SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT
1. Trong những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Đáng chú ý là đã xuất hiện một số đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng cho các bệnh viện tư, dẫn đến nạn nhân bị tử vong.
2. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. Điều này thể hiện ở chỗ:
Về chính sách, pháp luật, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ và trẻ em nói riêng như: Hiến pháp; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh Phòng chống mại dâm; Pháp lệnh Xuất cảnh, nhập cảnh góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị tội phạm mua bán người. Chính phủ cũng đã ban hành một số văn bản liên quan đến các lĩnh vực mà bọn tội phạm có thể lợi dụng để lừa gạt phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán.
Về thi hành pháp luật, trong 5 năm (2004 - 2009), lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá 1.292 vụ, bắt 2.257 đối tượng (chiếm khoảng 10 - 15% số vụ việc xảy ra trên thực tế). Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 742 vụ, với 1.504 bị can. Tòa án nhân dân các cấp xét xử 748 vụ, với 1.367 bị cáo (kể cả án tồn). Ngoài ra, trong những năm qua Nhà nước ta đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp, như: các biện pháp về kinh tế, xã hội; các biện pháp tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống nhà trường và trong cộng đồng; biện pháp phục hồi, hỗ trợ nạn nhân hoà nhập cộng đồng, các chương trình quốc gia về xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, phòng chống tội phạm, ... nhằm phòng ngừa tệ mua bán người.
Về phương diện hợp tác quốc tế, chúng ta đã tăng cường phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan và các tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Dự án Liên minh các tổ chức Liên hợp quốc về phòng, chống buôn bán người (UNIAP), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), … để triển khai nhiều hoạt động liên quan đến phòng, chống buôn bán người. Chính phủ cũng đã ký kết Hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống buôn bán người với Campuchia (năm 2005), Thái Lan (năm 2008), ký kết Bản ghi nhớ lần 2 với Trung quốc về hợp tác phòng, chống buôn bán người.
3. Mặc dù vậy, tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý một số nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, do điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Mặt khác, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo càng sâu sắc, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn gay gắt ở một số địa bàn. Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em thất học dễ bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt…
Thứ hai, việc giáo dục trong phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được chú trọng đúng mức, một bộ phận thanh thiếu niên bị cuốn hút vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật. Công tác truyền thông chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng mà chỉ mới dừng lại ở một số địa bàn trọng điểm và vào các đợt cao điểm, đôi lúc còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương, chưa chú ý phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống mua bán người.
Thứ ba, công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội còn bất cập, sơ hở nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài… Công tác điều tra cơ bản nắm tình hình chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Công tác phát hiện các vụ việc có liên quan còn mang tính thụ động, hầu như mới chỉ dựa vào đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình. Bên cạnh đó, công tác rà soát tình hình và điều tra tội phạm mua bán người chưa được tiến hành thường xuyên, chưa đánh giá được đúng thực trạng tình hình và làm rõ được nguyên nhân, điều kiện, quy luật, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm.
Thứ tư, công tác tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về còn nhiều lúng túng và bị động; đến nay, mới có khoảng hơn 30% tổng số nạn nhân được hỗ trợ kinh phí hòa nhập cộng đồng. Thêm vào đó, việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu các hiệp định, thỏa thuận quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người, nên rất khó khăn trong phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra xác minh, truy bắt tội phạm, cũng như giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.
Thứ năm, hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người của nước ta nhìn chung còn phân tán và về lĩnh vực "phòng" thì chủ yếu là các văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý chưa cao, chưa mang tính đồng bộ và toàn diện; chưa xác định được rõ cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các cơ quan, tổ chức của Chính phủ với nhau và với các cơ quan, tổ chức khác trong công tác phòng, chống mua bán người. Ngoài ra, các quy định hiện hành liên quan đến hồi hương, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hoà nhập cộng đồng mới chỉ đề cập đến đối tượng nạn nhân là phụ nữ, trẻ em từ nước ngoài trở về mà chưa đề cập đến các nạn nhân bị mua bán trong nước và nạn nhân là nam giới. Do vậy, các quy định pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được một cách toàn diện, đầy đủ yêu cầu đấu tranh phòng, chống mua bán người trong điều kiện hiện nay.
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, ngày 29 tháng 3 năm 2011, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người.
* Thực trạng tội phạm mua bán người giai đoạn 2012 -2017
Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2012-2017), có khoảng hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán, trong đó, 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn... Đa số nạn nhân là phụ nữ, khi bị lừa bán ra nước ngoài, bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), và cưỡng bức lao động.
