Cũng như các nơi khác ở miền Nam, tại Tây Ninh, nguỵ quyền Sài Gòn nhanh chóng xây dựng bộ máy tay sai từ tỉnh đến cơ sở, chuẩn bị thực hiện âm mưu đánh phá cách mạng. Mỹ -ngụy đưa một trung đoàn chủ lực thuộc sư đoàn 13 từ Sài Gòn lên xây dựng căn cứ ở Tua Hai nhằm kiểm soát đường giao thông từ Thị xã lên Tân Biên; triển khai lực lượng đóng đồn cấp đại đội trong các vùng nông thôn sâu, căn cứ kháng chiến cũ như Cần Đăng, Xa Mát, Kà Tum… để làm lá chắn ngăn chặn lực lượng cách mạng từ vùng căn cứ Dương Minh Châu, Châu Thành xâm nhập vùng đồng bằng, thị xã, thị trấn đông dân cư; tìm đối sách để nắm lấy lực lượng vũ trang phi cách mạng, không để cho lực lượng này tồn tại độc lập.
Giữa năm 1956, với phương châm “thà giết lầm hơn bỏ sót”, Ngô Đình Diệm tiến hành chiến dịch tố cộng, diệt cộng giai đoạn II với mức độ tàn bạo, dã man hơn trước. Ngoài việc thanh lọc, bắt giết những người yêu nước được cách mạng tổ chức bên trong bộ máy của địch ở cơ sở và thay thế bằng lực lượng mật vụ có hận thù cách mạng, bọn ác ôn khét tiếng nhằm chấn chỉnh tổ chức, Diệm còn chủ trương “đoàn ngũ hoá”, tổ chức “ngũ gia liên bảo”, “tự vệ hương thôn”, thành lập “công dân vụ” nằm vùng, tuyên truyền, dụ dỗ, rún ép Nhân dân, theo dõi gây ly gián, nghi ngờ giữa các thành viên gia đình, hàng xóm, phá truyền thống tương thân, tương ái của Nhân dân ta. Mục đích cuối cùng là nhằm li gián, tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân để bắt bớ, bắn giết.
Cự tuyệt yêu cầu tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc theo nội dung Hiệp định Genève, ngay sau ngày 20/7/1956, nguỵ quyền Sài Gòn đưa lực lượng công an đội lốt công dân vụ, cán bộ thông tin tỉnh, huyện chia làm nhiều nhóm phối hợp với lính bảo an, tề vệ tại chỗ đến các xã dùng vũ lực tập trung quần chúng, liên tục tuyên truyền luận điệu “Bài phong, đả thực, diệt cộng, quốc gia dân chủ”, kêu gọi quần chúng tố cộng, tố giác cán bộ nằm vùng, đồng thời rêu rao các chính sách lừa mị cải cách điền địa, phát triển nông tín cuộc.
Sau khi ban hành luật “Bảo vệ trị an”, song song với việc mở chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” mang tên Thoại Ngọc Hầu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, địch chọn Tây Ninh làm thí điểm chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” ở miền Đông Nam bộ mang tên Trương Tấn Bửu để rút kinh nghiệm triển khai ra các tỉnh Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa.
Đặc biệt, từ ngày 06/5/1959, Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59, đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp miền Nam, hành hình những người cách mạng không cần xét xử. Đây là thời kỳ cách mạng miền Nam nói chung và Đảng bộ Tây Ninh nói riêng bị tổn thất vô cùng to lớn. Đối với Tây Ninh, nhiều chi bộ xã bị thiệt hại nghiêm trọng, có xã chỉ còn 2 đến 3 đảng viên, có xã không còn đảng viên. Cuối năm 1959, toàn Đảng bộ tỉnh chỉ còn khoảng 300 đảng viên. Trại giam của địch ở Tây Ninh chật ních những người cách mạng và quần chúng yêu nước.
Trước tình hình đó, tháng 01/1959, Trung ương Đảng mở Hội nghị lần thứ 15, đề ra đường lối, nhiệm vụ, phương hướng của cách mạng ở miền Nam là: “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của Nhân dân”. Nghị quyết 15 ra đời đã thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, chuyển cách mạng miền Nam từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đẩy mạnh tiến công và tổng tiến công giành thắng lợi.
