Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cách mạng công nghệ

Thứ sáu - 05/11/2021 15:47 2.591 0
Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tại hội nghị triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật.
20211105-m04.jpg

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trình bày tham luận tại hội nghị

Thể chế, pháp luật chưa tạo thuận lợi cho cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Trình bày tham luận của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số là xu hướng phát triển tất yếu.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, ngay lập tức có hành động mạnh mẽ phát triển kinh tế số và xã hội số. Việt Nam muốn bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia thì phải tận dụng được cơ hội này, phát triển thêm nhiều ngành kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới. Kinh tế số đang ngày càng khẳng định vai trò là một động lực cốt lõi của tăng trưởng toàn cầu, không còn giới hạn trong một nhóm các quốc gia "công nghệ cao" ưu tú. Kinh tế số đang được thúc đẩy trên khắp thế giới cả ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển và đang mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp, quốc gia.

Chuyển đổi số, công nghệ số, nền kinh tế số, là xu thế toàn cầu, là quá trình Việt Nam cũng đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, mặc dù chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đã được toàn bộ hệ thống chính trị triển khai quyết liệt song về tổng quan việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đạt được như mong muốn.

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9/2019 đã nêu rõ "quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế". Kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 cho thấy 47,4% doanh nghiệp công nghệ cho rằng Chính phủ cần nâng cấp hạ tầng công nghệ số quốc gia. Để xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số thành công cần xây dựng hạ tầng số với cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm hạ tầng thiết bị, truyền thông, hạ tầng dữ liệu, ứng dụng và không thể thiếu hạ tầng nghiên cứu phát triển. Trong đó, việc quan trọng nhất là kết nối cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh hạ tầng số, thể chế và khung pháp lý cũng là một trong những thách thức lớn của Chính phủ số. Trong Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập ở trên, cũng đã nêu rõ rằng "thể chế, chính sách còn nhiều bất cập". Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý phù hợp với thời đại số là rất cần thiết. Đây có thể được coi là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy, phát triển Chính phủ số.

Kinh tế số, xã hội số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn, điển hình như: Hệ thống thể chế, pháp luật chưa tạo thuận lợi cho cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc thực thi quản lý nhà nước, xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số còn bất cập. Kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; lực lượng doanh nghiệp nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, các nền tảng số Make in Vietnam còn non trẻ lại bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài.

"Thể chế và quy định pháp luật cho chuyển đổi số và các hoạt động kinh tế số của Việt Nam cho đến nay được đánh giá là chậm hoàn thiện. Chúng ta cũng chưa ban hành chiến lược tổng thể của quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Hệ thống văn bản pháp luật ban hành thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Còn thiếu các quy định về giao dịch dữ liệu, bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư, cũng như tạo lập niềm tin trên không gian số; thiếu quy định về quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo; các quy định về danh tính số, định danh và xác thực điện tử cho người dân còn chậm được ban hành" - ông Nguyễn Huy Dũng chỉ ra một số hạn chế.

Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số và xã hội số

20211105-m05.jpg

Ảnh minh họa - Dân trí.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Thể chế kiến tạo đóng vai trò quyết định trong việc chấp nhận và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo, bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, cần tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm sau:

(1) Hoàn thiện hành lang pháp luật về Giao dịch điện tử

Để hoàn thiện thể chế, trước hết cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế số, xã hội số, bao gồm: sửa đổi Luật Giao dịch điện tử theo hướng bổ sung các nội dung mới về kinh tế số phù hợp với yêu cầu phát triển của lĩnh vực; xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý kinh tế nền tảng và kinh doanh trên mạng internet; hoàn thiện và ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử; hoàn thiện và trình phê duyệt Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; ban hành các văn bản quy định về các quy tắc ứng xử trên môi trường số cũng như các quy định nhằm tạo lập niềm tin, đánh giá tín nhiệm trên không gian mạng.

(2) Hoàn thiện hành lang pháp luật về nền tảng số, kinh tế nền tảng

Nền tảng số là mô hình hoạt động sử dụng công nghệ số để cung cấp dịch vụ cho phép tổ chức, cá nhân có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng vì tổ chức, cá nhân không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì, càng có nhiều người sử dụng thì chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Phát triển các nền tảng số quốc gia và nền tảng số ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Do đó, cần có các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc phát triển các nền tảng có khả năng kết nối hoạt động liên thông theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, có sự liên kết, chia sẻ dữ liệu, tạo được sức mạnh tổng thể và mang lại hiệu quả, tránh việc triển khai trùng lặp, rời rạc. Đồng thời, có các quy định về phối hợp và tổ chức triển khai kế hoạch hành động cụ thể để phát triển từng nền tảng số quốc gia. Với mỗi nền tảng số quốc gia, xác định cụ thể cơ chế phối hợp hành động giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ chủ quản chuyên ngành để thúc đẩy phát triển, hỗ trợ sử dụng các nền tảng số Việt Nam.

(3) Hoàn thiện hành lang pháp luật về Kinh tế số

Cần hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý là nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất, được lồng ghép trong tất các các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số với các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chuyên ngành cho phù hợp; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực để cụ thể hóa việc thúc đẩy giao dịch điện tử trong mọi mặt kinh tế - xã hội trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động và yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số trong từng ngành, lĩnh vực.

- Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật để thực hiện chống độc quyền, chống mua bán, sáp nhập làm ảnh hưởng tới cạnh tranh lành mạnh, chống các hình thức chuyển giá, chuyển thuế trong kinh tế số; tăng cường quy định để tránh các doanh nghiệp chi phối lạm dụng; tổ chức giám sát thực thi pháp luật bảo đảm nguyên tắc thực thi công bằng, trách nhiệm như nhau trước pháp luật đối với cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

- Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy định pháp luật để quản lý và phát triển kinh tế số nền tảng, hoạt động của các nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến. Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số và xã hội số.

"Với việc rất sớm ban hành các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, và Chương trình chuyển đổi số quốc gia, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số, và chúng ta có cơ hội lớn để bứt phá, vượt lên. Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra thì tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cả hệ thống thể chế, pháp luật đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận, để đưa nước ta vượt lên, thành một quốc gia số, thịnh vượng, hùng cường, sánh vai với các cường quốc khắp năm châu" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

 

Tạ Hiển (https://vtv.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay1,604
  • Tháng hiện tại122,786
  • Tổng lượt truy cập18,489,657
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây