Và sau đây là bài viết của em:
Đã bao giờ bạn muốn chấp đôi cánh cho ước mơ của mình mà bị những gian khổ, áp lực trong cuộc sống làm chao đảo? Con người chúng ta thường dễ quy hàng, từ bỏ quá sớm, ngay cả khi sắp chạm được đỉnh vinh quang. Chìm nổi ba đào là lẽ thường tình của đời người. Bởi vậy mới có câu: “Đời người phải trải qua giông tố, nhưng không được cuối đầu trước giông tố”. Câu nói ấy khiến tôi liên tưởng đến những phẩm chất của cậu bé Rémi trong tác phẩm “Không gia đình” của nhà thi hào người Pháp- Hector Malot; do nhà xuất bản Văn học in ấn và phát hành.
Tác phẩm như một cuốn tự truyện của chú bé Rémi, vì những tranh chấp trong gia đình giàu có của cậu mà bị bắt cóc đến đất Pháp. Ông Barberin đã thấy và mang cậu về nuôi vì nghĩ cậu là một món hời, do trên người cậu được quấn một bộ phục trang rất sang trọng.
Năm tháng thấm thoát trôi, Rémi được ở trong vòng tay của má nuôi cậu. Trái với ông Barberin, bà coi cậu như con ruột, hết mực yêu thương. Nhưng vì một tai nạn bất đắc dĩ khiến ông Barberin bị tàn phế, sau đó tốn đi một khoản tiền để kiện tụng nhưng thất bại. Gã thấy đã 8 năm trôi qua mà chẳng ai đến tìm Rémi nên đã cho ông cụ gánh xiếc thuê cậu trong lúc bà Barberin đi vắng.
Từ đấy, cậu bé đã phải lang bạt, nếm đủ hương vị cuộc sống, đắng cay ngọt bùi. May mắn là cụ Vitalis rất thương cậu, dạy cậu đọc viết và vài tài lẻ, còn có cả ba chú chó lanh lợi với một con khỉ lí lắc- những thành viên duy nhất trong gánh xiếc trừ cụ Vitalis và cậu ra- bầu bạn cùng. Nhưng năm tháng ấy trôi qua không dễ dàng, Rémi nhiều lần chịu đói khổ, phải lao động để kiếm sống. Có lần, em và cả đoàn lang thang mấy ngày, đói khát, mệt nhừ còn suýt chết rét. Có bận em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ hàng tuần. Rồi còn có lần em bị mắc oan, phải ở tù. Trong hành trình tìm lại gia đình, nhiều lúc cậu muốn từ bỏ và nghĩ rằng mình thật sự không có bố mẹ ruột.
“ Thế là tôi sẽ không bao giờ có cha hay sao? Không bao giờ có gia đình hay sao? Tôi phải luôn luôn làm một đứa trẻ côi cút trên đời này ư? Luôn luôn nay đây mai đó trên mặt đất mênh mông, không có chỗ nào dừng chân đỗ bến chăng?”
Khổ tận cam lai, cũng có lúc em được sống ấm no, được nuôi nấng đàng hoàng. Rồi cuối cùng, em đã tìm được gia đình chân chính.
Qua cuộc phiêu lưu của cậu bé Rémi, ta thấy được nhiều sắc màu u tối về số phận kiếp người. Đầu tiên là Rémi- một nạn nhân của cuộc tranh giành tài sản, quyền thừa kế, thành kẻ “không gia đình”, phiêu bạc dưới danh kẻ hát rong, thấy nhiều tội ác cũng như cảnh khốn cùng từ nơi hoa lệ đến nơi bần than. Song, cậu vẫn giữ được phẩm chất mà cụ Vitalis rèn giũa, ngay thẳng, gan dạ, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian xảo và luôn có khát vọng làm người có ích. Cuộc đời của cụ Vitalis cũng là một bi kịch. Cụ từng có thời huy hoàng lúc trẻ, tài đức ngút trời, từng đứng trên đỉnh cao nhất của tháp giai cấp xã hội đương thời. Nhưng rồi rơi xuống đáy xã hội, cúi mình làm nghề xiếc thú, nay đây mai đó kiếm bữa ăn. Rồi sau cùng, cụ nhận được một cái chết trong đói rét. Thật tiếc thương cho cụ!
Đắm chìm vào những dòng văn, vạch trần những khía cạnh của hiện thực. Xã hội Pháp bấy giờ là xã hội của đồng tiền, người có tiền chèn ép người lao động, bóp méo cái pháp luật bù nhìn như lúc gã cảnh sát bắt oan cụ Vitalis và Rémi. Bù lại, ẩn sâu trong sự giả tạo ấy cũng có tư tưởng cao đẹp của những người tử tế, tình đồng cảm giữa người với người. Qua đó rút ra nhiều bài học, phải nhớ ơn cội nguồn, gia đình; lao động chân chính, ý chí vươn lên trong nghịch cảnh.
“Trong hang tối sẽ có le lói ánh sáng, cũng như trong gian nan sẽ có lấp ló tia hy vọng”
-Tự bạch-
Nhờ ngòi bút tài tình với trái tim nhân hậu và hiểu biết sâu rộng của mình, Hector Malot đã tạo ra một kiệt tác gây dấu ấn khó phai đến độc giả. Tác phẩm chứa đầy triết lí nhân đạo, tinh thần nhân văn sâu sắc, tạo niềm tin vào bản thân. Chính vì lẽ đó, “Không gia đình” nhanh chóng đạt được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp, có nhiều bản dịch trên khắp mọi miền đất nước và được nhiều bạn trẻ quý mến.
Đây cũng là cuốn tiểu thuyết khiến tôi say mê, có cái nhìn đặc biệt với thể loại văn học kinh điển. Đồng thời cũng là biểu tượng nhân đạo trong lòng tôi.
Trần Huỳnh Hồng Ngọc