Tua Hai và công tác chuẩn bị cho trận đánh lịch sử năm 1960
Tua Hai (Tour 2) - đóng tại Trảng Sụp, thuộc xã Thái Bình, huyện Châu Thành - vốn là tháp canh số 2 nằm trên lộ 22 đi Campuchia, cách thị xã Tây Ninh (nay là Thành phố Tây Ninh) 7 km về phía Bắc, được thực dân Pháp xây dựng trong “kế hoạch De la Tour”. Năm 1956, ngụy quyền Ngô Đình Diệm xây dựng thành căn cứ quân sự lấy tên thành Lam Sơn, nơi đóng quân của trung đoàn 39 thuộc sư đoàn 13 quân chủ lực ngụy, đồng thời là một trung tâm huấn luyện quân sự của chúng. Tại Tua Hai, địch đặt một kho vũ khí lớn và được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Đầu năm 1959, trước sự phát triển lớn mạnh của phong trào cách mạng, nhất là sau khi phát hiện ta xây dựng căn cứ Dương Minh Châu, địch tăng cường xây dựng, mở rộng qui mô thành, với diện tích lên đến 1 km2 . Để phòng vệ, địch cho đắp bờ đê cao, bố trí hệ thống tháp canh, lô cốt, hàng rào kẽm gai xung quanh và đảm bảo lực lượng thường trực gồm một tiểu đoàn canh gác 24/24 giờ. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng địch ở Tua Hai là càn quét tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng; đánh phá nhằm ngăn chặn mở rộng vùng căn cứ địa cách mạng; đánh phá các cơ sở cách mạng dọc theo lộ 22 nhằm hỗ trợ cho các khu dinh điền kìm kẹp quần chúng. Ngoài một trung đoàn quân thường trực, địch tăng cường cho Tua Hai 01 đơn vị cơ giới và một đơn vị pháo binh, tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của một sư đoàn phó mang cấp hàm đại tá, một trung tá trung đoàn trưởng và một Trung tá Mỹ làm cố vấn.
Mặc dù thành Tua Hai xây dựng kiên cố, quân số đông và được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng có nhiều điểm yếu:
- Thứ nhất, nền nếp sinh hoạt, ăn ở, đi lại của địch có nhiều sơ hở, bố phòng không chặt, công sự, lô cốt được bảo vệ rất sơ sài, chủ quan, thiếu kỷ luật trong tuần tra, canh gác. Do đó, lực lượng trinh sát - đặc công của ta đã thâm nhập căn cứ địch, điều nghiên đầy đủ, chính xác trận địa, kể cả các điểm xung yếu, chiến lược và các vị trí chỉ huy, phục vụ đắc lực cho cuộc tiến công tiêu diệt thành Tua Hai.
- Thứ hai, tâm lí địch thời điểm này còn chủ quan, coi thường lực lượng ta khi cho rằng cách mạng không có khả năng đánh lớn. Trên thực tế, từ sau Hiệp định Genève, chúng ta chủ yếu vận động và lãnh đạo Nhân dân đấu tranh bằng con đường chính trị, hoà bình, rất kìm chế các hoạt động vũ trang, ngoại trừ trận tập kích vào chi khu địch ở Dầu Tiếng (ngày 11/8/1958), với mục tiêu chủ yếu là nhằm giải quyết yêu cầu tiếp tế hậu cần. Do đó, không chỉ có trung đoàn 32 của sư đoàn 21 mà tất cả lực lượng Mỹ - nguỵ không hề tin lực lượng vũ trang cách mạng có đủ tiềm lực và ý chí để tấn công vào cứ điểm cấp trung đoàn của chúng. Chính sự chủ quan, khinh suất, mất cảnh giác đó của Mỹ-nguỵ nên khi cuộc tiến công vũ trang của ta vào Tua Hai được triển khai sẽ tăng cơ hội chiến thắng, vì địch bị bất ngờ, không kịp đối phó.
- Thứ ba, để đề phòng xảy ra binh biến, vào ban đêm, địch gom hết số súng cấp phát cho lính mới đem cất vào kho. Do vậy, khi bị tấn công bất ngờ địch sẽ khó có thể kịp thời đảm bảo vũ khí cho binh lính.
- Thứ tư, một điểm thuận lợi của ta và là điểm yếu nhất của địch, đó là việc ta đã xây dựng được lực lượng nội tuyến trong lòng địch. Dựa trên 4 cơ sở nội tuyến ban đầu, Ban chỉ huy trận đánh đã tổ chức giáo dục, giác ngộ, tìm hiểu để đánh giá khả năng của từng người để giao cho nhiệm vụ cụ thể.
Thực hiện Nghị quyết 15, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy chỉ đạo đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Trưởng ban Quân sự Miền đề ra phương án để đánh một đòn chiến lược, làm địch bị thối động, thúc đẩy phong trào khởi nghĩa vũ trang, chuyển phong trào cách mạng miền Nam sang giai đoạn mới. Sau khi xem xét các phương án, theo đề xuất của tỉnh Tây Ninh và Ban Quân sự miền Đông, Xứ ủy đã phân tích, đánh giá rất kỹ tình hình và quyết định chọn Tua Hai làm mục tiêu tiến công.
Hạ quyết tâm đánh và phải thắng, sau khi có quyết định của Xứ uỷ, Ban Quân sự Miền đã thành lập Ban Chỉ huy trận đánh, gồm:
+ Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến (Tám Kiến Quốc, Tám Vên Vên), Chỉ huy trưởng - Tư lệnh chiến trường.
+ Đồng chí Mai Chí Thọ (Tám Cao, Năm Xuân), Chính trị viên - Bí thư Đảng uỷ.
+ Đồng chí Lê Thanh (Tám Lê Thanh), Chỉ huy phó - Tham mưu trưởng trận đánh.
+ Đồng chí Võ Cương (Mười Năng), Chỉ huy phó.
Về chiến thuật và phương châm tác chiến: Trận đánh phải được đảm bảo tuyệt đối bí mật, bất ngờ, khai thác tối đa những sơ hở của địch. Kết hợp chặt chẽ đặc công, xung kích với bộ binh ngay loạt đạn mở màn, ngay lập tức làm tê liệt, vô hiệu hoá bộ phận chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn nguỵ. Các mũi tấn công đánh chia cắt địch. Đặc biệt, phải tập trung hoả lực chia cắt không cho các đơn vị nguỵ tiếp cận với kho vũ khí của chúng bằng bất cứ giá nào, nhằm vô hiệu hoá, hạn chế đến mức tối đa khả năng đề kháng của chúng. Nhanh chóng chiếm lĩnh kho vũ khí của địch, tịch thu và nhanh chóng vận chuyển về căn cứ của ta để phân tán, cất giấu, phòng địch truy kích chiếm đoạt lại vũ khí.
Về lực lượng tham gia trận đánh: Ban Quân sự miền đã huy động lực lượng gồm: C60, C59, C70, C80 đặc công cùng với C20 Tây Ninh và trung đội Bình Xuyên tiến công căn cứ Tua Hai. Đặc biệt, trận đánh có sự hỗ trợ quan trọng, mang 4 tính quyết định của chi bộ Đảng mật trong căn cứ Tua Hai, do Tỉnh uỷ Tây Ninh dày công duy trì, xây dựng và phát triển từ các cơ sở nội tuyến do Ban Binh vận Miền giới thiệu.
Lực lượng dân công hoả tuyến, tải thương tải đạn cũng được chuẩn bị rất kỹ càng. Trận đánh Tua Hai do Ban Quân sự miền Đông tổ chức và trực tiếp chỉ huy, song sự chuẩn bị về lực lượng hậu tuyến do Tây Ninh đảm nhiệm. Đây là cố gắng rất lớn của Tây Ninh, là kết quả của quá trình âm thầm chuẩn bị lực lượng lâu dài, bí mật của tỉnh, một thành công lớn của công tác dân vận của Tây Ninh. Nhờ đó, khi trận Tua Hai diễn ra, tỉnh đã huy động cùng một lúc 300 dân công, chủ yếu là của huyện Châu Thành và một bộ phận hơn 42 người của huyện Dương Minh Châu với đa phần là đảng viên, đoàn viên thanh niên và quần chúng cách mạng trung kiên.
