Theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường, trong đó có khoảng 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy, ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật,…
Nhận thức được tính chất nguy hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và văn bản pháp quy nhằm giảm thiểu rác thải nhựa; bên cạnh đó là đẩy mạnh thực thi các giải pháp mang tính tuyên truyền, cổ động các phong trào tiêu dùng xanh để nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, thúc đẩy việc sử dụng nhựa một lần; tăng cường tái chế, tái sử dụng, cải thiện hệ thống thu gom – phân loại rác tại nguồn; đặc biệt là giới trẻ tích cực, chủ động tham gia và tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực.
Việc giảm thiểu rác thải nhựa là nhiệm vụ rất quan trọng của tất cả các cơ quan truyền thông, thông tấn báo chí, bởi 90% người Việt Nam tin tưởng vào truyền thông chính thống trong việc thông tin tới độc giả các giải pháp về chính sách, truyền thông chính sách và những hoạt động truyền thông hướng tới các cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng, từ đó có thể thay đổi được hành vi xã hội.