Cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thứ ba - 13/06/2023 10:45 2.366 0
Thời gian qua, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi và ngày càng đa dạng; đối tượng thường lợi dụng lòng tham, niềm tin hoặc sự sợ hãi của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.
canh bao lua dao tren khong gian mang


Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần đề cao cảnh giác với các hình thức như sau:

1. Lừa giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án:
 
Đối tượng giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện với nạn nhân thông báo có liên quan đến vụ án hình sự, ma túy, rửa tiền… xuyên quốc gia để gây sức ép, dọa nạt làm người dân hoang mang, làm giả các lệnh bắt giam, khởi tố của Cơ quan Công an để đe dọa nạn nhân, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, chứng minh số tiền của bị hại có liên quan đến tội phạm hay không, nếu không sẽ được hoàn trả. Bị hại nghĩ mình không phạm tội nên đã chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp hoặc tài khoản do mình tạo ra rồi cung cấp mã OTP cho đối tượng, sau đó bị chiếm đoạt tiền.

2. Bẫy tình trên mạng xã hội:
 
Đối tượng (thường là người nước ngoài) sử dụng mạng xã hội làm quen với những người Việt Nam có khả năng sử dụng tiếng Anh. Sau một thời gian trao đổi, nói chuyện qua lại và phát sinh tình cảm thì đối tượng nói sẽ đến Việt Nam để du lịch hoặc sinh sống; đồng thời gửi quà tặng hoặc một số tiền lớn về Việt Nam và nhờ bị hại nhận, cất giữ khi đối tượng đến Việt Nam. Nếu bị nghi ngờ thì đối tượng gửi cho bị hại tên của đơn vị vận chuyển, đường link và mật khẩu để theo dõi lịch trình di chuyển của lô hàng. Vài ngày sau, đối tượng khác (thường là người Việt Nam) tự xưng là nhân viên Hải quan, gọi điện thoại cho bị hại nói là lô hàng đã đến sân bay nhưng do bên trong có điện thoại, máy tính, nữ trang, tiền… nên phải đóng phí và yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để đóng phí. Sau khi bị hại đã chuyển tiền đóng phí thì đối tượng tiếp tục đưa ra thêm nhiều lý do để yêu cầu bị hại tiếp tục đóng thêm tiền. Đến khi bị hại nghi ngờ hoặc không còn tiền để đóng phí thì tất cả các đối tượng cắt đứt liên lạc.

3. Kết bạn qua mạng xã hội:
 
Các đối tượng kết bạn qua Facebook, Zalo... giới thiệu là người nước ngoài để làm quen với bị hại rồi thông báo chuyển tiền về Việt Nam để đầu tư, gửi cho, tặng, làm từ thiện… với chiết khấu cao từ 30-40%. Sau đó bố trí các đối tượng giả danh nhân viên sân bay, hải quan, bưu điện, thuế... liên lạc với bị hại thông báo tiền đã chuyển về Việt Nam, phải nộp các loại thuế, lệ phí, cước phí… để có thể nhận tiền từ nước ngoài gửi về, bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng do chúng cung cấp sau đó ngắt liên lạc, chiếm đoạt tiền.

4. Giả danh nhân viên ngân hàng:
 
Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng để gửi tin nhắn, gọi điện thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường, đang bị trừ phí hoặc đăng ký một số dịch vụ mà khách hàng không hề hay biết… dọa khóa tài khoản. Để giải quyết các vấn đề trên, đối tượng hướng dẫn khách hàng truy cập trang web giả mạo ngân hàng, cài đặt ứng dụng do chúng tạo ra nhằm đánh cắp các thông tin tài khoản ngân hàng gồm: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP ngân hàng, rồi chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.

5. Mạo danh công ty tài chính
 
Lợi dụng tâm lý muốn được vay vốn với số tiền lớn, lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn, các đối tượng đã đăng tin cho vay vốn thông qua các ứng dụng, mạng xã hội như (Zalo, Facebook…). Sau khi tiếp cận được nạn nhân, chúng sử dụng sim, tài khoản thuộc các trang mạng xã hội để hướng dẫn thực hiện thủ tục vay thông qua các ứng dụng tài chính online. Tiếp theo, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản mà chúng cung cấp với các lý do như chuyển tiền để chứng minh tài chính, nộp tiền thuế khoản vay, chuyển tiền để bảo đảm hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin; số tiền vay vượt quá định mức vay… Sau khi nạn nhân chuyển tiền thì các đối tượng nhanh chóng rút tiền khỏi tài khoản, khóa sim, cắt đứt liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.

