Điểm mới và nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 42- NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng

Thứ tư - 18/09/2024 08:55 77 0
Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, các quan điểm và định hướng của Đảng về CSXH qua các kỳ Đại hội, nhất là Đại hội XIII và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội, giành nhiều thời gian thảo luận một cách dân chủ và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới”.

So với Nghị quyết 15-NQ/TW, Nghị quyết 42-NQ/TW kỳ này có sự kế thừa và cách tiếp cận, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.

Tại Nghị quyết 15/NQ-TW, tập trung theo hướng thực hiện an sinh xã hội mức tối thiểu cả về thu nhập, đời sống người dân và các dịch vụ xã hội cơ bản, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước thì tại Nghị quyết 42-NQ/TW là kết hợp hài hoà giữa tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách xã hội khác để tiếp tục đảm bảo ổn định xã hội, đồng thời tập trung cho phát triển xã hội, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững và làm động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với phạm vi xã hội, Nghị quyết 15-NQ/TW tập trung một số chính sách xã hội như: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và chính sách đảm bảo an sinh xã hội; thì Nghị quyết 42-NQ/TW đã mở rộng ra đối với toàn bộ các chính sách xã hội bao gồm các chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đảm bảo an sinh xã hội, cho đến nâng cao phúc lợi xã hội và đảm bảo tiếp cận dịch vụ xã hội (về y tế, giáo dục, nhà ở, văn hoá, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin) có chất lượng cho mọi người dân, nhưng luôn quan tâm đến nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, Nghị quyết 42-NQ/TW tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về vị trí, vai trò của chính sách xã hội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Chính sách xã hội trọng tâm là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; kế thừa những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 15-NQ/TW, đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn, vẫn còn nguyên giá trị, nội dung này của Nghị quyết làm rõ hơn quan điểm xuyên suốt của Đảng ta về chính sách xã hội là: Không đánh đổi môi trường, lợi nhuận bằng mọi giá, lấy con người là trung tâm, chăm lo con người và vì con người là mục tiêu cao cả thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, Nghị quyết số 42/NQ-TW còn nhấn mạnh quan điểm, chính sách xã hội có vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền và song hành với phát triển kinh tế: tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để Nhân dân thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm thứ hai của Nghị quyết số 42/NQ-TW đó là đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển.

Theo đó, Nghị quyết bao trùm và mở rộng phạm vi ra toàn bộ các chính sách xã hội; toàn diện các mặt đời sống Nhân dân, mở rộng từ an sinh xã hội tập trung cho nhóm yếu thế, mức tối thiểu sang chính sách xã hội toàn dân, và toàn diện các mặt đời sống (gồm cả an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, trọng tâm là phúc lợi về y tế, giáo dục, nhà ở, văn hoá), phát triển và lấy tầng lớp trung lưu dẫn dắt xã hội.

Các chính sách xã hội phải đồng thời gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững; hệ thống an sinh xã hội phải linh hoạt, thích ứng với các cú sốc diện rộng, bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đối tượng chuyển sang giai đoạn mới không chỉ lo cho nhóm yếu thế, nhóm khó khăn mà còn mở rộng, tiến tới phát triển tầng lớp trung lưu mang tính dẫn dắt phát triển xã hội. Mở rộng sang thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực (theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII), lấy trọng tâm đào tạo nghề, việc làm bền vững và sinh kế, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập.

Nghị quyết số 42/NQ-TW còn đầu tư cho chính sách xã hội, đầu tư cho phát triển. Chú trọng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đúng mục tiêu, phù hợp với khả năng của nền kinh tế, thu nhập của Nhân dân, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nguồn lực trong nước và ngoài nước. Đổi mới công tác quản lý Nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền; phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng và Nhân dân trong quản lý phát triển xã hội bền vững.

Nội dung nhấn mạnh đổi mới công tác quản lý Nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền. Tăng cường vai trò của nhà nước có sự điều chỉnh, nhà nước kiến tạo, chủ đạo về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; khuyến khích hợp tác công tư, xã hội hóa để thực hiện các chính sách xã hội. Đổi mới chính sách xã hội đồng thời với đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước, quản trị và nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp dịch vụ, gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững; Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm, coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; bám sát quan điểm xuyên suốt, chính sách xã hội chăm lo cho con người, vì con người, đồng thời con người là đối tượng đầu tư, phát triển; người dân đều tham gia và thụ hưởng thành quả của phát triển; Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo nguồn lực một số chính sách, lĩnh vực nhất là các chính sách đảm bảo trợ giúp cho các đối tượng yếu thế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tiếp tục đảm bảo mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản….; đồng thời tăng cường sự tham gia của toàn xã hội, tăng cường vai trò các lực lượng xã hội và huy động thích hợp nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội.

Nghị quyết còn Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân; động viên sự tham gia tích cực của Nhân dân, doanh nghiệp; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường, phát huy truyền thống tương thân tương ái, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; Nghị quyết nhấn mạnh Thực hiện chính sách xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước. Đồng thời, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu và tầm nhìn của Nghị quyết:

Đến năm 2030: Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Các chỉ tiêu chủ yếu:

– Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

– Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%

– 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

– 100% hộ gia đình chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo qui định; bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo.

– Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở tối thiểu đạt 95%, cấp trung học phổ thông và tương đương tối thiểu đạt 75%; tối thiểu 90% tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

– Bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia; tuổi thọ bình quân của người dân khoảng 75 tuổi, số năm sống khoẻ mạnh tối thiểu 68 năm; chỉ số phát triển con người (HDI)thuộc nhóm cao trong khu vực; 35 giường bệnh viện, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95%; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 15%; cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.

– Xây dựng được ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30 m2 sàn/người.

– 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có công trình phụ hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý.

– Có ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương.

Tầm nhìn đến năm 2045: Hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho Nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.

Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 42-NQ/TW đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn với những nội dung chính như sau:

 Nhóm nhiệm vụ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chính sách xã hội trong giai đoạn mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý và Nhân dân, nhất là người đứng đầu. Khẳng định quyết tâm xây dựng và thực hiện chính sách xã hội theo hướng bền vững; dựa trên quyền con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể; phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực góp phần phát triển đất nước.

Đây là nội dung mới để khắc phục những hạn chế mà quá trình tổng kết Nghị quyết số 15-NQ/TW đã chỉ ra (cách hiểu và triển khai, thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương còn khác nhau), quán triệt thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chính sách xã hội (nhận thức thật đúng đắn, đầy đủ).

 Nhóm nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội

Để thực hiện nhiệm vụ này, Nghị quyết nhấn mạnh 3 nhóm giải pháp lớn:

(1) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh cải cách hành chính, nêu cao trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong tiếp cận chính sách xã hội. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chính sách xã hội từ trung ương đến cơ sở; tăng cường vai trò giám sát của Nhân dân.

(2) Hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa quy trình quản lý và tổ chức thực hiện chính sách; từng bước áp dụng mã số an sinh xã hội cho người dân.

(3) Đổi mới cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; nguồn lực Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời huy động hợp lý nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế; tăng cường xã hội hóa, hợp tác công – tư trong thực hiện chính sách xã hội.

– Nhóm nhiệm vụ thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân đặc biệt quan tâm.

Cần chú trọng thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và tôn vinh người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Tiếp tục quan tâm nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội; có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ, nhà ở, giáo dục – đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho người có công và thân nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Cơ bản hoàn thành việc giải quyết tồn đọng trong chính sách người có công, nhất là tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ. Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhờ nguồn”, khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

– Nhóm nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, tập trung phát triển con người, đầu tư cho con người, thúc đẩy phát triển tầng lớp trung lưu, nâng cao chất lượng dân số, xây dựng cơ cấu dân số hợp lý v.v… Giải quyết những “nút thắt cố hữu” là chất lượng nguồn nhân lực, việc làm và năng suất lao động thấp, phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả; chuyển định hướng giải quyết việc làm từ giác độ an sinh sang đầu tư, nâng cao nguồn vốn con người và khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực con người cho phát triển; đầu tư đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật-công nghệ, nhân lực chất lượng cao đáp ứng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tạo việc làm cho người lao động gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Thể hiện trên 5 nhiệm vụ, giải pháp lớn sau:

(1) Đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và phát triển theo hướng có quy mô,  cơ cấu, phân bố hợp lý, cân bằng tỉ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, nhất là đối với một số địa bàn và nhóm dân cư. Nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả thời kỳ dân số vàng; sớm hoàn thiện khung chính sách quốc gia thích ứng với quá trình già hóa dân số; đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

(2) Tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục; đổi mới giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; đa dạng hoá chủ thể tham gia đào tạo, quy định trách nhiệm và khuyến khích doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động

Điểm mới: Nghị quyết yêu cầu thể chế hóa các quy định cụ thể để các doanh doanh nghiệp chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong đào tạo nghề nghiệp cho người lao động.

(3) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là nhân lực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp phụ trợ chủ lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản trị công nghệ, quản trị doanh nghiệp. Đổi mới chính sách tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài phục vụ cho đối mới sáng tạo, phát triển khoa học – công nghệ.

(4) Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, quan hệ lao động. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.

(5) Tạo việc làm năng suất, chất lượng nhằm giải phóng sức sản xuất, nâng cao tay nghề, thu nhập và bảo đảm an toàn tại nơi làm việc cho người lao động.

– Nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau

Nghị quyết chỉ đạo phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, người dân và giữa các nhóm dân cư, bảo đảm bền vững và công bằng xã hội. Có 3 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

(1) Chú trọng phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động; tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để duy trì việc làm bền vững; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp; tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân.

(2) Hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội theo hướng quan tâm cả đời sống vật chất và tinh thần, giúp người dân kịp thời khắc phục khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác.

 

Tác giả: Huỳnh Văn Xô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập140
  • Hôm nay3,730
  • Tháng hiện tại127,369
  • Tổng lượt truy cập18,293,240
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây