Ý tưởng về Ngày Sách và Bản quyền thế giới bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Catalonia (Tây Ban Nha): Vào ngày 23/4 hàng năm (ngày lễ Thánh Goerge), có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức và mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách vào ngày hôm đó. Thêm nữa, vào ngày này của năm 1616, 3 đại văn hào của thế giới là Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega đều đã qua đời sau khi để lại cho nhân loại những tác phẩm văn học vô cùng có giá trị trong mọi thời đại. Ngày 23/4 cũng là ngày sinh hoặc ngày giỗ của các tác giả nổi tiếng khác như: Maurice Druon, K.Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejía Vallejo.
Trước những dấu ấn đặc biệt liên quan đến văn học đều diễn ra vào ngày 23/4, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tổ chức tại Paris vào năm 1995, đã ngẫu nhiên lựa chọn ngày này để tôn vinh văn hóa đọc cũng như các tác giả đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị đối với toàn thế giới. Với ngày kỷ niệm này, UNESCO mong muốn khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá những niềm vui của việc đọc sách; và ghi nhận những đóng góp không thể thay thế của nhiều tác giả đối với các tiến bộ xã hội và văn hóa của nhân loại.
Mỗi năm, UNESCO và 3 tổ chức quốc tế chuyên về sách là Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA), Liên đoàn Sách Quốc tế (IBF) và Liên đoàn Quốc tế các Thư viện và Hiệp hội Thư viện (IFLA) cùng chỉ định Thủ đô sách của thế giới trong khoảng thời gian một năm kể từ ngày 23/4.
Năm nay, thành phố Port Harcourt của Nigeria đã được lựa chọn là Thủ đô sách của thế giới năm 2014 "vì chất lượng chương trình của họ, đặc biệt là vì tầm quan trọng của các hoạt động dành cho thanh thiếu niên và tác động của các chương trình nâng cao văn hóa của sách, đọc, viết và xuất bản ở Nigeria và ảnh hưởng của nó đối với việc phổ cập giáo dục ở quốc gia này" theo như đánh giá của các thành viên hội đồng tuyển chọn.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Sách và Bản quyền Thế giới năm nay, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova nêu rõ: “Lịch sử của chữ viết đi cùng với lịch sử của nhân loại. Khả năng của sách góp phần vào sự phát triển cá nhân và thúc đẩy các thay đổi xã hội là vô địch. Hòa hợp những gì riêng tư vào một vấn đề xã hội sâu sắc, những cuốn sách mở ra các cơ hội đối thoại rất phong phú giữa các cá nhân, trong cộng đồng và giữa các thời kỳ”.
Vào Ngày Sách và Bản quyền Thế giới năm 2014, UNESCO kêu gọi tất cả phụ nữ và tất cả nam giới cùng tập hợp lại vì sách và vì tất cả những người đã sáng tác và sản xuất ra sách. Ngày này là một cơ hội để tôn vinh những cuốn sách, trong đó thể hiện sự sáng tạo của con người và mong muốn chia sẻ những ý tưởng và kiến thức, cũng như thúc đẩy sự hiểu biết và lòng khoan dung.
Theo đó, Kỷ niệm thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam, đồng thời hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền Thế giới, năm nay, nước ta đã quyết định lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam.
Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in ấn, phát hành và lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở nước ta. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa nhằm thực hiện mục tiêu lâu dài đã đề ra trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.