Triển khai các biện pháp nghiệp vụ thực hiện chức năng quản lý thuế

Thứ tư - 31/07/2024 10:50 83 0
Theo báo cáo của Tổng Cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ.
Triển khai các biện pháp nghiệp vụ thực hiện chức năng quản lý thuế

Trong báo cáo về tình hình thực hiện công tác thuế 6 tháng đầu năm và định hướng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 vừa công bố, Tổng cục Thuế cho biết, bước vào năm 2024, kinh tế thế giới có dấu hiệu khả quan, song tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường… Trong nước, nền kinh tế Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn đan xen tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Dự báo những khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nhiệm vụ thu ngân sách được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao, ngay từ những ngày đầu năm 2024, ngành Thuế khẩn trương thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế như: miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn tài chính đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, ngành Thuế đã tập trung công tác chỉ đạo và triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 và triển khai hiệu quả chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Theo đó, toàn ngành tập trung tổ chức triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm giải pháp đã đề ra tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2023.

Dự toán được giao năm 2024 và kết quả thực hiện thu trong 6 tháng đầu năm

Dự toán thu NSNN được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho cơ quan Thuế năm 2024 là 1.486.413 tỷ đồng. Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 do ngành Thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ. Trong đó:

- Thu từ dầu thô ước đạt 29.692 tỷ đồng, bằng 64,5% so với dự toán, bằng 95,2% so với cùng kỳ.

- Thu nội địa ước đạt 835.658 tỷ đồng, bằng 58% so với dự toán pháp lệnh, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 655.303 tỷ đồng, bằng 60,4% so với dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ.

Có 12/21 khoản thu sắc thuế đạt trên 55% dự toán: Thuế TNDN ước đạt 68,9%; thuế TNCN ước đạt 61,9%; tiền thuê mặt đất mặt nước ước đạt 79,3%; Thu khác ngân sách ước đạt 63,4%; Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 77,8%...

Có 32/63 địa phương đạt trên 55% dự toán: Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Long An, Tiền Giang, Hưng Yên, Ninh Thuận, Nam Định, An Giang, Vĩnh Long, Hà Nội, Bắc Giang, Sóc Trăng, Phú Thọ, Bạc Liêu, Bến Tre, Đắk Lắk, Gia Lai, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bắc Ninh, Kiên Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Cao Bằng, Quảng Trị.

Có 13/21 khoản thu, sắc thuế và 54/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2023.

Triển khai các biện pháp nghiệp vụ thực hiện chức năng quản lý thuế

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thuế đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình triển khai nhiều giải pháp, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, tập trung vào vào vấn đề nóng được xã hội quan tâm như: sửa đổi Luật thuế GTGT, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT; Livestream bán hàng phải thực hiện nghĩa vụ thuế; Tuyên truyền rà soát, chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu mã số thuế (MST) cá nhân phục vụ việc chuyển đổi mã số định danh thành MST cá nhân; các chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế; HĐĐT đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu...

Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ thuế điện tử được duy trì cập nhật liên tục 24/7, để giải đáp những vướng mắc của người nộp thuế (NNT): Cung cấp thông tin tuyên truyền cho NNT với gần 1,6 triệu lượt; Cơ quan thuế thực hiện hỗ trợ được hơn 138.000 lượt cho NNT thông qua việc giải đáp, hỗ trợ qua các nền tảng mạng xã hội, như: zalo, fanpage.

Tổ chức các Hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến với NNT, trong đó tăng cường các buổi đối thoại theo hình thức trực tiếp với với sự tham gia của hàng nghìn DN, cá nhân.

Tiếp tục chú trọng việc kiểm kê, rà soát MST, đảm bảo kiểm soát, nắm bắt kịp thời người nộp thuế để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế. Đẩy mạnh cải cách, ứng dụng CNTT, triển khai trong toàn ngành các bản nâng cấp ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế, dịch vụ thuế điện tử theo kiến trúc và công nghệ mới, với nhiều tiện ích, hỗ trợ NNT thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác.

6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 119,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng đạt 99,9% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn cả nước.

Triển khai thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã phối hợp với , Bộ Công An triển khai chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin tự động theo phương thức điện tử. Thống kê đến nay, số lượng khớp đúng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 59,82 triệu MST, đạt 74,03% tổng số lượng MST cá nhân.

