KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH (01/01/1914 - 01/01/2024)

Thứ hai - 01/01/2024 16:00 611 0
Trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng, được Đảng, Quân đội giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trên nhiều cương vị trọng yếu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất, không ngừng cống hiến, hy sinh trọn đời cho lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại cho các thế hệ sau một tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung mẫu mực.
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH (01/01/1914 - 01/01/2024)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/1914 trong một gia đình nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế).

Năm 1933 - 1934, Nguyễn Vịnh được giác ngộ, tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương; tháng 7/1937, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, Đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Cuối năm 1938, Đồng chí bị địch bắt nhưng được thả do không đủ bằng chứng. Giữa năm 1939 đến cuối năm 1941, Đồng chí bị địch bắt lần thứ hai, giam cầm tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo (Quảng Trị) và Nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Đầu năm 1942, Đồng chí đào thoát khỏi Nhà đày Buôn Ma Thuột, bí mật về Quảng Điền, cùng một số đồng chí khác thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên.

Tháng 7/1943, trên đường công tác, Đồng chí bị địch bắt lần thứ ba và đưa trở lại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, Đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng ở Trung Bộ để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (13-15/8/1945), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Ngày 31/8/1945, Hội nghị đại biểu các tỉnh Trung Bộ tại Huế đã quyết định thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Trung Bộ và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Xứ ủy Trung Bộ.

Cuối năm 1946 đến năm 1949, Đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên khu ủy khu IV.

Đầu năm 1950, Đồng chí được phân công phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương, được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2/1950. Tháng 7/1950, Đồng chí được điều động vào Quân đội, giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Chính ủy.

Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại Tuyên Quang, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 7/1951 đến cuối năm 1960, Đồng chí được cử làm Giám đốc Trường Chính trị trung cấp Quân đội, nay là Học viện Chính trị.

Năm 1959, Đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương.

Năm 1961, miền Bắc đang trong quá trình hợp tác hóa mạnh mẽ, nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu, Đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương.

Cuối năm 1964, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ chuẩn bị trực tiếp đưa quân vào xâm lược nước ta, Đồng chí được điều động vào miền Nam công tác, giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam.

Tháng 6/1967, theo yêu cầu của Trung ương, Đồng chí ra Hà Nội để báo cáo tình hình, kế hoạch hoạt động của các chiến trường và nhận thêm chỉ thị mới. Ngày 06/7/1967, đúng vào ngày lên đường trở lại chiến trường miền Nam, Đồng chí đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng.

Do có nhiều đóng góp xuất sắc đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với 53 tuổi đời, hơn 30 năm cống hiến cho Đảng và Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanhmột tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực; một nhà lãnh đạo tài năng; một người con ưu tú của dân tộc; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tác giả: BCXB

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm67
  • Hôm nay14,197
  • Tháng hiện tại162,930
  • Tổng lượt truy cập18,328,801
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây