1. Giữ tập trung trong khi lái xe
Trên 70% các vụ TNGT xảy ra do nguyên nhân các lái xe không tập trung vào việc điều khiển xe. Các yếu tố chủ quan cũng như khách quan ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình điều khiển phương tiện, quan trọng là bạn phải biết hạn chế chúng và tập trung tối đa vào việc lái xe.
Hiện nay tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng điện thoại di động đang rất phổ biến, việc sử dụng ĐTDĐ để nhắn tin, nghe nhạc vẫn đang diễn ra. Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm bởi vì người điều khiển phương tiện sẽ bị phân tâm dẫn đến khi có tình huống bất ngờ xảy ra sẽ không kịp xử lý và dẫn đến TNGT. Căn cứ Nghị Định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Người điều khiển xe vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt như sau:
- Xe mô tô: Phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 01 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Xe ô tô: Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
* Trong trường hợp gây TNGT thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
2. Không lái xe sau khi uống rượu bia
- Rượu, bia có ảnh hưởng rất lớn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nếu sử dụng quá nồng độ quy định sẽ gây triệu chứng buồn ngủ, mất khả năng phán đoán xử lý tình huống (trung bình 01 người uống rượu bia điều khiển phương tiện phải mất từ 05 đến 07 giây để xử lý tình huống trong khi đối với người bình thường là từ 01 đến 02 giây). Mặt khác đối với một số người khi sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định khi tham gia giao thông sẽ dể rơi vào trạng thái kích thích dẫn đến các hành vi như: chạy quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng… Đây là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT.
- Quy định về nồng độ cồn đối với người lái xe, Luật GTĐB năm 2008 quy định: Nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Người điều khiển xe ô tô vi phạm về nồng độ cồn thì mức tiền xử phạt thấp nhất là 06 triệu đồng và cao nhất là 40 triệu đồng; người điều khiển xe mô tô vi phạm về nồng độ cồn thì mức tiền xử phạt thấp nhất là 02 triệu đồng và cao nhất là 08 triệu đồng, ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đến 24 tháng và bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày.
3. Nắm vững quy định của Luật giao thông đường bộ
- Đây là điều kiện bắt buộc mà bất cứ lái xe nào cũng phải chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và những người tham gia giao thông khác. Việc nắm vững những quy định của Luật giao thông đường bộ sẽ giúp các lái xe đưa ra những tình huống xử lý chính xác nhất.
- Thông qua việc hiểu rõ hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển báo hiệu lệnh, biển báo chỉ dẩn, biển báo phụ) các lái xe sẽ chủ động hơn, tự tin hơn trong quá trình điều khiển phương tiện.
- Việc hiểu biết và chấp hành tốt các quy tắc khi tham gia giao thông là thể hiện “văn hóa giao thông”, sự văn minh trong cuộc sống hiện đại và góp phần đảm bảo tình hình về TTATGT.
4. Sử dụng đèn xi-nhan, còi, đèn pha/cốt, tín hiệu khẩn cấp...
- Người điều khiển xe chỉ nên dùng còi để cảnh báo các lái xe khác về sự hiện diện của mình trong các trường hợp cần thiết như: xin vượt, xin đường, cảnh báo nếu thấy nguy hiểm mà người khác không nhận ra. không nên sử dụng còi một cách “nóng nảy”, bấm còi liên tục và quá to, điều này sẽ làm người đi xe máy bị giật mình và tai nạn có thể xảy ra.
- Khi muốn chuyển hướng, các lái xe phải bật đèn xi-nhan đủ lâu để các phương tiện khác nhận biết và xử lý tình huống thật an toàn, phải chú ý giảm tốc độ và nhường đường cho các xe đi ngược chiều. Đối với xe ôtô khi đi trong thành phố, tốt nhất nên hạ một chút cửa kính bên tài xuống để nghe được các tín hiệu âm thanh xung quanh, điều này tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại mang lại hiệu quả lớn giúp lái xe an toàn hơn.
5. Lái xe trong điều kiện mưa gió
Khi có mưa thì bạn nên bật đèn, giảm tốc độ, chú ý quan sát đặc biệt khi chuyển hướng qua đường, qua các giao lộ,... Đường mưa sẽ rất trơn, trượt do đó kinh nghiệm lái xe an toàn trong điều kiện này là bạn phải xử lý phanh, đánh lái, xi-nhan sớm hơn, giữ khoảng cách xa hơn với xe cùng chiều, đối với ô tô dùng gạt mưa và sấy kính với chế độ phù hợp để có tầm nhìn tốt nhất.
6. Một số kỹ năng khi lái xe
6.1. Chuyển hướng xe:
- Xe mô tô: khi muốn chuyển hướng người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, mở đèn xi nhan hoặc báo hiệu cho phương tiện tham gia giao thông phía trước và phía sau biết, đánh mặt ngang vai quan sát phía sau, khi đảm bảo an toàn rồi cho xe chuyển hướng từ từ qua đường. Khi chuyển hướng xe, hãy luôn nhớ bật đèn báo trước cho các phương tiện khác một thời gian cần thiết trước khi bạn cho xe chuyển hướng, không mở đèn xi nhan rồi chuyển hướng ngay. Chú ý không để xi nhan hoạt động khi không có ý định chuyển hướng, vì điều này sẽ gây hiểu lầm cho những người khác trên đường.
- Xe ô tô: thực hiện động tác như xe mô tô nhưng đối với xe ô tô người điều khiển phải quan sát gương chiếu hậu, phương tiện lưu thông của hướng ngược lại, khi đảm bảo an toàn cho xe chuyển hướng.
6.2. Phanh khẩn cấp
- Xe mô tô: khi gặp tình huống đột xuất, bất ngờ, người điều khiển xe muốn phanh xe khẩn cấp phòng tránh va chạm cần phải thực hiện đúng kỹ năng phanh như sau: Về hết ga thật nhanh, phanh cả 2 phanh cùng một lúc, phanh từ từ và tăng dần lực phanh lên tới khi dừng hẳn. Khi xe đã dừng hẳn: Chống chân trái xuống đất, chân phải giữ phanh.
Chú ý: khi cần phanh khẩn cấp chúng ta không nên chỉ sử dụng phanh trước hoặc phanh sau, vì nếu chỉ sử dụng phanh trước xe sẽ bị ngã do bánh trước bị bó lại đột ngột, nếu chỉ sử dụng phanh sau thì phương tiện không dừng lại ngày mà sẽ bị trượt trên đường khi phanh (Nên phanh bánh trước mạnh hơn bánh sau một chút để đạt hiệu quả phanh tối đa).
- Khi đang chạy trên đoạn đường trơn do trời mưa hoặc mặt đường có nhiều đất cát, sỏi đá: cần phải phanh nhẹ hơn vì lực bám giữa bánh xe và mặt đường rất thấp dẫn tới khóa bánh và đổ xe.
6.3. Mở cửa xe
Lên xuống xe là một việc rất đơn giản, tuy nhiên nếu mở cửa xe không cẩn thận có thể dẫn đến va chạm. Khi xuống xe, nếu không chú ý quan sát an toàn phía sau thì sẽ rất nguy hiểm cho các phương tiện khác đang tham gia giao thông. Để phòng tránh va chạm và lên xuống xe một cách an toàn cho mình và người khác, vì vậy khi xuống xe chúng ta cần:
- Kiểm tra an toàn phía sau bằng cách quan sát qua gương chiếu hậu (quan sát gương chiếu hậu trong xe và gương 2 bên sườn xe), quay đầu lại phía sau để kiểm tra an toàn bằng mắt thường, mở hé cửa và dừng lại, quay đầu lại phía sau để quan sát. Sau đó mở cửa xe đủ rộng để xuống xe, nhanh chóng ra khỏi xe và đi về phía đuôi xe.
- Lái xe nên nhắc nhở hành khách kiểm tra an toàn phía sau trước khi mở cửa và tốt nhất lái xe nên mở cửa cho hành khách của mình.
6.4. Giữ khoảng cách an toàn: Giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền phía trước là việc quan trọng khi điều khiển xe trên đường nhằm phòng tránh va chạm có thể xảy ra. Khi chúng ta chạy quá gần với xe phía trước, khi đó chúng ta sẽ không có đủ thời gian để có thể đưa ra những phản ứng kịp thời với thay đổi từ xe phía trước, ví dụ khi xe phía trước phanh gấp, bạn cũng sẽ phải phanh, nhưng nếu bạn đi quá gần thì khoảng cách giữa xe bạn với xe phía trước không đủ để bạn có quãng đường phanh an toàn và có thể dừng xe kịp thời, do đó bạn sẽ va chạm với xe phía trước.
Trên đây là một số kinh nghiệm để các lái xe có thể vận dụng vào thực tế trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho bản thân mình và người tham gia giao thông khác.
MN (trích lược nội dung từ tài liệu tuyên truyền Luật giao thông đường bộ)