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng và đúng pháp luật.

Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã tổ chức họp chuyên đề để chỉ đạo trong toàn ngành về công tác giải quyết hoàn thuế; tổ chức các hội nghị đẩy mạnh công tác quản lý hoàn thuế GTGT. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác đi xuống cơ sở để tháo gỡ những khó khăn về công tác hoàn thuế GTGT.

Lũy kế đến cuối tháng 6/2024, toàn ngành Thuế đã ban hành 8.740 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 63.188 tỷ đồng, bằng 37% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số Cục Thuế có số tiền giải quyết hoàn thuế lớn như: Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Bên cạnh đó, tổng số hồ sơ kiểm trước đang tiếp nhận, giải quyết hoàn thuế GTGT trên cả nước là 1.279 hồ sơ, tương ứng số thuế đề nghị hoàn 20.896 tỷ đồng

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã ban hành các quyết định giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật thuế của DN, cũng như các văn bản chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kê khai thuế của NNT, chống thất thu NSNN.

Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN có giao dịch liên kết và đối với DN có rủi ro cao về thuế, hóa đơn, từ đó triển khai hiệu quả công tác phòng, chống gian lận về hóa đơn. Đồng thời chuyển cơ quan Công an phối hợp điều tra, xử lý theo quy định những trường hợp cố tình vi phạm nhằm trục lợi bất chính

Kết quả lũy kế đến hết tháng 6, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 24.076 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 36,1% kế hoạch năm 2024 và bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 337.838 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 122,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 4.342 tỷ đồng, bằng 62,8% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.

Về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, trong 6 tháng đầu năm, ngành Thuế đã theo dõi sát sao tình hình nợ thuế, giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho các đơn vị thực hiện. Tổ chức các đoàn công tác đi xuống cơ sở để nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện và những vướng mắc trong công tác quản lý nợ thuế. Tổ chức Hội nghị toàn ngành để tổng hợp những vướng mắc và đưa ra các giải pháp cụ thể đối với công tác thu và quản lý nợ thuế.

Đẩy mạnh việc ban hành thông báo nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi NNT để đôn đốc nộp tiền thuế nợ và cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế cho NNT. Công khai thông tin các đối tượng dây dưa, chây ỳ nợ thuế lên các cơ quan thông tấn báo chí và trên hệ thống Cổng/trang TTĐT của cơ quan thuế.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu hồi nợ thuế ước đạt 45.468 tỷ đồng, đạt 33% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2024. Trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ thuế là 42.756 tỷ đồng; Thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 2.712 tỷ đồng.

Đồng thời, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 16.859 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh và đã thu hồi được 918,7 tỷ đồng nợ thuế của 1.482 NNT.

Triển khai thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh

Với tinh thần luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN và người dân vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, bên cạnh công tác tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các giải pháp về thuế, cơ quan thuế các cấp đã đẩy mạnh việc triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho DN và người dân với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được miễn, giảm là khoảng 38.326 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Trong đó, cơ quan thuế các cấp đã kịp thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất, tới toàn thể NNT hiểu và nắm được chính sách hỗ trợ của Nhà nước ngay từ khâu xây dựng dự thảo Nghị định và triển khai hỗ trợ NNT kịp thời ngay khi Nghị định được ban hành chính thức.

Mới đây, để chính sách hỗ trợ người dân, DN nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế GTGT, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện chỉ đạo 63 Cục Thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước đẩy mạnh công tác hướng dẫn và triển khai kịp thời chính sách giảm thuế GTGT và tuyên truyền để hỗ trợ DN, NNT kịp thời thụ hưởng chính sách.

Đặc biệt, năm 2024 dự kiến tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn Thuế GTGT, TNDN, TNCN và thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định 64 và Nghị định 65 của Chính phủ là khoảng 92.560 tỷ đồng.