Ngoài ra, theo kế hoạch hợp đồng tác chiến, các lực lượng còn lại ở Chiến khu Đ cơ động đánh chi khu và huyện lỵ Đồng Xoài (tỉnh Sông Bé cũ, nay thuộc tỉnh Bình Phước) để thu hút địch, tạo điều kiện cho các lực lượng của ta ở Tây Ninh tập trung đánh vào trọng tâm Tua Hai, đảm bảo giành thắng lợi.
Diễn biến và kết quả trận tấn công Tua Hai ngày 26/01/1960
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sau khi cung cấp đầy đủ tình hình và sơ đồ của thành Nguyễn Thái Học theo yêu cầu của Ban Binh vận tỉnh, 4 cơ sở nội tuyến vận động gần 400 binh sĩ trung đoàn 32, sư đoàn 21 về quê ăn tết nguyên đán. Trong đó, có một số binh sĩ được bọn chỉ huy cho phép, còn một số không được cho phép nhưng vẫn xé rào về nhà. Hầu hết cơ sở nội tuyến của ta cũng phải đi, mục đích là khi lực lượng vũ trang tấn công tiêu diệt thành Nguyễn Thái Học (Tua Hai), các cơ sở nội tuyến không bị lộ thân phận, tạo thế hợp pháp để tiếp tục hoạt động sau này.
Thực hiện kế hoạch, chiến thuật và phương châm tác chiến, lực lượng vũ trang chia thành 4 mũi hành quân vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng chờ lệnh tấn công thành Tua Hai. Trước đó, lực lượng trinh sát đặc công đã được cơ sở nội tuyến đưa từ ngoài vào, ém sẵn trong căn cứ địch chờ pháo lệnh.
Giờ nổ súng tấn công thành Tua Hai theo qui định là 23 giờ 30 ngày 25/01/1960. Thế nhưng bất ngờ đã xảy ra: trước giờ tiến công theo qui định, tình huống bất ngờ, địch nổi còi tập hợp quân số trong căn cứ Tua Hai. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy trận đánh quyết định tạm hoãn giờ nổ súng, xem xét lại kế hoạch trận đánh có bị lộ bí mật không. Sau khi xem xét đánh giá mọi hoạt động của địch, Ban Chỉ huy nhận thấy kế hoạch vẫn đảm bảo bí mật.
Đúng 0 giờ 30 phút, ngày 26/01/1960, lệnh tiến công căn cứ Tua Hai bắt đầu. Được nội tuyến và trinh sát - đặc công dẫn đường, quân giải phóng chia làm 3 mũi: một mũi tập kích vào sở chỉ huy trung đoàn 32 nguỵ; một mũi tấn công vào khu vực phòng ngủ của bọn sĩ quan địch, với 100 quả bộc phá, thủ pháo cực mạnh đã làm tê liệt ngay từ đầu bộ phận đầu não chỉ huy của chúng; mũi thứ ba chiếm lĩnh kho vũ khí, lấy súng đối phương đánh lại đối phương.
Trước sức tấn công của ta bằng bộc phá, thủ pháo kết hợp với bộ binh, địch nhanh chóng tan rã. Chỉ trong vòng 03 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Lực lượng dân công theo sát các đơn vị chiến đấu đã có mặt kịp thời mang vác súng đạn, ai cũng đem hết sức mình để mang được nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm chuyển ra vùng căn cứ. Các chiến sĩ ta được lệnh đổi súng cũ lấy súng mới để tự trang bị cho mình. Đồng chí Lê Thanh, chỉ huy phó trận đánh, ra lệnh dùng ba xe vận tải của địch vận chuyển súng đạn, sử dụng lái xe của ta và lái xe là hàng binh địch chở vũ khí từ Tua Hai theo lộ 22 hướng lên Trại Bí về căn cứ.
