Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Cổng DVCQG chính thức khai trương ngày 9.12.2019. Từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương, đến ngày 30.12.2020 đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 TTHC tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%).
Đến nay, Cổng DVCQG có hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ trên 43.800 cuộc gọi phản ánh, kiến nghị.
Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, sau một năm vận hành, Cổng DVCQG ngày càng trở trở thành cầu nối tin cậy, thiết thực và hiệu quả giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa TTHC, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ và là một trong những giải pháp quan trọng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Hội nghị chiều 30.12 đánh dấu sự kiện dịch vụ công thứ 2.697, 2.698, 2.699 và 2.700 được tích hợp trên Cổng DVCQG. Trong đó, dịch vụ công thứ 2.697 là: "Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân"; dịch vụ công thứ 2.698 là "Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng"; dịch vụ công thứ 2.699 là dịch vụ: "Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ" và dịch vụ công thứ 2.700 là "kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu". Hội nghị cũng đã chứng kiến phần trải nghiệm thực hiện các dịch vụ công mới được tích hợp trên Cổng DVCQG của người dân và công chức tiếp nhận, xử lý TTHC.
Hội nghị cũng đã chứng kiến lễ ký kết đồng hành xây dựng, phát triển Cổng DVCQG giữa Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Trung gian thanh toán.
Phát biểu chia sẻ về kinh nghiệm của Tây Ninh triển khai Cổng DVCQG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết tỉnh đã chỉ đạo rà soát, nâng cấp Cổng Dịch vụ công của tỉnh và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG.
Trong quá trình triển khai thực hiện, bước đầu tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc tái cấu trúc các quy trình nghiệp vụ. Việc thay đổi thói quen làm việc của cán bộ công chức trong việc tiếp cận quy trình mới, nghiệp vụ xử lý trên môi trường điện tử, khó khăn nhất là tạo dần thói quen sử dụng các Hệ thống thông tin do cơ quan Nhà nước cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
Với sự nỗ lực phấn đấu, Tây Ninh đã tập trung thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Cổng DVCQG và các Hệ thống thông tin của tỉnh; đồng bộ trạng thái xử lý hồ sơ giữa Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh với Cổng DVCQG; xây dựng lại Hệ thống đăng nhập xác thực một lần (SSO) giữa Cổng dịch vụ công tỉnh với Cổng DVCQG; tích hợp, công khai bộ câu hỏi/trả lời về những vấn đề thường gặp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn an ninh thông tin, nhất là việc đầu tư các hệ thống bảo mật tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.
Biểu đồ số lượng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG.
Đồng thời đào tạo, hướng dẫn sử dụng cho cán bộ, công chức nắm chắc việc sử dụng các hệ thống liên quan trong quá trình giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; chỉ đạo 100% cán bộ, công chức, viên chức đăng ký tài khoản trên Cổng DVCQG.
Kết quả đến nay, Tây Ninh đã đồng bộ trạng thái giải quyết được 79.252 hồ sơ lên Cổng DVCQG; tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG 682 TTHC mức độ 4 (đạt tỷ lệ 36,33%) và hoàn thành mục tiêu 30% tích hợp lên Cổng DVCQG theo Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ. Từ ngày 15.12, Tây Ninh triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai trên Cổng DVCQG.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm vận hành Cổng DVCQG.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn sự đồng hành, quan tâm của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia và biểu dương những nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong suốt một năm đầu vận hành Cổng DVCQG. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến tốt sẽ tạo ra cơ hội được thụ hưởng dịch vụ một cách bình đẳng của mọi người dân, doanh nghiệp, hạn chế phát sinh tiêu cực. Đây cũng là một chỉ số rất quan trọng để cộng đồng quốc tế đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia, đánh giá xếp hạng Chính phủ điện tử ở các nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mong muốn các bộ, ngành, địa phương mạnh dạn đặt ra quyết tâm tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng DVCQG. Việc vận hành Cổng DVCQG cũng sẽ tạo xung lực để hoàn thành một số yếu tố khác trong thời gian tới.
Đó là toàn bộ hồ sơ sẽ phải được xử lý qua môi trường mạng; thúc đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng của đất nước; thúc đẩy nền tảng, công cụ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt; làm cho người dân ngày càng quen hơn các giao dịch dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đảm bảo an toàn và quyền riêng tư của người dân, doanh nghiệp; khen thưởng biểu dương những bộ ngành, địa phương làm tốt, phê bình những bộ ngành, địa phương làm chưa tốt. Mục tiêu là tận dụng thời cơ cuộc cách mạng 4.0 để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 càng nhanh càng tốt và Chính phủ phải tiên phong đi trước.
Phương Thúy
Nguồn: https://baotayninh.vn/so-ket-mot-nam-van-hanh-cong-dich-vu-cong-quoc-gia-a129328.html
Ý kiến bạn đọc