Công tác quản lý thuế đối với Hộ kinh doanh

Nhằm mục đích tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa trong công tác quản lý thuế đối với HKD, CNKD từ tháng 7/2023 Tổng cục Thuế đã chỉ đạo triển khai chức năng bản đồ số HKD trên toàn quốc. Đến nay việc triển khai bản đồ số HKD đã đạt được các kết quả như sau: toàn bộ hộ kinh doanh nộp thuế khoán đã công khai trên Bản đồ số HKD, theo báo cáo trên toàn quốc có 31.838 HKD đưa thêm vào quản lý thông qua triển khai Bản đồ số, số thuế tăng thêm là 12,7 tỷ đồng. Về việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản hồi về HKD đã tiếp nhận trên Bản đồ số: hệ thống đã tiếp nhận 285 ý kiến phản hồi, trong đó các Cục Thuế báo cáo đã thực hiện xử lý 284 ý kiến phản hồi.

Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật thuế

Xác định công tác hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thuế là nhiệm vụ trọng tâm, năm 2024, Tổng cục Thuế được giao chủ trì xây dựng 13 văn bản pháp quy, trong đó 05 Nghị định và 08 Thông tư.

Ngành Thuế đã hoàn thành 03 văn bản pháp quy, trong đó 02 Nghị định và 01 Thông tư. Tổng cục Thuế đang tổ chức lấy ý kiến các đơn vị và hoàn thiện hồ sơ dự thảo với 03 Nghị định còn lại và thực hiện đảm bảo theo tiến độ với 7/13 thông tư còn lại

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã ban hành 231 văn bản chỉ đạo toàn ngành, 47 Thông báo kết luận, phân công nhiệm vụ, phân công xử lý kiến nghị, đôn đốc nhiệm vụ; 47 Quyết định phê duyệt, ban hành kế hoạch triển khai công việc, 04 Công điện khẩn triển khai nhiệm vụ, trong đó có các chương trình, kế hoạch quan trọng để chỉ đạo, triển khai toàn ngành.

Đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế; phát triển ứng dụng CNTT đáp ứng các yêu cầu mới trong công tác quản lý thuế

Công tác triển khai HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu

Sau gần 4 tháng triển khai, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, ngày 10/04/2024, 100% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Kết quả này đã được Thủ tướng Chính phủ có Thư khen ngợi, biểu dương.

Trên cơ sở kết quả bước đầu, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 1780/TCT-DNL ngày 26/4/2024 yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phát hành HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để đánh giá, nâng cao các giải pháp xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng, từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Công tác triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền

Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3348/BTC-TCT ngày 29/3/2024, Công văn số 5258/BTC-TCT ngày 22/5/2024 gửi đến Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, cấp ủy, các sở, ban ngành và chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan thuế trong việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Đồng thời chỉ đạo và giao chỉ tiêu thực hiện đến Cục Thuế các tỉnh, thành phố trong việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2024

Đến nay, có 63/63 Cục Thuế đã gửi danh sách rà soát đối tượng thuộc diện triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền với 69.353 cơ sở kinh doanh đã áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 542,36 triệu hóa đơn, gấp 5,2 lần so với cả năm 2023.

Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã có thêm 28.999 cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng khởi tạo từ máy tính tiền, tăng 71,9% so với kết quả cuối năm 2023.

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có thêm 26 Nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) mới đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN. Lũy kế đến nay đã có 102 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT đến từ nhiều quốc gia như Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Thụy Sĩ, Úc; Anh; Switzerland;…

Tổng số thuế các NCCNN đã khai - nộp trực tiếp qua cổng TTĐT 6 tháng đầu năm là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đến nay, đã có 383 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên cổng thông tin TMĐT, tăng 22 sàn so với số lượng sàn cung cấp thông tin lũy kế đến cuối năm 2023.

Tiếp tục điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế, thúc đẩy cung ứng dịch vụ thuế điện tử

Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục thuế trực thuộc. Tính đến cuối tháng 6, có 930.050 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 930.559 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,95%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 01/01/2024 đến ngày 14/06/2024 là 9.312.980 hồ sơ.

Đã thực hiện kết nối với 57 ngân hàng thương mại và triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63 Cục Thuế. Tính đến cuối tháng 6, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 922.761 DN trên tổng số 930.559 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,16%.

Về triển khai ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile), đến nay, số lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile là 1.153.462 lượt. Số giao dịch qua NHTM: 1.800.172 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 4.229 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Chính phủ về đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030:

Ngành Thuế đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ thống nhất các dịch vụ trao đổi thông tin; xây dựng yêu cầu kỹ thuật để kết nối chia sẻ dữ liệu CSDL về dân cư với CSDL thuế; xây dựng dịch vụ đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế với NNT là hộ gia đình, cá nhân.