Sau khi thu vũ khí, giải quyết chính sách đối với tù binh, đến 3 giờ 30 ngày 26/01/1960, lực lượng vũ trang của ta rút khỏi trận địa. Trận tiến công Tua Hai diễn ra đúng như dự kiến, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, “ta diệt 76 tên địch, bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 tên, thu gần 1.500 khẩu súng các loại”. Lực lượng ta bị thương 12 đồng chí, 7 đồng chí hy sinh, gồm: Đồng chí Năm Nhỏ, Tư Đen, Sáu Tươi, đồng chí Song, đồng chí Nghị, đồng chí Hoàng Anh và đồng chí Ngô Minh Trị (tức đồng chí Ba Bảy).
Tua Hai là thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng, đạt được yêu cầu về chính trị và quân sự do Xứ ủy Nam bộ đề ra. Với chiến thắng vang dội này, đã cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân Tây Ninh, miền Đông Nam bộ và cả miền Nam vùng lên mạnh mẽ, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ. “Tây Ninh là loại hình đồng khởi khác, bắt đầu từ tiến công về quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng”.
Phong trào Đồng khởi vũ trang của quân dân Nam bộ sau chiến thắng Tua Hai ở Tây Ninh
Chiến thắng Tua Hai là tiếng kèn báo hiệu cho cuộc nổi dậy đồng loạt của quân dân Tây Ninh nói riêng, của các tỉnh miền Đông Nam bộ và Nam bộ nói chung.
Ở Tây Ninh, chỉ trong hai tháng, từ tháng 2 đến tháng 4/1960, bằng mọi hình thức, biện pháp sáng tạo và linh hoạt, quân dân Tây Ninh đã tiêu diệt, bức rút đồn bót ở các xã. Tại tổng Hoà Ninh, phía tả ngạn xã Thanh Điền, Phum Soài (nay là xã Ninh Điền), Long Chữ hoàn toàn giải phóng, còn ba xã có đồn lớn cấp trung đội chưa giải quyết được là Thái Bình, Trí Bình và Thanh Điền. Ở các xã Phan, Suối Đá, Lộc Ninh, Cầu Khởi chạy dài xuống Truông Mít, Bàu Đồn, Đôn Thuận, Lộc Hưng, Phước Thạnh, Gia Lộc, An Tịnh, An Hoà, Gia Bình, Thanh Phước, Hiệp Thạnh… bộ máy kìm kẹp của địch bị triệt hạ hoàn toàn. Trên các trục lộ chiến lược số 1 và 22, ở các đoạn đường cống Biện Sen, Rỗng Tượng, Gò Chùa, Trà Võ…từng lúc bị cắt đứt. Trước sức tấn công và nổi dậy của nhân dân trong tỉnh, địch vô cùng hoảng hốt, chống đỡ yếu ớt. Binh lính trong một số đồn bót vùng hẻo lánh như Cần Đăng, Mỏ Công, Trại Bí, Tam Hạp…bỏ chạy. Đại bộ phận quân địch co cụm về thị xã, thị trấn.
Đến tháng 7/1960, quân và dân trong toàn tỉnh đã nổi dậy giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh, diệt và làm tan rã hầu hết tề xã, ấp và trên 70% lực lượng bảo an, dân vệ. Đến cuối năm 1960, trên phân nửa đồn bót địch trong tỉnh bị bức hàng, bức rút. Các khu trù mật ở Bời Lời, Truông Mít, Giồng Nần, Bổ Túc, Mỏ Công… đều bị quân dân Tây Ninh triệt phá. Vùng căn cứ kháng chiến được mở rộng, hình thành thế liên hoàn từ Lò Gò, Thiện Ngôn, Kà Tum, Bổ Túc, Cần Đăng, Hảo Đước, Ninh Điền xuống tới các xã Long Chữ, Long Giang, Lợi Thuận của huyện Bến Cầu; Phan, Suối Đá, Lộc Ninh, Truông Mít của huyện Dương Minh Châu; Phước Thạnh, Hiệp Thạnh, Thanh Phước của huyện Gò Dầu; Đôn Thuận, Lộc Hưng, Gia Lộc của huyện Trảng Bàng. Vùng căn cứ liên hoàn này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành hành lang chiến lược qua tỉnh Bình Long, Phước Long, Chiến khu Đ, xuống Long An về đồng bằng sông Cửu Long.
Qua kết quả của một năm tiến công và đồng loạt nổi dậy, đặc biệt là thành quả to lớn trong trận khai màn chiến thắng Tua Hai, với số vũ khí thu được trong trận đánh này và sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng chiến đấu, các đơn vị vũ trang cách mạng được hình thành như: Tiểu đoàn 14 (D14) của tỉnh, Đại đội 40 (C40) của huyện Châu Thành, Đại đội 54 (C54) của huyện Dương Minh Châu, Đại đội 33A (C33A) của hai huyện Gò Dầu và Trảng Bàng, C2/45 Thị xã. Riêng vùng Toà Thánh thành lập đội vũ trang tuyên truyền. Trong các vùng giải phóng, nhân dân đứng ra thành lập chính quyền tự quản, tổ chức tăng gia sản xuất để phục vụ kháng chiến và giải quyết đời sống, vận động thanh niên lên đường tham gia lực lượng vũ trang.
Chiến thắng Tua Hai không chỉ trực tiếp tháo ngòi nổ cho phong trào đồng khởi của quân và dân Tây Ninh mà còn là “đòn bẫy” kích thích, động viên, cổ vũ mạnh mẽ quân dân các tỉnh miền Đông, miền Trung, miền Tây Nam bộ vùng lên dùng bạo lực vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền ở xã, ấp.
Tại Long An, tỉnh nằm rất gần Tây Ninh, liền kề với Sài Gòn - Gia Định, địch luôn thực hiện chính sách kìm kẹp gắt gao. Với chiến thắng Tua Hai đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần binh lính địch ở tỉnh này. Bọn nguỵ quân, nguỵ quyền Long An lo sợ co cụm lại, tạo điều kiện cho nhân dân các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa... đồng loạt nổi dậy, giải phóng hoàn toàn 12 xã, phá lỏng kìm kẹp 67 xã, vươn lên làm chủ xã, ấp ở những mức độ khác nhau.
Cùng với Tây Ninh, Long An, nhân dân Thủ Dầu Một (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu vùng lên diệt nhiều tên tay sai ác ôn, giải phóng hơn 30 xã, phá lỏng thế kìm kẹp nhiều xã khác.
Đồng khởi Tua Hai còn là nhân tố quan trọng góp phần củng cố thắng lợi của phong trào đồng khởi đợt một của tỉnh Bến Tre, đồng thời kích thích mạnh mẽ phong trào của các tỉnh miền Tây - đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 14/9/1960, đồng loạt các tỉnh: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang đứng lên đồng khởi. Tiếp đó, trong ba ngày, từ ngày 23/9 đến 25/9, đồng khởi diễn ra ở tỉnh Tiền Giang và đồng khởi đợt hai của tỉnh Bến Tre.
Cộng hưởng với chiến thắng Tua Hai, phong trào vũ trang cách mạng năm 1960 cũng diễn ra mạnh mẽ ở Liên tỉnh 3, gồm các tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà và các tỉnh Nam Tây Nguyên tiếp giáp với miền Đông Nam bộ. Thắng lợi ở các tỉnh này - trong đó nổi bật nhất, vang dội nhất là chiến thắng Hoà Đức - Bắc Ruộng - đã mở ra nhiều vùng giải phóng rộng lớn, tạo thành hệ thống căn cứ địa liên hoàn, góp phần to lớn trong việc thực hiện chủ trương xây dựng căn cứ địa nối thông hành lang chiến lược Bắc - Nam, là tuyến chi viện của Trung ương đi qua các tỉnh Liên Khu 5 vào Nam bộ.
Những thắng lợi to lớn của quân dân Tây Ninh, và quân dân toàn miền Nam trong cao trào Đồng khởi năm 1960 đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh một phía” của Mỹ-Ngụy, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới.