6. Lừa nâng cấp sim 4G:
 
Đối tượng thu thập thông tin cá nhân của bị hại, lợi dụng chính sách dịch vụ của các nhà mạng di động cho phép thuê bao di động được chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác, đối tượng gọi điện cho bị hại giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, đề nghị bị hại nâng cấp sim điện thoại từ sim 3G lên sim 4G, 5G để nâng cao chất lượng… Tiếp đó, đối tượng yêu cầu bị hại nhắn tin theo cú pháp đối tượng đưa ra, thực chất đây là cú pháp để người dùng dịch vụ của các nhà mạng cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại bất kỳ. Sau khi bị hại gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên, bị hại sẽ mất quyền kiểm soát sim vì sim của đối tượng lừa đảo trở thành sim "chính chủ", mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp đến số điện thoại của đối tượng. Từ đó, đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng "quên mật khẩu". Nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến sim điện thoại đối tượng vừa chiếm đoạt từ đó dễ dàng chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân. Cuối cùng, đối tượng chiếm đoạt tiền của nạn nhân trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc sử dụng thông tin của bị hại để vay tiền thông qua các app cho vay trên mạng, dẫn đến bị hại bị nợ các khoản tiền lớn.

7. Tìm “việc nhẹ, lương cao” trên mạng:
 
Các đối tượng mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Sendo, Lazada…) tuyển cộng tác viên làm các nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng tăng tương tác, doanh số… theo các đơn hàng bất kỳ mà chúng gửi, hứa hẹn trả tiền công và lợi nhuận cao từ 10% đến 30%. Sau khi tạo dựng niềm tin cho bị hại bằng một số đơn hàng giá trị nhỏ thanh toán hoa hồng đầy đủ, chúng yêu cầu bị hại thanh toán đơn hàng giá trị lớn hơn, sau đó đưa ra các lý do người cộng tác vi phạm quy định như lỗi sai cú pháp, vượt quá định mức số tiền thanh toán trong ngày, quá hạn… dẫn đến bị khóa tài khoản và yêu cầu bị hại chuyển thêm nhiều lần tiền để bảo lãnh, xác minh tài khoản… thì mới cho rút lại tiền gốc và lãi. Đối tượng đưa bị hại vào tình trạng muốn lấy lại tiền, tiếc tiền nên phải theo cho đến khi hết khả năng thanh toán thì mới biết bị lừa.

8. Lập sàn giao dịch ảo:
 
Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường là người có trình độ về tin học, các loại tiền ảo hoặc là người có uy tín trong lĩnh vực tiền ảo, tạo website, sàn và đồng tiền ảo riêng. Đối tượng tạo ra một hoặc nhiều website, các hội nhóm trên mạng xã hội, tổ chức các sự kiện để dụ dỗ, lôi kéo người chơi với mức lãi suất đầu tư siêu lợi nhuận. Những bị hại tham gia sẽ được hướng dẫn tạo tài khoản để đầu tư trên sàn ngoại hối, sàn chứng khoán, sàn tiền ảo kiếm lời. Trong thời gian đầu, đối tượng sẽ cho các bị hại rút tiền lợi nhuận. Vì thấy kiếm tiền lời nhanh chóng và dễ dàng, các bị hại sẽ tiếp tục đầu tư với số tiền lớn hơn và giới thiệu thêm người tham gia. Đến thời điểm đã đủ số lượng người chơi với số lượng tiền lớn, đối tượng sẽ không cho các bị hại rút tiền từ tài khoản ảo; đồng thời yêu cầu các bị hại tiếp tục nạp tiền vào tài khoản để tiến hành nâng cấp website, sàn… Sau đó, đối tượng đóng băng tài khoản, đánh sập sàn, đưa giá tiền ảo nội bộ do các đối tượng tạo ra tụt dốc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà các bị hại đã nạp vào.

9. Lừa đảo đặt tiệc nhà hàng, quán ăn:
 
Đối tượng gọi điện thoại để đặt tiệc với yêu cầu phải có một loại rượu vang ngoại nhập theo chỉ định. Đối tượng chúng nhắm đến là các nhà hàng, quán ăn. Điều đáng nói, loại rượu ngoại này khá hiếm trên thị trường, chủ nhà hàng (nạn nhân) không tìm mua được, nên đối tượng đã giới thiệu nạn nhân tìm đến người có bán loại rượu mà chúng yêu cầu do đồng bọn đóng vai. Quá trình giao dịch, các đối tượng dụ dỗ nạn nhân nếu thanh toán trước bằng hình thức chuyển khoản hết giá trị đơn hàng, sẽ được hưởng hoa hồng lên đến 40% hoặc tạm ứng trước tiền rượu, sau đó khấu trừ hóa đơn thanh toán tiền tiệc. Do hám lợi và tin tưởng, một số nạn nhân đã chuyển hết số tiền theo chỉ dẫn của đối tượng nhưng sau đó thì không nhận được hàng và cũng không liên lạc được với đối tượng.

