Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang Nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý, điều hành của Chính phủ mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp; sự chỉ huy thống nhất của Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (nay là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ huy trưởng: 704 Ban CHQS cấp huyện, 11.137 Ban CHQS cấp xã, 67 Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, 7.189 Ban CHQS cơ quan, tổ chức ở cơ sở và 7.676 Chỉ huy đơn vị tự vệ.
Luật Dân quân tự vệ quy định, ngày 28 tháng 3 hằng năm là Ngày truyền thống của dân quân tự vệ.
Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ được Hiến pháp, Luật Quốc phòng, Luật DQTV quy định.
II. Thành tích đạt được trong 85 năm qua
1. Những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ Kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc
Ngày 28/3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất tại Ma Cao (Trung Quốc), Đảng ta đã ra "Nghị quyết về đội tự vệ". Nghị quyết khẳng định "Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh và vũ trang bạo động". Ngay sau khi có nghị quyết của Đảng, các Đội tự vệ công nông mang tính chất là những tổ chức vũ trang quần chúng ra đời, là tiền thân của các đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Năm 1939 - 1940, một số Đội du kích ra đời và phát triển thành các trung đội Cứu quốc quân.
Thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1940 - 1945), các đội tự vệ đã trở thành tổ chức vũ trang quần chúng của các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh; phối hợp với các đơn vị cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa từng phần, tiến hành chiến tranh du kích cục bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ngày 02/9/1945, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, DQTV Việt Nam trở thành lực lượng vũ trang của Nhà nước, một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân. Lực lượng này đã thực sự là một công cụ chuyên chính chủ yếu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ và thành quả cách mạng.
Ngày 23/9/1945, Quân đội Pháp được quân Anh giúp sức nổ súng gây chiến tranh xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các địa phưong ở miền Nam nhất là Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, lực lượng DQTV đã phối họp với bộ đội chủ lực anh dũng chiến đấu ngăn chặn địch, diệt ác, trừ gian, phá hoại đường giao thông, ở miền Bắc, lực lượng DQTV phối hợp với công an Nhân dân và Vệ quốc quân tham gia trừng trị bọn phản động nội địa, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng DQTV và du kích từ chỗ là lực lượng vũ trang quần chúng do Mặt trận chỉ đạo, đã từng bước được thống nhất về tổ chức, là một bộ phận trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do các xã đội, huyện đội, tỉnh đội chỉ đạo, chỉ huy và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng các cấp. Đây là bước phát triển mới về chất của lực lượng DQTV.
Đầu năm 1947, lực lượng DQTV đã phát triển lên gần 3 triệu người, riêng Thủ đô Hà Nội có 6.000 đội viên, ở chiến trường Nam Bộ, lực lượng dân quân du kích phát triển trên 27 vạn (nữ có 5,7 vạn); trong đó, du kích chiến đấu là 1,4 vạn, ở chiến trường Trung Bộ, đến cuối năm 1949 phát triển 28,5 vạn dân quân du kích, 22.000 bạch đầu quân, ở Bắc Bộ, dân quân du kích phát triển mạnh với hơn 27,9 vạn người với đủ các lứa tuổi trai, gái.
Phòng Dân quân toàn quốc, nay là Cục Dân quân tự vệ được thành lập ngày 12/02/1947, là cơ quan tham mưu cấp chiến lược đầu ngành của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về lực lượng Dân quân tự vệ; cơ quan Thường trực của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương và là cơ quan Thường trực của Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương. Chủ trì biên tập, phát hành Tạp chí Dân quân tự vệ - Giáo dục quốc phòng và tài liệu nghiên cứu chuyên ngành về Giáo dục quốc phòng và an ninh. Ngoài ra còn tham gia thực hiện công tác đối ngoại quân sự và các nhiệm vụ đột xuất khác của Bộ Quốc phòng giao.
Trong kháng chiến chống Pháp, DQTV và bộ đội địa phương đã tiêu diệt 23,1 vạn/tổng số 50 vạn quân địch (chiếm tỉ lệ 46,4% tổng số lực lượng địch bị tiêu diệt), làm tan rã trên 20 vạn tên (chiếm tỷ lệ 35%) và kiềm chế, phân tán trên 90% tổng số lực lượng địch trên toàn chiến trường. Lực lượng DQTV và du kích đã đóng góp công sức và xương máu vô cùng to lớn vào chiến công chung của toàn dân tộc, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam (1955 - 4/1975). Lực lượng DQTV ở miền Bắc đã tích cực tham gia cải cách ruộng đất, đánh đổ địa chủ, phong kiến, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất; tham gia bắt gọn nhiều toán biệt kích Mỹ - Ngụy tung ra miền Bắc. Phối hợp với bộ đội, công an và Nhân dân thực hiện "tay cày tay súng, tay búa tay súng" chiến đấu liên tục ngày đêm, đã độc lập bắn rơi 424 máy bay các loại trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc (chiếm 10%), bắt sống hàng trăm tên giặc lái và hàng chục toán biệt kích, bắn chim và bắn cháy nhiều tàu chiến địch. Làm tốt công tác phòng không nhân dân, khắc phục hậu quả đánh phá của địch, rà phá bom mìn, thủy lôi, đã có 183 triệu lượt người được huy động tham gia phục vụ chiến đấu, phòng tránh sơ tán khắc phục hậu quả do địch gây ra, chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam.
