Kết quả thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến là căn cứ thi đua
Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 28,61% (Kế hoạch năm là 80%); tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 22% (Kế hoạch năm là 50%); tỷ lệ trả kết quả điện tử trong giải quyết TTHC đạt 9,5%. Qua số liệu cho thấy còn rất nhiều hạn chế trong các chỉ tiêu về Chính quyền số. Do đó, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số đề nghị các đơn vị tăng cường nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến, tỷ lệ trả kết quả điện tử và tỷ lệ số hoá kết quả điện tử theo yêu cầu của Chính phủ.
Sở Thông tin và Truyền thông cần hoàn thiện chức năng thống kê các tỷ lệ về dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng theo các tiêu chí Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tưướng Chính phủ ban hành Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Văn phòng UBND tỉnh khai thác, sử dụng, thống kê kết quả và báo cáo kết quả của từng đơn vị, địa phương cho UBND tỉnh để thực hiện đánh giá, xếp loại, khen thưởng và kỷ luật.
Chia sẻ dữ liệu về đất đai
Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cơ bản bám sát chương trình và kế hoạch của tỉnh đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở dữ liệu của một số ngành vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Trong đó, cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường là quan trọng nhất do có ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, PCI, ParIndex và PAPI. Do đó, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, tìm giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai giữa các hệ thống liên quan trên tinh thần chủ động và sáng tạo. Cơ sở dữ liệu đất đai phải được lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, được cập nhật, khai thác thường xuyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo điều hành của tỉnh. Các đơn vị cần thường xuyên tham khảo, học hỏi các giải pháp, mô hình của các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện ở địa phương.
Kịp thời khen thưởng những mô hình, giải pháp hay về chuyển đổi số
Chủ tịch Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các cơ quan truyền thông của tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để triển khai các chương trình chuyển đổi số của Trung ương và địa phương, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, phản ánh kiến nghị tình hình chuyển đổi số của tỉnh…. UBND cấp huyện giao hệ thống truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền về chuyển đổi số trên địa bàn để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, tổ chức, người dân, doanh nghiệp về những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại.
Sở Thông tin Truyền thông hoàn thiện lại dự thảo Kế hoạch thúc đẩy nâng cao các chỉ số Chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025. Trên cơ sở 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần của Bộ chỉ số DTI cần xác định rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể giao cho từng đơn vị trong Kế hoạch. Tham mưu UBND tỉnh đưa vào nội dung đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Cố gắng chỉ số DTI năm 2022 phải đạt cao hơn 2021 và năm 2023 phải mang tính đột phá.
Chủ tịch cũng đề nghị các Sở, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp dữ liệu, cập nhật dữ liệu phải kịp thời, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phải tích hợp, chia sẻ lên Trung tâm giám sát điều hành tập trung tỉnh (IOC).
Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, hoàn thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đạt các mục tiêu Nghị quyết Trung ương đề ra.
Khen thưởng động viên kịp thời những đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức đưa vào áp dụng thực tiễn những mô hình, giải pháp hay về chuyển đổi số.
DTI (Digital Tranformation index) là chỉ số đánh giá chuyển đổi số áp dụng cho 03 cấp: tỉnh, bộ, quốc gia với thang điểm đánh giá là 1000 điểm. Cấp tỉnh được cấu trúc theo 03 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), bao gồm: Thông tin chung (các thông tin tổng quan của tỉnh không dùng để đánh giá); 09 chỉ số chính gồm: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh; hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số; 98 chỉ số thành phần…
Xếp hạng chỉ số DTI năm 2021 cấp tỉnh, Tây Ninh đứng vị trí 44 với 0,3426 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 46 với 0,2686 điểm).
Tác giả: Nguyệt Nguyễn Thị
Ý kiến bạn đọc