xuyên nhắc nhở đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định khi tham gia giao thông và giao nhận hàng hóa; trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, dung dịch xịt khuẩn khi thực hiện nhiệm vụ cho từng nhân viên giao hàng;
Định kỳ hàng ngày thực hiện việc lập danh sách đăng ký nhân viên giao nhận hàng hóa và địa bàn hoạt động gửi về Sở Công Thương; Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh để tổng hợp thành dữ liệu dùng chung của các cơ quan quản lý và phục vụ công tác tra cứu, nhận diện khi cần thiết;
Công bố công khai thông tin số điện thoại; đường dây nóng của đơn vị, doanh nghiệp để các lực lượng chức năng hỗ trợ, phối hợp kiểm tra, xác minh hoặc xử lý khi cần thiết;
Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp để nhân viên giao hàng của đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về mục đích vận chuyển, giao nhận hàng và không đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh trong quá trình hoạt động.