Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: sự chênh lệch trong kết quả đạt được giữa các địa phương trong tỉnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo chưa tập trung và thiếu cụ thể và chưa có sự chú trọng đối với việc khen thưởng các cá nhân điển hình tiên tiến ở cơ sở và cấp huyện. Những hạn chế này cần được khắc phục để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua ở cơ sở.
UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, trường học tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” trong thời gian tới.
Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: tiếp tục thực hiện Kết luận số 54-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND và Kế hoạch số 426/KH-UBND về phát động phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 và các phong trào thi đua chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc việc công nhận gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” và xác định xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần bổ sung tiêu chí “được cấp có thẩm quyền công nhận là gương điển hình tiên tiến để bình xét, khen thưởng trong thực hiện Phong trào thi đua.
Tập trung xây dựng chương trình và kế hoạch triển khai phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp, quan trọng là tập trung đổi mới tư duy, phương pháp và cách thức lãnh đạo để đảm bảo thiết thực và hiệu quả.
Các mục tiêu trọng tâm của phong trào thi đua bao gồm: phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đầu tư hạ tầng phát triển thương mai, dịch vụ, du lịch, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, tập trung triển khai kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp và triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, tạo nguồn lực để thực hiện và giao quyền tự chủ cho Nhân dân. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và có giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn ngay từ cơ sở.
Thực hiện công tác khen thưởng, đánh giá, sơ kết, tổng kết để động viên và biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt; chấn chỉnh và khắc phục những nội dung yếu kém. Việc biểu dương và khen thưởng phải được thực hiện kịp thời, công khai và dân chủ, chú trọng đến những người làm trực tiếp, mô hình điển hình và gương mẫu để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và toàn xã hội.
Hữu Thành