Nội dung cơ bản của Bộ Luật Lao động năm 2019

Thứ sáu - 23/08/2024 14:12 792 0
Bộ luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23/6/1994 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/1995. Trải qua nhiều năm hình thành và áp dụng trong cuộc sống, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về lao động. Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08/6/2018 của Quốc hội khóa 14 , Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và ngày 20 tháng 11 năm 2019, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 với số phiếu biểu quyết tán thành là 90,06%. Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, thay thế Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13.

Bộ luật Lao động năm 2019 có 17 chương với 220 điều, giảm 22 điều so với Bộ luật Lao động năm 2012.
 

Chương I: Những quy định chung từ Điều 01 đến Điều 08quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về lao động; quyền và nghĩa vụ của người lao động; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động và các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động.
 

Chương II: Việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động từ Điều 9 đến Điều 12quy định về việc làm, giải quyết việc làm; quyền làm việc của người lao động; tuyển dụng lao động và trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động
 

Chương III: Hợp đồng lao động từ Điều 13 đến Điều 59 gồm 05 mục, cụ thể:
 

Mục 1: Giao kết hợp đồng lao động quy định về hợp đồng lao động; hình thức hợp đồng lao động; nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động; nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động; hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động; thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động; giao kết nhiều hợp đồng lao động; loại hợp đồng lao động; nội dung hợp đồng lao động; phụ lục hợp đồng lao động; hiệu lực của hợp đồng lao động; thử việc; thời gian thử việc; tiền lương thử việc và kết thúc thời gian thử việc.
 

Mục 2: Thực hiện hợp đồng lao động quy định về thực hiện công việc theo hợp đồng lao động; chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; làm việc không trọn thời gian và sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
 

Mục 3: Chấm dứt hợp đồng lao động quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động; trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; phương án sử dụng lao động; thông báo chấm dứt hợp đồng lao động; trợ cấp thôi việc; trợ cấp mất việc làm và trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động.
 

Mục 4: Hợp đồng lao động vô hiệu quy định về những trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu; thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng lao động vô hiệu.

Mục 5: Cho thuê lại lao động quy định về những trường hợp cho thuê lại lao động; nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động; doanh nghiệp cho thuê lại lao động; hợp đồng cho thuê lại lao động; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động; quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động; quyền và nghĩa vụ của người lao động thuê lại.

Chương IV: Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề từ Điều 59 đến Điều 62quy định về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề; trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động và hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề.
 

Chương V: Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể từ Điều 63 đến Điều 89 gồm 03 mục, cụ thể:
 

Mục 1: Đối thoại tại nơi làm việc quy định về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc và nội dung đối thoại tại nơi làm việc.
 

Mục 2: Thương lượng tập thể quy định về những trường hợp thương lượng tập thể; nguyên tắc thương lượng tập thể; nội dung thương lượng tập thể; quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp; đại diện thương lượng tập thể tại doanh nghiệp; quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp; thương lượng tập thể không thành; thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia; thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thông qua Hội đồng thương lượng tập thể và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thương lượng tập thể.
 

Mục 3: Thỏa ước lao động tập thể quy định về thỏa ước lao động tập thể; lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể; gửi thỏa ước lao động tập thể; hiệu lực và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể; thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; thực hiện thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp; quan hệ giữa thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể; thỏa ước lao động tập thể hết hạn; mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp; gia nhập và rút khỏi thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp; thỏa ước lao động tập thể vô hiệu; thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu; xử lý thỏa ước lao động tập thể vô hiệu và chi phí thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
 

Chương VI: Tiền lương từ Điều 90 đến Điều 104quy định về tiền lương; mức lương tối thiểu; hội đồng tiền lương quốc gia; xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động; nguyên tắc trả lương; trả lương; hình thức trả lương; kỳ hạn trả lương; tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; tiền lương ngừng việc; trả lương thông qua người cai thầu; tạm ứng tiền lương; khấu trừ tiền lương; chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và thưởng.
 

Chương VII: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi từ Điều 105 đến Điều 116 gồm 03 mục, cụ thể:
 

Mục 1: Thời giờ làm việc quy định về thời giờ làm việc bình thường; giờ làm việc ban đêm; làm thêm giờ và làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt.
 