10. Chiếm quyền/giả mạo Facebook, Zalo:
 
Đối tượng truy cập vào trang Facebook cá nhân (tài khoản thật) của nhiều người dân, trong đó có lãnh đạo các sở, ngành để lấy hình ảnh cá nhân, sau đó tạo lập một tài khoản Facebook khác (tài khoản giả), với tên tương tự và sử dụng hình ảnh vừa lấy được làm ảnh đại diện, kết bạn với nhiều người trong danh sách bạn bè của tài khoản thật. Từ đây, đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng 2 thủ đoạn:

Đối tượng nhắn tin hỏi thăm, tạo lòng tin với những người vừa kết bạn được để mượn số tiền lớn và yêu cầu gửi tiền vào số tài khoản ngân hàng của một người khác đứng tên chủ tài khoản. Sau khi trò chuyện, tạo lòng tin với những người vừa kết bạn được, đối tượng yêu cầu những người này bình chọn cuộc thi vẽ cho học sinh bằng cách nhấn vào một đường link (chưa rõ) và nhập số điện thoại có sử dụng Zalo vào trang web.

Khi có được số điện thoại, đối tượng yêu cầu những người này cung cấp mã số, gồm 6 số, được gửi qua tin nhắn sim điện thoại (thực chất đây là mã xác thực để kích hoạt, đăng nhập tài khoản Zalo) và tắt điện thoại trong 30 phút để hoàn tất việc bình chọn. Do tin tưởng chủ tài khoản Facebook đang yêu cầu là tài khoản thật, nên nhiều người đã làm theo và bị đối tượng đăng nhập chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo của mình.

Chiếm được quyền sử dụng Zalo, đối tượng nhắn tin với nhiều người trong danh sách bạn bè Zalo để nói chuyện,  hỏi thăm và yêu cầu chuyển tiền cho mượn kèm theo tên chủ tài khoản và số tài khoản ngân hàng của một người khác rồi chiếm đoạt.

11. Mạo danh nhân viên y tế:
 
Các đối tượng tự xưng là nhân viên y tế để gọi điện thoại thông báo về việc con em hoặc người thân bị tai nạn dẫn tới chấn thương sọ não đang nhập viện nên cần tiền để mổ gấp. Đối tượng tạo sự tin tưởng bằng cách thông tin chính xác về tên, tuổi, tên người thân. Tiếp đó, đối tượng chuyển điện thoại đến 1 người tự xưng là bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện để trao đổi, thông tin về tình trạng bệnh, yêu cầu chuyển tiền để mổ cấp cứu gấp. Do tâm lý lo lắng, nhiều nạn nhân không nghi ngờ và đã chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Khi nhận thấy nạn nhân có thái độ tin tưởng và đã thực hiện chuyển tiền, các đối tượng tiếp tục gọi điện thoại thông báo chưa nhận được tiền và yêu cầu chuyển tiền vào một số tài khoản khác rồi chiếm đoạt.

Trước tình trạng đó, người dân hãy cẩn trọng với các cuộc gọi đến từ số điện thoại không quen thuộc, các cuộc gọi yêu cầu bạn cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, số căn cước công dân, thực hiện các giao dịch tài chính như chuyển tiền hoặc mua sản phẩm nào đó. Để bảo vệ mình khỏi các cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại, người dân tuyệt đối:
  • Không bấm vào đường Link lạ.
  • Không chuyển tiền cho bất cứ ai khi chưa biết rõ họ.
  • Không cho mượn, cho thuê, mua bán trái phép các loại giấy tờ cá nhân như: CCCD, CMND, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng
  • Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã xác thực (OTP)) cho người lạ qua điện thoại khi chưa xác thực nội dung.
  • Cơ quan nhà nước không làm việc qua điện thoại, mọi trường hợp gửi giấy triệu tập, lệnh bắt giam phải thông qua Công an xã, phường, thị trấn.
  • Gọi điện xác nhận khi có người nhắn tin mượn tiền.
  • Các cách kiếm tiền “việc nhẹ, lương cao” trên mạng là lừa đảo.
  • Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
CẢNH BÁO PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG 1

Tác giả: Hữu Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay4,252
  • Tháng hiện tại127,891
  • Tổng lượt truy cập18,293,762
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây