Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ hai - 15/05/2023 15:396170
Đó là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 vừa được UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1390/KH-UBND về triển khai Tháng hành động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em", diễn ra từ ngày 01 đến ngày 30/6, dự kiến lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp tỉnh sẽ được tổ chức vào ngày 31/5 tại trung tâm sinh hoạt thiếu nhi tỉnh, cấp huyện từ ngày 25/5/2023 đến 01/6/2023.
Nhằm thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em; Phong trào Olympic quốc tế (23/6/1894-23/6/2023); Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2023) và Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2023). Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và công tác phối hợp giữa các ngành thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình. Đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Tuyên truyền, vận động trẻ em tích cực tập luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí nhằm nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, phát triển toàn diện và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước. Quan tâm, tạo điều kiện và vận động các nguồn lực để trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh.
Các hoạt động trọng tâm trong Tháng hành động, gồm: Tổ chức chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng, chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Truyền thông đồng thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đến từng gia đình, cộng đồng dân cư; đăng tải các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương. Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu, cờ, tranh ảnh, phát video clip về hoạt động thể dục, thể thao và hoạt động bơi an toàn phòng chống, đuối nước tại các địa điểm tổ chức Lễ phát động. Đưa tin về Lễ phát động và các hoạt động thể dục, thể thao, dạy bơi, học bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên các kênh của Đài truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng của ngành và địa phương.
Vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; thăm, tặng quà, học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em mồ côi; xây dựng các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Chỉ đạo việc lập danh sách bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan, giao lưu cho trẻ em với nội dung bổ ích, phù hợp với điều kiện, đặc thù tại địa phương.
Chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã.
Tổ chức kiểm tra, giám sát những trường hợp trẻ em bị bóc lột lao động và có nguy cơ bị bóc lột lao động; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, ngược đãi; giám sát việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và việc thực hiện các chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Chủ động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông cho trẻ em.
Bên cạnh đó, thực hiện phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.