Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, khoảng 30% nguồn nước mặt và 20% nguồn nước ngầm trong tỉnh đang bị ô nhiễm ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ bệnh tật và gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái tự nhiên.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh là do sự thiếu kiểm soát trong các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt hàng ngày. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu một cách bừa bãi đã khiến các chất độc hại dư thừa ngấm sâu vào lòng đất, làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm và nước mặt. Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp trong tỉnh đã xả thải mà không qua xử lý hoặc xử lý không đạt chuẩn trực tiếp ra sông ngòi, kênh rạch, gây ra sự ô nhiễm nặng nề cho các nguồn nước. Ngoài ra, rác thải sinh hoạt và chất thải từ các hộ gia đình cũng không được xử lý đúng cách, cùng theo đó là việc xả rác bừa bãi đã góp phần khiến các dòng sông và hồ nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ô nhiễm nguồn nước tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Từ việc tiêu thụ nước nhiễm bẩn có thể dẫn đến các bệnh như: viêm đường ruột, ngộ độc và các bệnh da liễu. Đặc biệt, trong những trường hợp nghiêm trọng, nước ô nhiễm có thể gây ra các bệnh mãn tính và ung thư. Không chỉ ảnh hưởng đến con người, ô nhiễm nước còn gây ra cái chết hàng loạt cho các loài sinh vật thủy sinh, làm mất cân bằng hệ sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học. Hậu quả là các loài cá, tôm, và các sinh vật khác không thể sinh trưởng và phát triển, dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng trong ngành nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, ô nhiễm nước cũng làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho bà con nông dân.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước, chúng ta cần thực hiện một loạt các biện pháp đồng bộ và hiệu quả. Trước tiên, cần tăng cường quản lý và giám sát các nguồn thải, đặc biệt là từ các khu công nghiệp và các hoạt động nông nghiệp. Các cơ quan chức năng cần thực hiện kiểm tra định kỳ và giám sát chặt chẽ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe và ngăn chặn các hành vi xả thải không đúng quy định. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước cũng là một giải pháp thiết yếu. Người dân cần hiểu rõ rằng, bảo vệ nguồn nước không chỉ là bảo vệ sức khỏe của chính mình mà còn là bảo vệ môi trường sống cho thế hệ mai sau.
Khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình ứng dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Các giải pháp công nghệ này không chỉ giúp làm sạch nguồn nước mà còn có thể tái sử dụng nước thải cho các mục đích khác, giúp tiết kiệm tài nguyên nước. Đồng thời, việc tổ chức các hoạt động làm sạch sông ngòi, kênh rạch với sự tham gia của toàn thể cộng đồng cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường.
Ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nghiêm trọng và đòi hỏi sự chung tay hành động của toàn xã hội. Mỗi người chúng ta hãy cùng nhau góp phần bảo vệ nguồn nước, giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho bản thân và thế hệ mai sau. Chỉ khi tất cả chúng ta cùng hành động, vấn đề ô nhiễm nguồn nước mới có thể được giải quyết một cách triệt để và bền vững.
Tác giả: Huỳnh Văn Xô
Ý kiến bạn đọc