Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ hai - 18/09/2023 10:424570
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản liên quan đến quản lý chất thải, trong đó có giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa; thúc đẩy tái chế nhựa; hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT có nhiều quy định mới về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải để triển khai thống nhất trên cả nước, cụ thể như: Lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; quy định tiêu chí và chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường (trong đó có túi ni lông thân thiện với môi trường); quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì thuộc danh mục quy định phải tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc (trong đó có sản phẩm nhựa); quy định về phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải; chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường; khuyến khích việc tái sử dụng chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn.
Trước đó, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010 đã quy định túi ni lông không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường (mức thuế 50.000 đồng/kg). Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện thu thuế đối với túi ni lông khó phân hủy hoặc xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định của pháp luật về thuế. Việc tăng thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nhựa được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và tài chính. Đây là chính sách quan trọng để các cơ sở sản xuất có kế hoạch chuyển đổi mô hình sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy sinh học.
Hàng loạt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chất thải rắn, giảm thiểu chất thải nhựa như: Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Quyết định số 175/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025… đều nêu rõ và yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa.
Hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường đã khá hoàn thiện, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động cụ thể về sản xuất, kinh doanh, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa như hỗ trợ về đất đai; vốn đầu tư; ưu đãi về thuế, phí và lệ phí. Tuy nhiên, các cơ chế cụ thể thu hút các ngành, nghề sản xuất, tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và theo quy định của chính quyền địa phương. Chính vì vậy, để bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, hướng tới tiêu dùng xanh cần sự chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp và người dân.