Phát huy hào khí Đồng khởi Tua Hai, quân dân Tây Ninh cùng quân dân miền Nam và cả nước tiến lên lần lược đánh bại các chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong 10 năm (1975-1985), Đảng bộ Tây Ninh vừa lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ, vừa chiến đấu chống bọn Pôn Pốt - Iêng Xary bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; trấn áp bọn phản động, giữ vững an ninh trật tự trong nội địa; tập trung xây dựng và phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội.
Đồng thời, trong 10 năm, từ 1979 đến 1989, Tây Ninh đã cử nhiều đoàn chuyên gia và tích cực hỗ trợ nhân lực, vật lực sang giúp tỉnh Kongpong Cham của nước bạn Campuchia xây dựng lại chính quyền, tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân. Bằng sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm và sự quan tâm thiết thực của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sự hợp tác tạo điều kiện của chính quyền và nhân dân tỉnh bạn, quân và dân Tây Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần củng cố, vun đắp mối quan hệ láng giềng, đoàn kết hữu nghị vững chắc giữa hai tỉnh nói riêng và hai dân tộc Việt Nam - Campuchia nói chung.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XI) tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo khoa học, sâu sát cơ sở; đẩy mạnh triển khai học tập, quán triệt đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong 2024 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, 9, 10 (khoá XIII), Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 35- CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng…
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết thống nhất, nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2024, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 8%, GRDP bình quân đầu người đạt 4.550 USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 13.158 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 36% GRDP; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 0,07%, tương ứng 237 hộ; số lao động có việc làm tăng thêm là 16.000 lao động, phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, huyện Bến Cầu đạt chuẩn NTM…
Kinh tế - xã hội (KT-XH) duy trì tăng trưởng tương đối tích cực, có khả năng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024, với 15/17 chỉ tiêu ước thực hiện đạt và vượt, 2/17 chỉ tiêu ước thực hiện không đạt. Nổi bật, tổng sản phẩm trong tỉnh ước thực hiện 64.500 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng 6,5% cùng kỳ, đạt hơn 12.240 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu vượt 2% so với kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Du lịch tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH. Năm 2024, khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt khoảng 5,6 triệu lượt khách, tăng 9,7% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.500 tỷ đồng, đạt 108,7% so với kế hoạch, tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, tỉnh tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của ngành y tế, nhất là công tác đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, những vấn đề tài chính trong nội bộ ngành để đảm bảo công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%. Song song đó, tập trung thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công.
Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự được nhân rộng. Quan hệ hợp tác với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia được tăng cường, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên tuyến biên giới.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, bản lĩnh chính trị, tư duy và năng lực lãnh đạo được nâng lên. Năm 2024, toàn tỉnh đã kết nạp 1.315 đảng viên, tăng 141 đảng viên so cùng kỳ, đạt 3,26%/tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh; trong đó 20 đảng bộ xã biên giới kết nạp 134 đảng viên, tăng 18 đảng viên so cùng kỳ. Cấp uỷ các cấp tập trung thực hiện hai nhiệm vụ “phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt”, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; chủ động lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới tư duy, sáng tạo trong triển khai, tổ chức thực hiện.
Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Tua Hai
Chiến thắng Tua Hai có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu bước chuyển quan trọng cách mạng miền Nam đang từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn lực lượng, lên thế tiến công, tổng tiến công để giành thắng lợi, thống nhất nước nhà.
Chiến thắng Tua Hai khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương chỉ đạo chuyển hướng chiến lược của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo và nhạy bén của Xứ ủy Nam bộ và đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam bộ, hoàn thiện phương thức đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam. Đây là cơ sở để Đảng ta củng cố đường lối, phương châm đấu tranh cách mạng hai chân, ba mũi, trong đó xác định đấu tranh vũ trang ngày càng quan trọng, có tính chất quyết định cho thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam. Nghị quyết 15 cũng khẳng định sự hoà hợp, thống nhất giữa ý Đảng - lòng dân trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.
Chiến thắng Tua Hai đã mở đầu cho cao trào Đồng khởi ở Nam bộ, trước hết là miền Đông Nam bộ. Chiến thắng này là phát súng lệnh cho cao trào đồng khởi của đồng bào và các lực lượng vũ trang cách mạng trên toàn miền Nam, chính thức phát động, cổ vũ cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam của quân dân cả nước. Thắng lợi này đã mở ra thời cơ to lớn, vô cùng thuận lợi cho Tây Ninh và toàn Nam bộ vùng dậy, kết hợp giữa phong trào nổi dậy của quần chúng với tiến công của các lực lượng vũ trang, kết hợp 3 mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận, từng bước làm chủ, giải phóng đất đai, mở rộng và nối liền các vùng căn cứ địa cách mạng.
Chiến thắng Tua Hai là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, là thắng lợi của cả một quá trình chuẩn bị mọi mặt, lâu dài, gian khổ của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung. Trận đánh diễn ra vào thời điểm mà nguỵ quyền Sài Gòn tự tin cho rằng cách mạng không thể có đủ tinh thần và lực lượng để tiến hành một cuộc tiến công vũ trang, và càng không thể tiến công vào một cứ điểm quân sự cấp trung đoàn, được trang bị đầy đủ súng ống, phương tiện chiến tranh hiện đại như Tua Hai. Càng không thể tin khi mà ở thời điểm 1960, giữa lúc phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam đang bị đàn áp, khủng bố đến nghẹt thở, nhưng cùng một lúc Tây Ninh có thể huy động đến 300 người tham gia dân công hoả tuyến cho trận đánh Tua Hai. Để có thể huy động được một lực lượng ngoài sức tưởng tượng đó của kẻ thù là cả một quá trình chuẩn bị tâm huyết, kiên trì, lâu dài, sáng tạo của Tây Ninh và miền Đông Nam bộ.
Ý nghĩa của chiến thắng Tua Hai không chỉ giới hạn trong một trận đánh mà vượt qua không gian và thời gian, đi vào lịch sử dân tộc như là một chiến công quân sự và chính trị sáng chói của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Chiến thắng Tua Hai là một cú ra đòn chí mạng, đánh trúng vào tử huyệt của chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền, làm rúng động cả bộ máy kìm kẹp của địch ở Tây Ninh, tạo thành một phản ứng dây chuyền, lung lay cả hệ thống ngụy quyền Sài Gòn.
Khác với hình thức khởi đầu bằng một cuộc nổi dậy đồng loạt của quần chúng nhân dân trong Đồng khởi Bến Tre, đồng khởi Tua Hai là một hình mẫu sáng tạo về phương pháp cách mạng của Xứ uỷ Nam bộ trong phương thức khởi đầu cuộc nổi dậy của quần chúng trên cơ sở kết hợp hỗ trợ đấu tranh của lực lượng vũ trang để chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công. Đó là phương thức khởi đầu bằng một cú đấm quân sự có sức thối động mạnh, thúc đẩy phong trào đấu tranh toàn diện trên toàn Nam bộ, trực tiếp là ở Tây Ninh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Nếu Tây Ninh và miền Đông Nam bộ không có quả đấm quân sự Tua Hai hỗ 10 trợ, thì phong trào nỗi dậy của quần chúng nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn, phong trào đồng khởi sẽ bị chậm trễ, có thể dẫn đến tổn thất lớn.
Chiến thắng Tua Hai năm 1960 tại Tây Ninh cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre báo hiệu giai đoạn ổn định tạm thời vốn được thực hiện bằng súng đạn, lưỡi lê, máy chém và thủ đoạn chính trị mị dân, lừa bịp của chế độ nguỵ quyền tay sai đã hết, bước đường sụp đổ của chế độ này đã bắt đầu.
Chiến thắng Tua Hai mãi là một dấu son chói lọi trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Tây Ninh nói riêng và cả dân tộc ta nói chung. Thắng lợi này mở ra thời kỳ phát triển mới cho cách mạng miền Nam, thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, chuyển cách mạng miền Nam từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, dần đẩy mạnh tiến công và tổng tiến công địch giành thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.