Trong số hơn 3.000 nạn nhân mua bán người đã được phát hiện, số nạn nhân đã trở về là 2.571 người, trong đó, số nạn nhân được trao trả và giải cứu là 1.334 người, số nạn nhân tự trở về là 1.237 người. Số nạn nhân chưa trở về là 519 người. Đặc biệt, ở thành phố Cần Thơ, Cơ quan Công an đã phát hiện 8 trường hợp nạn nhân là nam giới bị lừa qua Trung Quốc bán thận. Trong giai đoạn 2012-2017, cơ quan điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can (chiếm trên 97% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý). Cơ quan Điều tra đã ban hành kết luận điều tra và chuyển Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 812 vụ, 1.821 bị can.
Đối tượng phạm tội mua bán người ở hầu hết các độ tuổi, số đối tượng có độ tuổi trên 30 tuổi chiếm đa số. Các đối tượng phạm tội mua bán người có trình độ văn hóa thấp, có nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Hầu hết là những đối tượng có kiến thức xã hội, am hiểu xã hội và thường là người thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đồng thời am hiểu phong tục, tập quán của người dân…; đối tượng hoạt động băng nhóm, có tiền án, tiền sự. Nhiều người đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về Việt Nam thăm thân lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc đặc biệt có cả người thân trong gia đình. Lợi dụng đặc điểm khó khăn kinh tế, thiếu việc làm ở nhiều địa phương, chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân…, các đối tượng mua bán người hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức.
Theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán. Đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng. Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, các đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán.
Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong những năm qua, tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức như: Tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn cả nam giới và trẻ sơ sinh.
Tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai... Đặc biệt, thời gian gần đây, phát hiện một số phụ nữ dân tộc Mông ở Điện Biên sang Trung Quốc lấy chồng trở về móc nối với một số đối tượng là người dân tộc Mông ở Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, lợi dụng quan hệ thân tộc vượt biên sang Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ... (Lào) để lừa phụ nữ Mông (Lào) đưa sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm hoặc hôn nhân trái phép. Một số đối tượng xấu giả danh là Công an, Biên phòng trên mạng xã hội Zalo, Facebook… để kết bạn làm quen phụ nữ, hứa hẹn, sau đó, lừa bán sang Trung Quốc...
Để có cái nhìn khái quát về tình hình tội mua bán người ở Việt Nam, ta cần có sự đánh giá về nguyên nhân làm phát sinh tình hình tội phạm này.
Vị trí địa lý: Việt Nam có khu vực biên giới đất liền trải dài 25 tỉnh với trên 4.000 km, tiếp giáp với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhiều đường mòn, tiểu ngạch, lối tắt qua lại, nhất là biên giới Việt Nam - Trung Quốc, mang đậm nét về mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, cùng với những đặc điểm, yếu tố đặc thù về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội là núi liền núi, sông liền sông, rất thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán, thăm thân… Do đó, hoạt động mua bán người sang các nước lân cận, có đường biên giới liền với Việt Nam có chiều hướng gia tăng, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng để đưa nạn nhân qua biên giới. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc cao. Nguyên nhân là do Trung Quốc đang thực hiện nhiều cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, xây dựng hạ tầng ở khu vực biên giới đối diện, khuyến khích di giãn dân ra cư trú ở sát biên giới, kéo theo các tệ nạn xã hội nảy sinh khó kiểm soát, phát sinh nhiều người tham gia và thu hút người dân sang lao động làm thuê. Trung Quốc còn nhiều hủ tục, chính sách dân số của Trung Quốc cũng dẫn đến tình trạng mất cân bằng về giới tính, tỉ lệ chênh lệch nam nhiều hơn nữ rất cao, nhất là số nam giới trọng độ tuổi kết hôn không có khả năng lấy vợ trong nước, có nhu cầu lấy vợ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống đường bộ, đường biển và đường hàng không thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh. Do vậy, các đối tượng phạm tội cũng lợi dụng việc thông thương này để thực hiện hành vi mua bán người ở phạm vi toàn cầu.
Sự phát triển của mạng xã hội: Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Khác với trước đây, việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân phải gặp gỡ trực tiếp để ru rê, thì hiện nay, ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Sự chênh lệch về kinh tế xã hội: Sự chênh lệch về kinh tế xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng muôn bán người hiện nay. Đa số các vụ mua bán người diễn ra ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển, có nhiều khó khăn về đường xá và phương tiện đi lại. Nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng và thất nghiệp, cuộc sống của họ không có đủ thông tin xã hội. Do đó, họ dễ dàng bị lợi dụng và cả tin vào các đối tượng phạm tội, trở thành nạn nhận của tội phạm mua bán người.
QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
Luật Phòng, chống mua bán người được xây dựng dựa trên quan điểm chỉ đạo sau:
1. Thể chế hoá chủ trương “Hoàn thiện pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm theo hướng xây dựng các cơ quan bảo vệ pháp luật là nòng cốt, phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm” được thể hiện trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
2. Luật hoá các quy định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về phòng ngừa mua bán người và hỗ trợ nạn nhân đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp, đồng thời, bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn. Bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi.
3. Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống mua bán người và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống mua bán người hiện nay cũng như những năm tới.
4. Việc xây dựng Luật phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết, khảo sát thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trong những năm qua và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp về lĩnh vực này của các nước trong khu vực và trên thế giới.
5. Tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.
NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU
Luật gồm 08 chương, 58 điều quy định về các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Những vấn đề chung
Chương I của Luật gồm 06 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về những vấn đề chung bao gồm: phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền, nghĩa vụ của nạn nhân, đồng thời, giải thích một số từ ngữ có liên quan đến phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, để phòng ngừa và đấu tranh một cách đầy đủ, toàn diện và hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người (sau đây gọi tắt là Luật PCMBN) đã xác định một loạt các hành vi cần được phòng, chống. Những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 3 này có thể được phân định thành 03 nhóm các hành vi với những hình thức vi phạm và mức độ cần được phòng, chống khác nhau, cụ thể:
- Nhóm thứ nhất gồm hành vi mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự (BLHS) và các hành vi trực tiếp liên quan đến việc mua bán người mà Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liệt vào danh sách các hành vi buôn bán người. Đây được xem là nhóm hành vi cốt lõi cần phòng, chống. Nhóm này bao gồm các hành vi cụ thể được quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 3 của Luật PCMBN.
Những hành vi nêu trên là những hành vi phạm tội được quy định trong BLHS. Đó có thể là hành vi mua bán người đơn lẻ đã được quy định tại Điều 119 và Điều 120 của BLHS hoặc là hành vi phạm tội mang tính đồng phạm dưới dạng đơn giản hoặc có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp xảy ra trong nước hoặc xuyên quốc gia mà cũng có thể là hành vi phạm một tội khác theo quy định của BLHS nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với hành vi mua bán người. Vì thế, những hành vi này được xem là những hành vi trọng tâm nhất, nòng cốt nhất mà Luật PCMBN cần phải nghiêm cấm trước tiên.
Nhóm thứ hai gồm các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phòng, chống mua bán người, như: lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật; cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; trả thù, đe dọa trả thù người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; .... (các khoản 6, 7, 8, 12 của Điều 3 Luật PCMBN).
Nhóm thứ ba gồm các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến nạn nhân, như: kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân; tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc của người đại diện hợp pháp của nạn nhân; giả mạo là nạn nhân; .... (các khoản 6, 9, 10, 11 của Điều 3 Luật PCMBN).
Ngoài ra, Luật PCMBN còn có một quy định "mở" tại khoản 12 Điều 3 theo hướng dẫn chiếu đến các hành vi vi phạm khác nhằm bao quát những hành vi vi phạm các quy định của Luật PCMBN mà không thuộc ba nhóm hành vi bị nghiêm cấm nêu trên.
Việc quy định những hành vi bị nghiêm cấm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xử lý người vi phạm. Chính vì vậy mà những hành vi bị cấm mang tính khái quát cao và bao quát toàn bộ lĩnh vực phòng, chống mua bán người nhằm bảo đảm công tác phòng, chống mua bán người được thực hiện một cách thuận lợi, có hiệu quả và xử lý nghiêm đối với những người vi phạm.
Để công tác phòng, chống tệ nạn mua bán người đạt hiệu quả, Luật PCMBN đã xác định rõ những nguyên tắc cơ bản của việc phòng, chống mua bán người. Việc ghi nhận các nguyên tắc cơ bản tại chương này của Luật là rất cần thiết vì đây là những tư tưởng chính trị - pháp lý quan trọng chỉ đạo toàn bộ hoạt động phòng, chống mua bán người, đồng thời làm cơ sở cho việc quy định cụ thể các nội dung hoạt động phòng, chống mua bán người trong các chương mục tiếp theo sau của Luật. Vì thế, Điều 4 của Luật PCMBN đã ghi rõ các nguyên tắc phòng, chống mua bán người, trong đó nguyên tắc đầu tiên được khẳng định là thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 3 của Luật.