Lực lượng dân quân du kích ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ luôn chủ động đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, hình thức đánh địch phong phú, sáng tạo trên khắp 3 vùng chiến lược; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), hình thành thế trận chiến đấu, phát triển các căn cứ chiến đấu, vành đai du kích, vành đai diệt Mỹ. Thực hiện bám trụ kiên cường, giữ thế xen kẽ, cài răng lược với địch. Đây là một phương thức tác chiến, một cách đánh độc đáo, sáng tạo của chiến tranh du kích Việt Nam. Lực lượng dân quân du kích đã phối hợp với nhân dân đấu tranh quyết liệt chống địch dồn dân lập "khu trù mật", lập "ấp chiến lược", độc lập và phối hợp với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực trong mọi hoạt động, góp phần đánh bại các chiến thuật "Trực thăng vận", "Thiết xa vận" và các biện pháp chiến lược của Mỹ - Ngụy như:"Bình định", "Ấp chiến lược", "Tát nước bắt cá", "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh", buộc địch phải phân tán tới 90% quân số để đối phó. Trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, lực lượng DQTV cùng bộ đội chủ lực và toàn dân miền Nam tiến công và nổi dậy đồng loạt; xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào " giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Những thành tích đặc biệt xuất sắc trong trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới đất nước
Giai đoạn cả nước thống nhất đi lên Chủ nghĩa xã hội, quán triệt thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Hệ thống pháp luật về dân quân tự vệ được ban hành đồng bộ, thống nhất, nhằm xây dựng Dân quân tự vệ Việt Nam vững mạnh, rộng khắp, tổ chức, biên chế tinh gọn, chất lượng tổng hợp cao, đổi mới nội dung huấn luyện và phương thức hoạt động theo phương châm "Cơ bản, thiết thực, chất lượng". Tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn; truy quét tàn quân, bọn phản động của địch còn cài cắm lại; huy động hàng triệu lượt DQTV tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới; phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần vào thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Trong giai đoạn cách mạng mới, DQTV Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò chiến lược trong xấy dựng nền quốc phòng toàn dân, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
Từ năm 2002 đến nay lực lượng Dân quân tự vệ đã có 19.761.878 lượt người với 48.617.994 ngày công tham gia trực sẵn sàng chiến đấu và tuần tra canh gác; 53.167 lượt người với 289.860 ngàv công tham gia bảo vệ biên giới đất liền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam; 877.093 ngày công tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; 2.693.931 lượt người tham gia với 5.945.537 ngày công tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và 4.895.344 lượt người với 14.218.882 ngày công vận động quần chúng tham gia xây dựng cơ sở.
Trải qua 85 năm xâv dựng chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Dân quân tự vệ Việt Nam nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ DQTV nói riêng luôn một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, chiến đấu bám trụ kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong lao động, học tập, công tác đã lập nhiều chiến công to lớn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm nên Cách mạng tháng 8/1945, đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước 30/4/1975, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Qua các thời kỳ đã có 370 tập thể và 284 cá nhân cán bộ, chiến sỹ DQTV được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đe tiếp tục phát huy truyền thống Dân quân tự vệ Việt Nam yêu cầu, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng lực lượng DQTV, đặc biệt, là triển khai có hiệu quả Luật DQTV. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn pháp luật về DQTV bằng nhiều hình thức, phương pháp cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ trì các cấp và đội ngũ cán bộ quân sự ở cấp xã, cơ quan, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn dân đối với xây dựng DQTV. Thực hiện nghiêm chế độ đăng ký, quản lý DQTV, đề xuất các biện pháp quản lý lực lượng đi làm ăn xa, thường xuyên kiểm tra, bổ sung, thay thế kịp thời những trường hợp xin đăng ký tạm vắng, chuyển đi nơi khác. Tuyển chọn, sắp xếp đúng, đủ thành phần lực lượng theo quy định, khắc phục tình trạng mất cân đối lực lượng ở những vùng dân số ít, vùng biên giới, hải đảo. Tổ chức tốt việc bồi dưỡng, tập huấn cán bộ DQTV, giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự cho DQTV theo quy định. Bảo đảm đầy, đủ kịp thời chế độ, chính sách đối với DQTV...
Xây dựng DQTV là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, công tác xây dựng DQTV phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có chất lượng và đạt hiệu quả. Đây là nhiệm vụ lâu dài nên cần phải có sự nhận thức thống nhất, đầy đủ về vị trí quan trọng của công tác xây dựng lực lượng DQTV trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ nói chung, địa phương, cơ sở nói riêng, quyết tâm đưa công tác xây dựng DQTV đi vào nền nếp, ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu câu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.
Ý kiến bạn đọc