Trên 43.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Tây Ninh hiện có trên 43.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách khác. Trong đó, 83 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 209 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; 1.467 Mẹ Việt Nam anh hùng; 33 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 1.209 thương binh, bệnh binh; 11.098 hồ sơ liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; 1.408 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 521 người là con đẻ của Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 969 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 1.792 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; 5.262 người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huân, Huy chương kháng chiến…
Từ năm 2021 đến nay, Tây Ninh đã xác nhận, công nhận người hưởng chính sách ưu đãi người có công cho 136 trường hợp. Trong đó, chi trả trợ cấp hàng tháng cho 93 trường hợp, trợ cấp 01 lần cho 33 trường hợp và cơ bản không còn hồ sơ người có công tồn đọng. Đến thời điểm hiện nay, có gần 8.000 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên với số tiền trên 15 tỷ đồng/tháng.
Ngoài ra, tỉnh vận động từ nguồn xã hội hóa để chăm lo hỗ trợ nhà tình nghĩa cho người có công (xây mới 66 căn, sửa chữa 63 căn) và hiện có 25 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng hàng tháng...
Không có hộ người có công thuộc hộ nghèo
Trong các dịp lễ, tết, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: họp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng với tổng số tiền trên 67 tỷ đồng,...Đặc biệt, hiện nay, toàn tỉnh đã có 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú (không còn hộ người có công thuộc hộ nghèo).
Thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm tri ân sự hy sinh cống hiến của người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tổ chức 19 đoàn lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà 190 gia đình chính sách người có công; thăm 02 thương binh nặng quê Tây Ninh hiện đang ở Trung tâm Điều dưỡng Người có công Long Đất Bà Rịa - Vũng Tàu; trao tặng áo lụa và quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng; đưa người có công dự Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại Hà Nội. Tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ; Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước; tiếp tục triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và các biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm giúp người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chính sách ưu đãi
Tập trung tu bổ, sửa chữa nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh công tác rà phá bom mìn, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/PL-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 về ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi khác; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Tăng cường chỉ đạo và kiểm tra việc chi trả, giải quyết đầy đủ kịp thời các chế độ đối với người có công, tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công từ huyện, thành phố đến cơ sở; ngăn ngừa và xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công...
Có thể nói, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân tỉnh nhà đặc biệt quan tâm; hệ thống chính sách cho người có công ngày càng được hoàn chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, cũng như từng địa phương, tạo được những chuyển biến và kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
PHÒNG NGƯỜI CÓ CÔNG
Tác giả: Nguyệt Nguyễn Thị
Ý kiến bạn đọc