Bên cạnh việc xác định các nguyên tắc phòng, chống mua bán người, Luật PCMBN cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống mua bán người. Nhận thức sâu sắc rằng phòng, chống mua bán người là một hoạt động hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác này. Hơn nữa, hiệu quả của hoạt động phòng, chống mua bán người không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của Nhà nước mà còn phụ thuộc đáng kể vào sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách huy động các lực lượng xã hội tham gia phòng, chống mua bán người. Trên tinh thần đó, Điều 5 của Luật PCMBN đã ghi nhận các chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, trong đó, đáng chú ý là chính sách kết hợp phòng, chống mua bán người với việc thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Luật cũng ghi nhận chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt là chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật để tham gia thực hiện hỗ trợ cho các nạn nhân. Để bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống mua bán người, Luật PCMBN cũng quy định hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.
2. Phòng ngừa mua bán người
Luật PCMBN dành toàn bộ Chương II gồm 12 điều để quy định về việc phòng ngừa mua bán người. Nội dung quy định trong chương này có thể chia làm hai nhóm:
Nhóm thứ nhất gồm 05 điều (từ Điều 7 đến Điều 11) quy định về các biện pháp phòng ngừa chung, bao gồm:
- Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người. Mục đích chính của biện pháp này là nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mua bán người, về mối hiểm họa của mua bán người, làm cho mọi người đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống mua bán người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán.
- Tư vấn về phòng ngừa mua bán người. Đây là biện pháp cụ thể hoá biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục đối với từng đối tượng cụ thể nhằm cung cấp cho họ những thông tin thiết thực, giúp họ giải quyết những tình huống cụ thể, trong đó tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm về mua bán người.
- Quản lý về an ninh, trật tự. Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến nguy cơ mua bán người chính là làm tốt công tác quản lý về an ninh, trật tự không chỉ trong nội địa mà cả khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển. Để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý an ninh, trật tự nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa mua bán người, Điều 9 của Luật PCMBN xác định rõ 07 nhóm biện pháp để quản lý về an ninh, trật tự.
- Quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Xuất phát từ nhận thức có một số lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ rất nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người, Điều 10 của Luật PCMBN xác định rõ phải quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ đối với các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.
- Lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là biện pháp nhằm góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng mua bán người là phải phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả chính sách xoá đói, giảm nghèo, chính sách việc làm, .... nhằm nâng cao đời sống nhân dân.
Nhóm thứ hai gồm 07 điều (từ Điều 12 đến Điều 18) quy định về các biện pháp phòng ngừa thông qua hoạt động của các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ quan thông tin đại chúng; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận cũng như sự tham gia của cá nhân và gia đình trong công tác phòng ngừa mua bán người, cụ thể:
- Xuất phát từ nhận thức trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người thì mỗi cá nhân, gia đình có vai trò quan trọng, từng cá nhân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc phòng ngừa để không trở thành nạn nhân bị mua bán, đồng thời, cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa tội phạm này, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Do đó, Điều 12 của Luật PCMBN quy định cá nhân tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người; kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
- Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng mà công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người hướng trọng tâm đến. Do vậy, Điều 14 của Luật PCMBN xác định việc nhà trường, cơ sở giáo dục đào tạo tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa mua bán người nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nói riêng là hết sức quan trọng.
- Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, bọn tội phạm thường lợi dụng sơ hở trong một số lĩnh vực hoạt động để mua bán người, như: hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch, ......vì thế, để ngăn ngừa có hiệu quả việc mua bán người, Điều 15 của Luật PCMBN quy định về việc phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
- Cơ quan thông tin đại chúng có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người. Cơ quan thông tin đại chúng là một kênh quan trọng tác động trực tiếp tới ý thức của từng người dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và mua bán người nói riêng. Do đó, Điều 16 của Luật PCMBN quy định cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mua bán người.
- Cùng với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng, chống mua bán người cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân. Thực tiễn cho thấy, các đoàn thể xã hội ở cơ sở, nhất là các Chi Hội Phụ nữ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động phòng, chống mua bán người cũng như tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân. Vì vậy, để ghi nhận vài trò của các đoàn thể xã hội cũng như tạo cơ chế pháp lý để các đoàn thể tham gia tích cực vào công tác phòng, chống mua bán người, Luật PCMBN đã dành 02 điều quy định về sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công tác phòng ngừa mua bán người.
3. Phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người
Chương III của Luật PCMBN gồm 5 điều (từ Điều 19 đến Điều 23) quy định về việc phát hiện, tố giác, tố cáo, báo tin về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người ; giải quyết các tin báo, tố giác, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Về phát hiện hành vi vi phạm, nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố giác, báo tin, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, Điều 19 của Luật PCMBN quy định cá nhân có thể tố giác, báo tin về vi phạm với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bất kỳ cơ quan, tổ chức nào mà họ thấy thuận tiện. Ngoài ra, Luật không có quy định khống chế về hình thức báo tin, tố giác vi phạm, điều đó có nghĩa là người dân có thể sử dụng bất kỳ hình thức nào mà họ thấy thuận tiện như: trực tiếp bằng miệng, qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc gửi văn bản.
Bên cạnh đó, Điều 20 Luật PCMBN nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan, tổ chức. Theo đó, các cơ quan, tổ chức phải thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm thì phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm chủ động phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Cùng với việc quy định trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan, tổ chức, Điều 21 của Luật PCMBN cũng nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng phòng, chống mua bán người trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển).
Về phần xử lý, việc xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng đã được Bộ luật tố tụng hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật quy định khá đầy đủ và cụ thể. Vì vậy, Luật PCMBN chỉ dừng lại ở một số quy định mang tính nguyên tắc về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người kèm theo viện dẫn sang các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể: Điều 23 của Luật PCMBN quy định việc xử lý vi phạm theo nguyên tắc viện dẫn, tuy nhiên có phân biệt rõ việc xử lý đối với 03 loại đối tượng cụ thể, đó là: thứ nhất, đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; thứ hai, đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, dung túng, xử lý không đúng hoặc không xử lý hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; và đối tượng thứ ba là đối với người giả mạo là nạn nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận.
4. Tiếp nhận, xác minh nạn nhân; bảo vệ nạn nhân
Vấn đề tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được quy định tại chương IV của Luật PCMBN. Nội dung chương này gồm có hai nhóm quy định:
Nhóm thứ nhất gồm 05 điều (từ Điều 24 đến Điều 28) quy định về quy trình tiếp nhận, xác minh nạn nhân và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân đến khai báo; xác định cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân cũng như căn cứ xác định và các loại giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.
Luật PCMBN xác định Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Phòng LĐTBXH) là đầu mối chính tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho nạn nhân thì Luật cũng quy định trước khi đến với Phòng LĐTBXH, nạn nhân có thể được một số cơ quan khác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết như: UBND cấp xã, cơ quan giải cứu, cơ quan, tổ chức khác,...
- Theo Điều 24 của Luật PCMBN thì nạn nhân bị mua bán trong nước cũng như người đại diện hợp pháp của họ có thể đến UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở.
UBND cấp xã thực hiện việc hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng LĐTBXH. Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, Phòng LĐTBXH thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp nạn nhân chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.
Căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân hoặc kết quả xác định thông tin ban đầu về nạn nhân, Phòng LĐTBXH xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp nạn nhân tự trở về nơi cư trú; đối với nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho thân nhân đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi thân nhân cư trú; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho Cơ sở bảo trợ xã hội hoặc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
- Theo Điều 25 của Luật PCMBN thì cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong trường hợp cần thiết, cấp giấy xác nhận nạn nhân và chuyển ngay người đó đến Phòng LĐTBXH gần nơi nạn nhân được giải cứu.
Sau khi tiếp nhận nạn nhân, Phòng LĐTBXH thực hiện các công việc như đối với nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về. Trường hợp nạn nhân chưa được cơ quan giải cứu cấp giấy xác nhận nạn nhân, thì Phòng LĐTBXH phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trước khi thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại hoặc chuyển giao nạn nhân cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
- Điều 26 của Luật PCMBN quy định việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về, bao gồm: nạn nhân trở về qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); nạn nhân trở về theo khuôn khổ thoả thuận quốc tế song phương và các nạn nhân tự trở về. Đáng lưu ý là quy trình tiếp nhận nạn nhân từ nước ngoài tự trở về được thực hiện như đối với nạn nhân bị mua bán trong nước.
Nhóm thứ hai gồm 03 điều (từ Điều 29 đến Điều 31) quy định về việc giải cứu, các biện pháp bảo vệ an toàn, bảo vệ bí mật thông tin của nạn nhân cũng như bảo vệ an toàn cho người thân thích của họ.
