Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Từ năm 1948, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc. Yêu nước tức là góp phần mình để làm cho Việt Nam phát triển hùng cường thịnh vượng vào năm 2045. Yêu nước là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Yêu nước tức là phát triển và quản lý tốt báo chí, xuất bản. Vì yêu nước mà phải đặt mục tiêu cao, tìm giải pháp đột phá. Và vì mục tiêu cao mà phải thi đua. Việc 5 năm thì hãy làm 1 năm! Và chỉ khi đó mà có phong trào thi đua sôi nổi, tạo ra những giá trị lớn lao.
Việc vĩ đại sẽ tạo ra người vĩ đại
Công việc hàng ngày của mỗi người chính là nền tảng của thi đua. Thi đua là việc của mỗi người. Thi đua là thông qua việc hàng ngày. Bởi vậy, mục tiêu cao là phải đến từng người. Ngày nay, mỗi người đều có thể tiếp cận kho tri thức của cả nhân loại, có thể lập nhóm làm việc với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, và vì vậy, sức mạnh của mỗi cá nhân là vô cùng to lớn. Hãy giao việc lớn cho nhóm nhỏ. Hãy giao việc lớn cho mỗi cá nhân. Việc càng lớn, càng thách thức thì cơ hội xuất hiện nhân tài sẽ càng lớn. Việc vĩ đại sẽ tạo ra người vĩ đại!
Thi đua là để mỗi tổ chức, mỗi cá nhân tạo ra giá trị mới
Thi đua phải có mục tiêu, có tiêu chí rõ ràng, tạo ra giá trị và giá trị tăng thêm. Thi đua cũng phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng cá nhân góp phần xây dựng nên từ chính nhiệm vụ hàng ngày, từ thấu hiểu mục tiêu của mình là gì, làm thế nào để đạt được, để có thể tự giác, tự nguyện thực hiện mỗi ngày. Bởi vậy phải tuyệt đối tránh sự chung chung. Kế hoạch thi đua cũng phải được cá thể hóa đến từng cá nhân.
Việc là gốc của thi đua
Phải có việc mới có thi đua. Việc không đến mức phải thi đua thì sẽ không có thi đua. Lãnh đạo các cấp phải coi việc nghĩ ra việc, nghĩ ra thách thức đúng - là những việc có tầm nhìn đúng, khác biệt và đột phá, tạo ra nhiều giá trị cho ngành, cho nhân dân, cho xã hội, cho đất nước, để làm tiền đề cho thi đua yêu nước. Bởi vậy, việc là gốc của thi đua.
Thi đua là toàn dân, thi đua là để phát triển con người
Phong trào thi đua cần liên tục đổi mới, sáng tạo để khích lệ tinh thần thi đua trong tất cả các cơ quan, đơn vị và nhất là trong mỗi người. Thi đua phải huy động được sự tham gia thực chất của “toàn dân”, bất kỳ ai trong đơn vị - dù làm công việc gì, chức danh nhiệm vụ ra sao, địa bàn hoạt động ở đâu thì đều phải được tham gia thi đua. Thi đua trước hết là vì con người, là cách rất tốt để mỗi người được hoàn thiện bản thân mình, được động viên, được khích lệ, được nâng đỡ, được ghi nhận và biểu dương thành tích, thành quả.
Thi đua là để tìm ra và nhân lên giá trị
Thi đua phải luôn gắn liền với tổng kết, đánh giá và nhân rộng. Sau các phong trào thi đua, mỗi người, mỗi đơn vị cần phải rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình từ đồng nghiệp, từ đơn vị bạn. Đất nước chúng ta rộng lớn, dân chúng ta đông, sự sáng tạo của người Việt Nam chúng ta là đến từng cá nhân, bởi vậy mà việc phổ biến kinh nghiệm và bài học, nhân rộng điển hình sẽ tạo ra giá trị cấp số nhân. Mà mục tiêu cuối cùng của thi đua là để tạo ra giá trị cho đất nước phát triển, và thông qua đó để mỗi cá nhân phát triển bản thân mình. Giá trị luôn cần được nhân lên thì đất nước mới phát triển nhanh được, cá nhân mới có thể nhanh khám phá bản thân và hoàn thiện bản thân.
Thế giới ngày càng trở nên khắc nghiệt. Trung bình nghĩa là chết, nhưng kha khá hay thậm chí tốt cũng sẽ không thay đổi được thứ hạng. Chỉ có xuất sắc thì mới bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng. Bởi vậy, thi đua là để tiến tới sự xuất sắc. Và chỉ có khát vọng xuất sắc, có mục tiêu xuất sắc thì mới cần đến thi đua.
Mỗi sáng thức dậy chúng ta hãy bắt đầu chạy. Mỗi sáng thức dậy, hãy nhìn thế giới khác đi, hãy suy nghĩ khác đi, hãy đặt mục tiêu cao hơn năng lực của mình, và vì thế, chúng ta sẽ tìm ra các giải pháp độc đáo.
Mỗi chúng ta sẽ luôn thi đua với chính mình, luôn tốt hơn và khác đi ngay cả với chính mình, tốt hơn và khác đi mỗi ngày, để tạo ra giá trị cho đơn vị mình, cho ngành mình, cho đất hước mình phát triển nhanh và bền vững, để cho khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào năm 2045 sẽ trở thành hiện thực. Và cũng để qua đó, mỗi chúng ta khám phá ra bản thân mình./.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Ý kiến bạn đọc