Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm
Cụ thể, tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 48 ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Trong đó, thực hiện toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác bảo đảm TTATGT; phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.
Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT cấp huyện đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Cụ thể hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của Trung ương đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện…phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến đường thủy nội địa.
Khai thác lợi thế của vận tải đường thủy nội địa, nâng cao thị phần vận tải đường thủy nội địa chia sẻ với đường bộ; nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng, trong đó tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai Công văn số 2273 ngày 19/7/2022 tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh tập trung tuần tra, kiểm ta và xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh; trong đó, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện trên các tuyến đường giao thông, đặc biệt là các tuyến đường giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã).
Duy trì thường xuyên các lượng lượng kiểm tra, xử lý các tuyến đường nhánh gần khu vực Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động nhằm tăng hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, nhất là các tuyến đường: ĐT.781 (đoạn từ UBND huyện Dương Minh Châu đến Đập Chính), đường ĐT.781B (từ ngã ba Bờ Hồ đến ngã tư Tân Hưng), ĐT.784B (đường qua Rừng lịch sử huyện Dương Minh Châu), ĐT.789, đường Xóm Bố - Bàu Đồn...Thông tin kịp thời các trường hợp phương tiện vi phạm chở quá tải cát khu vực Dầu Tiếng đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu xử lý theo thẩm quyền.
Sở Giao thông vận tải tiếp tục triển khai kế hoạch chuyên đề, kế hoạch cao điểm về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ, kích thước thùng xe. Duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động 24/24 tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, kiên quyết không để xe vượt trạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kết hợp sử dụng cân xách tay tuần tra, kiểm tra, xử lý các tuyến đường nhánh gần khu vực trạm cân, khắc phục tình trạng phương tiện né tránh Trạm.
Tổ chức cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, chủ cảng, bến, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa cam kết không xếp hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép, quá khổ giới hạn lên phương tiện ô tô khi tham giao thông trên đường bộ.
Chủ động, phối hợp với các lực lượng chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cảnh sát giao thông và các lực lượng của địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra trên các đường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm về tải trọng phương tiện theo kế hoạch của các đơn vị.
Chủ động, phối hợp với Công ty Cổ phận Đăng kiểm Tây Ninh thành lập các tổ công tác thực hiện khảo sát, ghi lại bằng hình ảnh các xe ô tô vận tải có dấu hiệu vi phạm về kích thước thành thùng xe, làm việc với các doanh nghiệp để xử lý các phương tiện vi phạm (nếu có) hoặc cảnh báo hệ thống đăng kiểm.
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát khối lượng tại các mỏ khai thác, bãi tập kết theo quy định của Luật khoáng sản, Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ (trong đó, mỗi phương tiện xuất bãi điều có phiếu cân riêng) và đảm bảo đường truyền thông tin đến cơ quan, đơn vị để phối hợp kiểm tra. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc không chấp hành.
Phối hợp Sở GTVT tổ chức cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh ký cam kết không chất hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện ngay khi xuất bãi và lưu thông trên đường.
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh: tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế, Khu Chế xuất chấp hành nghiêm các quy định của pháp về TTATGT và ký cam kết không xếp hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép, quá khổ giới hạn lên phương tiện ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Các Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng chỉ đạo các nhà thầu thi công xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông trong thi công (có nội dung cam kết vận chuyển hàng hóa, vật liệu phục vụ xây dựng công trình không được vượt quá tải trọng cho phép), nếu vi phạm ngoài việc bị xử phạt theo quy định, còn phải xem tiêu chí (điểm trừ) trong hồ sơ tham gia đấu thẩu các dự án khác trên địa bàn tỉnh.
Công ty Cổ phần Đăng kiểm Tây Ninh thực hiện nghiêm việc kiểm định ô tô, rơ móoc; đặc biệt kích thước thùng hàng của phương tiện khi kiểm định. Tăng cường phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm tra và xử lý các phương tiện cơi nới thành thùng tham gia giao thông.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện chở hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép trên địa bàn. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn thực hiện các quy định khi tham gia giao thông về: tải trọng phương tiện; kích thước thùng xe, không để vật liệu rơi vãi, hàng hóa cồng kềnh,…không bảo đảm an toàn giao thông.