Trong một số trường hợp khi phát hiện nạn nhân đang bị mua bán hoặc có nguy cơ bị bọn mua bán người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản thì các cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để giải cứu, bảo vệ người đó. Điều 29 của Luật PCMBN quy định các trường hợp cần giải cứu và cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để giải cứu hoặc bảo vệ khẩn cấp đối với nạn nhân.
Cùng với việc giải cứu nạn nhân, Luật cũng xác định việc bảo vệ nạn nhân và người thân thích của họ nhằm góp phần quan trọng trong việc phát hiện, điều tra, truy tố các vụ án mua bán người và có ý nghĩa to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, khoản 1 Điều 30 của Luật PCMBN quy định rõ các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ, như: bố trí nơi tạm lánh khi nạn nhân, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của nạn nhân; các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật.
5. Hỗ trợ nạn nhân
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là một trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người. Theo nghiên cứu của các chuyên gia trong lĩnh vực và từ thực tiễn công tác tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán cho thấy để giúp nạn nhân tái hòa nhập được một cách bền vững thì cần phải xây dựng “cơ chế tái hòa nhập trọn gói”, trong đó bao gồm những loại dịch vụ cần có dành cho các nạn nhân, bao gồm: hỗ trợ về y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý. Chính vì vậy, Luật PCMBN đã dành toàn bộ Chương V với 09 điều (từ Điều 32 đến Điều 40) quy định các chế độ hỗ trợ nạn nhân, đối tượng được hưởng hỗ trợ và các cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân. Quy định của chương này là sự cụ thể hóa cơ chế bảo đảm thực hiện một trong những quyền quan trọng của nạn nhân được xác định tại Điều 6 của Luật PCMBN - quyền được hưởng các chế độ hỗ trợ.
Luật PCMBN quy định 06 chế độ hỗ trợ nạn nhân, bao gồm: 1) hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại (bố trí chỗ ở tạm thời, hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác, hỗ trợ chi phí đi lại); 2) hỗ trợ y tế; 3) hỗ trợ tâm lý; 4) trợ giúp pháp lý; 5) hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 6) trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Nhìn chung, các chế độ hỗ trợ này được Luật PCMBN quy định trên cơ sở khái quát, nâng cấp có sửa đổi, bổ sung mới các quy định hiện hành có liên quan tại Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về (ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ).
Điều 32 của Luật PCMBN xác định rõ những đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ nạn nhân và các chế độ mà từng đối tượng được hưởng trên tinh thần có sự phân biệt giữa các đối tượng, đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các chế độ hỗ trợ; trình tự, thủ tục thực hiện các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân.
Ngoài ra, Luật PCMBN xác định rõ 05 nhóm cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện các chế độ hỗ trợ nạn nhân, bao gồm: (1) Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiếp nhận nạn nhân, cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân; (2) Phòng LĐTBXH thực hiện hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân trong trường hợp họ tự trở về nơi cư trú; (3) Cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ y tế cho nạn nhân; (4) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân; (5) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân; phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân. Đồng thời, Luật PCMBN cũng xác định rõ địa vị pháp lý cũng như nhiệm vụ của cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân trong việc tiếp nhận, cung cấp các dịch vụ chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân.
6. Trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ và địa phương trong phòng, chống mua bán người
Chương VI của Luật gồm 12 điều (từ Điều 41 đến Điều 52) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, xác định cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong phòng, chống mua bán người và quy định về trách nhiệm của Chính phủ, của một số Bộ và địa phương trong phòng, chống mua bán người.
Luật giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người. Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người và giữ vai trò chủ trì trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người. Bộ Quốc phòng chủ trì công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người ở địa bàn khu vực biên giới, hải đảo và trên biển. Bộ lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, giúp họ hoà nhập cộng đồng (các điều 42, 43, 44). Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người, đặc biệt là các Bộ quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người như: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông (các điều 47, 48, 49, 50).
Điều 52 của Luật PCMBN xác định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức công tác phòng, chống mua bán người ở địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân đến khai báo trong trường hợp cần thiết và tiếp tục hỗ trợ cho nạn nhân ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.
7. Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người
Chương VII của Luật PCMBN gồm 4 điều (từ Điều 53 đến Điều 56) quy định về vấn đề hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, bao gồm một số nguyên tắc hợp tác quốc tế và việc thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, trong đó có cả giải cứu và hồi hương nạn nhân cũng như tương trợ tư pháp trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.
Các quy định tại chương này là nhằm cụ thể hóa một trong những nguyên tắc phòng, chống mua bán người quan trọng được ghi nhận tại Điều 4 của Luật PCMBN là "Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế"./.