Mục 2: Thời giờ nghỉ ngơi quy định về nghỉ trong giờ làm việc; nghỉ chuyển ca; nghỉ hằng tuần; nghỉ lễ, tết; nghỉ hằng năm; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc và nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.
 

Mục 3: Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt.

Chương VIII: Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất từ Điều 117 đến Điều 131gồm 02 mục, cụ thể:
 

Mục 1: Quy định về kỷ luật lao động; nội quy lao động; đăng ký nội quy lao động; hồ sơ đăng ký nội quy lao động; hiệu lực của nội quy lao động; nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động; thời hiệu xử lý kỷ luật lao động; hình thức xử lý kỷ luật lao động; áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải; xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động; các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động và tạm đình chỉ công việc.
 

Mục 2: Trách nhiệm vật chất quy định về bồi thường thiệt hại; xử lý bồi thường thiệt hại và khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
 

Chương IX: An toàn, vệ sinh lao động từ Điều 132 đến Điều 134quy định về tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chương trình an toàn, vệ sinh lao động và bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
 

Chương X: Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới từ Điều 135 đến Điều 142quy định về chính sách của Nhà nước; trách nhiệm của người sử dụng lao động; bảo vệ thai sản; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; nghỉ thai sản; bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản; trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.
 

Chương XI: Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác từ Điều 143 đến Điều 167 gồm 06 mục, cụ thể:
 

Mục 1: Quy định về lao động chưa thành niên; nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên; sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc; thời giờ làm việc của người chưa thành niên; công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
 

Mục 2: Quy định về người lao động cao tuổi và sử dụng người lao động cao tuổi.
 

Mục 3: Quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động; thời hạn của giấy phép lao động; các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động, giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
 

Mục 4: Lao động là người khuyết tật quy định về chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật; sử dụng lao động là người khuyết tật và các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật.
 

Mục 5: Quy định về lao động là người giúp việc gia đình; hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình; nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình; nghĩa vụ của lao động là người giúp việc gia đình và các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động
 

Mục 6: Một số lao động khác quy định về người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao, hàng hải, hàng không và người lao động nhận công việc về làm tại nhà.
 

Chương XII: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ Điều 168 đến Điều 169quy định về tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tuổi nghỉ hưu.
 

Chương XIII: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở từ Điều 170 đến Điều 178quy định về quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; công đoàn cơ sở thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; ban lãnh đạo và thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; quyền của thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong quan hệ lao động.
 

Chương XIV:  Giải quyết tranh chấp lao động từ Điều 179 đến Điều 211 gồm 05 mục, cụ thể:


Mục 1: Những quy định chung về giải quyết tranh chấp lao động quy định về tranh chấp lao động; nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động; quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động; quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động; hòa giải viên lao động; hội đồng trọng tài lao động và cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được giải quyết.
 

Mục 2: Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân; trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động; giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động và thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
 

Mục 3: Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền; trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền; gải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động và thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.


Mục 4: Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động


Mục 5: Quy định về đình công; trường hợp người lao động có quyền đình công; trình tự đình công; lấy ý kiến về đình công; quyết định đình công và thông báo thời điểm bắt đầu đình công; quyền của các bên trước và trong quá trình đình công; trường hợp đình công bất hợp pháp; thông báo quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc; trường hợp cấm đóng cửa tạm thời nơi làm việc; tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác của người lao động trong thời gian đình công; các hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công; nơi sử dụng lao động không được đình công; quyết định hoãn, ngừng đình công và xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục.
 


Chương XV: Quản lý Nhà nước về lao động từ Điều 212 đến Điều 213 quy định về nội dung quản lý nhà nước về lao động và thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động.
 

Chương XVI: Thanh tra lao động, xử lý vi phạm pháp luật về lao động từ Điều 214 đến Điều 217quy định về nội dung thanh tra lao động; thanh tra chuyên ngành về lao động; quyền của thanh tra lao động và xử lý vi phạm


Chương XVII: Điều khoản thi hành từ Điều 218 đến Điều 220quy định về miễn, giảm thủ tục đối với trường hợp sử dụng dưới 10 lao động; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến lao động và hiệu lực thi hành.

Tác giả: Huỳnh Văn Xô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập145
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay4,874
  • Tháng hiện tại90,830
  • Tổng lượt truy cập18,457,701
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây