Giáo dục được xem là một trong những chìa khóa quan trọng đã mở ra cánh cửa giải phóng phụ nữ thoát khỏi những định kiến lạc hậu như là: Phụ nữ chỉ dành cho công việc nội trợ, lo cho gia đình, chăm sóc cha mẹ già và nuôi dạy con cái,...Xã hội ngày nay nhận ra năng lực vốn có của người phụ nữ không chỉ có làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình, mà người phụ nữ có thể giữ các vai trò khác trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội … và khả năng đảm trách công việc của người phụ nữ không thua kém người đàn ông. Có rất nhiều nhà lãnh đạo, chính trị gia xuất sắc, rất nhiều doanh nhân tài ba là nữ giới.
Một trong những nguyên nhân chính đó là nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục, trên thực tế giáo dục giúp cho các em gái bình đẳng với các em trai ở độ tuổi tới trường. Ngày nay, phụ nữ được tiếp cận với trí thức, được giáo dục và đào tạo bài bản có thể làm chủ những công nghệ tiên tiến, có thể đảm đương những ngành nghề mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Kiến thức và trình độ của phụ nữ ngày nay đã có phần tương đương hoặc vượt trội so với nam giới ở một số các lĩnh vực, điều đó cũng có nghĩa phụ nữ ngày nay có đầy đủ năng lực và trình độ để tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Giáo dục không chỉ tạo ra sự cải thiện điều kiện sống, nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ mà còn có những hiệu quả thiết thực về nhận thức và thu nhập cho bản thân phụ nữ và cả gia đình họ, thậm chí cả một cộng đồng. Bên cạnh đó giáo dục còn góp phần nâng tầm phẩm giá của người phụ nữ.
Trong xã hội phong kiến người phụ nữ được xem là người phụ thuộc, yếu đuối, thụ động, nam giới là độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và là người ra quyết định. Người nữ chỉ làm công việc nội trợ, chồng có quyền dạy vợ, vợ phải nghe lời chồng, Nam là trụ cột trong gia đình, quyết định các việc lớn trong gia đình. Chính những định kiến này đã tác động tiêu cực tới cơ hội phát triển, thăng tiến của phụ nữ, gây ra không ít thiệt thòi cho phụ nữ về tinh thần, vật chất và còn là nguyên nhân tác động tới tình trạng bạo lực gia đình.
Sự thiếu vắng phụ nữ tham tham gia chính trị trong tương quan với nam giới là vấn đề mang tính toàn cầu, có tính lịch sử và truyền thống. Ở hầu hết các nước, chính trị gia và nhà quản lý chủ yếu là nam giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, việc thu hút nữ giới tham gia chính trị nhằm phát huy nguồn lực trí tuệ của "một nửa thế giới" đang là một trong những vấn đề "nóng" của các quốc gia.
Để dần loại bỏ những rào cản kiềm hãm sự phát triển của phụ nữ, trong những năm qua, Việt Nam đặc biệt quan tâm vấn đề bình đẳng giới và vấn đề này đã được thể chế hóa thành các văn bản Luật như: Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 hay ban hành các chương trình hành động như: Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020... để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,...
Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, bình đẳng giới ở Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam trở thành quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh chóng nhất trong xoá bỏ khoảng cách giới trong vòng 20 năm trở lại đây ở khu vực Đông Á.
Hiện nay, trên tất cả các lĩnh vực đều có sự cống hiến của nữ giới.Tỷ lệ nữ giới nắm giữ vị trí lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng cao, chất lượng, hiệu quả, uy tín của cán bộ nữ ngày càng được khẳng định.
Có thể nói, Đối với phụ nữ, bình đẳng giới làm thay đổi cuộc sống của họ, mở ra cơ hội để họ thoát khỏi những rào cản, đem hết khả năng, bản lĩnh, trí tuệ của mình cống hiến cho đất nước. Đối với xã hội, bình đẳng giới góp phần thực hiện sự tiến bộ của xã hội. Bình đẳng giới không đơn thuần là quyền lợi của phụ nữ, mà chính là quyền lợi chung của một đất nước muốn phát triển bền vững. Bởi nếu một đất nước chỉ sử dụng một nửa dân số, không phát huy được đầy đủ và tối đa năng lực của mọi người, mọi công dân.
Tác giả: Huỳnh Văn Xô
Ý kiến bạn đọc