Đến nay, Tổng cục thuế đã tiếp nhận 17.031 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 5.849 hồ sơ thay đổi thông tin ĐKT của cá nhân không kinh doanh qua Cổng DVCQG.

Về triển khai nội dung sử dụng mã căn cước công dân làm MST, đến nay, tính trên số lượng MST phải rà soát và có khả năng rà soát thì tỷ lệ khớp đúng đạt 93,9%.

Phát triển ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu triển khai các quy trình, chính sách mới

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thuế đã hoàn thành 63 phiên bản nâng cấp ứng dụng quản lý thuế và hỗ trợ NNT. Việc nâng cấp và triển khai ứng dụng CNTT đáp ứng các bổ sung, sửa đổi chính sách thuế mới đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế và hỗ trợ NNT tuân thủ nghĩa vụ thuế.

Đẩy mạnh công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính trong công tác quản lý thuế

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 17/7/2021 về Chương trình Tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của Tổng cục Thuế với 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, từ đó cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ thành 80 sản phẩm/hoạt động chi tiết với căn cứ nhiệm vụ rõ ràng.

Hiện nay, Bộ thủ tục hành chính (TTHC) thuế có 235 TTHC, gồm: 147 Dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 88 Dịch vụ công cung cấp thông tin; tổng số TTHC đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ Công quốc gia là 120 TTHC.

Số lượng hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên Cổng DVCQG từ đầu năm đến nay: 11.874.352 hồ sơ. Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế đều đã có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về thuế cho người dân, DN.

Triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thuế đã thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ các Cục Thuế trong việc triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Chương trình hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025; Kế hoạch quản lý thuế trung hạn 2023-2025 thực hiện Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025.

Đến nay, đã có 59/63 Cục Thuế đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách quản lý thuế; có 61/63 Cục Thuế đã xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; và có 59/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ thị của UBND về tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Công tác hợp tác quốc tế về lĩnh vực thuế

6 tháng đầu năm 2024, ngành Thuế tiếp tục tăng cường hợp tác với cơ quan thuế các nước và tổ chức quốc tế, phục vụ thiết thực tiến trình cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế, nâng cao kiến thức của cán bộ, công chức thuế trong các lĩnh vực quản lý thuế, góp phần tiếp tục khẳng định vị thế của ngành thuế Việt Nam trong các hoạt động quốc tế về thuế nói riêng và công tác đối ngoại của Bộ Tài chính nói chung.

Tổng cục Thuế đã thực hiện thủ tục xúc tiến, đàm phán, ký kết, phê duyệt hiệu lực các Hiệp định thuế, Nghị định thư sửa đổi với Albani, Ai Cập, UAE; triển khai thủ tục trình Chính phủ phê duyệt Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam – Luxembourg, ...

Hợp tác về thuế với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực như OECD, Lào, SGATAR, ADB, Hàn Quốc. Thực hiện trao đổi thông tin đối với 41 trường hợp với Cơ quan thuế các nước

Ngày 20/6/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam và Cục trưởng Cục Thuế Liên bang Nga đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa hai bên. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách thuế và quản lý thuế. Qua đó góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực phát triển, xây dựng chính sách thuế và quản lý thuế.

Nhiệm vụ và giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2024

Với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2024 mà Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao, trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành Thuế tiếp tục nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ lớn, trọng tâm là:

Một là, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ mọi giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 được Quốc hội giao.

Ba là, triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp về gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất đã được ban hành nhằm hỗ trợ cho DN, người dân.

Bốn là, triển khai quyết liệt, hiệu quả việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách quản lý thuế năm 2024.

Năm là, tập trung triển khai các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình của Chính phủ với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý thuế với mục tiêu tiến tới tài chính số.

Sáu là, thực hiện tốt chương trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế;

Bảy là, thực hiện tinh gọn bộ máy cơ quan thuế các cấp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ người dân và DN và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, tiêu cực.

Chín là, ra sức thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện quan trọng của đất nước và Chào mừng 80 năm Ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam.

 

Tác giả: Huỳnh Văn Xô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập144
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay4,962
  • Tháng hiện tại90,918
  • Tổng lượt truy cập18,457,789
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây