Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về tội phạm trên không gian mạng đã được các cấp, các ngành tiến hành thường xuyên, song hiệu quả đạt được chưa cao, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức và doanh nghiệp; chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, còn một bộ phận người dân, cán bộ, đảng viên nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, mất cảnh giác… là cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trên không gian mạng. Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhằm vào nhiều nhóm đối tượng, bao gồm: người già, thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động, nhân viên công sở… với những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục đích tạo lòng tin, đánh cắp thông tin, sau đó thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, thời điểm cuối năm sẽ là thời gian các đối tượng thường lợi dụng để gia tăng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật; trong đó, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông dự báo diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội phạm mới, tinh vi hơn.
Trước tình hình trên, ngày 29/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4297/UBND-NC về việc tăng cường tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung cụ thể như sau:
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát“Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng” do Bộ Công an phát động. Trọng tâm là tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động và quần chúng nhân dân trên địa bàn về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm thông qua mạng viễn thông, internet. Từ đó, trang bị kiến thức, cảnh báo nhận biết phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng để cảnh giác, có ý thức tự phòng tránh, tự bảo vệ tài sản và tố giác tội phạm khi phát hiện nghi vấn hoạt động phạm tội.
Công an tỉnh: Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng; chủ động phát hiện, xử lý các đối tượng, đường dây, băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kịp thời thông báo phương thức, thủ đoạn, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mạng. Phối hợp các sở, ban, ngành chức năng, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; công khai kết quả đấu tranh, xử lý các vụ việc, đối tượng vi phạm pháp luật trên không gian mạng nhằm răn đe, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân. Thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu, các bài viết, tờ rơi, áp phích... để phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, nhất là khu vực đông dân cư, Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, công ty, doanh nghiệp... và trên các nền tảng mạng xã hội.
Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông; trao đổi các nhà mạng thường xuyên cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội trên không gian mạng đến các thuê bao di động; có giải pháp trong công tác quản lý số thuê bao di động chính chủ, dần loại bỏ sim rác, không chính chủ; kịp thời phối hợp lực lượng Công an xác minh địa chỉ IP thuê bao mạng và cung cấp thông tin liên quan thuê bao viễn thông khi có yêu cầu, phục vụ truy xét tội phạm; kịp thời phối hợp lực lượng Công an xác minh địa chỉ IP thuê bao Internet và cung cấp thông cung cấp thông tin liên quan thuê bao viễn thông khi có yêu cầu phục vụ truy xét tội phạm. Phát triển các website, trang mạng xã hội, tài khoản trên môi trường mạng an toàn, nhiều tương tác để tuyên truyền, định hướng thông tin, dư luận và phản bác hiệu quả các thông tin tiêu cực. Phối hợp Công an tỉnh triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng không gian mạng.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo, triển khai 100% các trường học, cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về những nguy cơ tác hại, thông tin xấu, độc trên không gian mạng; phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao phù hợp với chương trình học, lứa tuổi, bậc học… Thường xuyên cập nhật thông tin, tài liệu về tội phạm trên không gian mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên qua các hình thức phù hợp như: bảng thông báo, bảng điện tử, áp phích… để tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh nâng cao cảnh giác với thủ đoạn phạm tội trên không gian mạng.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Rà soát và có biện pháp xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng hoạt động quảng cáo, đăng biển hiệu kinh doanh có lồng ghép các nội dung quảng cáo cho các công ty cá cược, nhà cái nước ngoài… theo đúng quy định của pháp luật.
Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh: Tăng thời lượng, tầng suất phát các tin, bài, chuyên đề, phóng sự tuyên truyền tạo sức lan tỏa, rộng khắp tới người dân về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng như: website, các trang fanpage, ứng dụng thông tin điện tử... nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn phạm tội trên không gian mạng, nhất là “hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để mọi người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng không để đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh: Chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quản lý chặt việc mở tài khoản, nhất là tài khoản online. Thiết lập cơ chế phối hợp phản ứng nhanh với lực lượng Công an, kịp thời trao đổi thông tin liên quan, phong tỏa tài khoản giúp lực lượng Công an trong xác minh, truy tìm, truy xét nhanh dòng tiền, ngăn chặn tối đa thiệt hại tài sản cho người dân. Có hình thức tuyên truyền, cảnh báo về các thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao tại các phòng giao dịch, trên các ứng dụng ngân hàng, qua internet banking. Qua đó, chủ động nhận biết, hướng dẫn, giải thích cho khách hàng không thực hiện các hoạt động giao dịch nghi vấn liên quan lừa đảo.
Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải: Tổ chức tuyên truyền cho doanh nghiệp, người lao động về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng và cách phòng, chống dưới các hình thức phù hợp với đặc điểm từng cơ quan, đơn vị. Trọng tâm tại các khu vực đông dân cư, công ty, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, phương tiện giao thông công cộng, bến xe… Vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật.
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi tỉnh: Tăng cường tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và nhân dân; thông qua đó, tuyên truyền cho gia đình, quần chúng nhân dân tại địa bàn dân cư nâng cao nhận thức, kỹ năng tự phòng ngừa, cảnh giác đối với tội phạm trên không gian mạng. Chỉ đạo các cấp cơ sở trực thuộc tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia tuyên truyền, tích cực tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, internet, mạng viễn thông, di động...
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp tuyên truyền sâu rộng đến tận ấp, khu phố, tổ dân cư, tổ tự quản và người dân về phương thức, thủ đoạn vi phạm pháp luật trên không gian mạng dưới mọi hình thức. Tập trung chỉ đạo các ban, ngành chức năng tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, sinh động trên pano, áp phích, khẩu hiệu tại các địa điểm tiếp công dân, khu dân cư, nơi công cộng, trên đài truyền thanh cấp huyện, trong các buổi sinh hoạt, học tập cộng đồng. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội để tự nâng cao cảnh giác, ý thức của người dân đối với tội phạm, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.