Bộ tem "Kỷ niệm 50 năm thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976)"
Sau Tết Mậu Thân 1968, vấn đề thành lập chính quyền cách mạng Trung ương trở thành yêu cầu cấp bách cả về đối nội và đối ngoại. Đáp ứng yêu cầu đó, Đại hội đại biểu quốc dân được triệu tập tại khu rừng Tà Nốt, Tà Đạt (Tân Biên, Tây Ninh) từ ngày 6 - 8/6/1969. Thành phần tham dự Đại hội gồm: đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng vũ trang dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam cùng đại biểu các lực lượng yêu nước khác ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 06/6/1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra đời do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là: Bác sĩ Phùng Văn Cung (kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ), Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Thanh niên), cụ Nguyễn Đóa cùng 7 Bộ trưởng. Bên cạnh đó còn có Hội đồng cố vấn do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch; Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch và 11 ủy viên.
Trụ sở đầu tiên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng tại Tây Ninh. Sau tháng 5/1972 đến năm 1975, Văn phòng Chính phủ chuyển về Quảng Trị (thôn Tây Hoà, thị trấn Cam Lộ, huyện Chi Linh).
Ngay sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6/1969 đến cuối năm 1975 đã có hơn 50 nước công nhận và lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có cả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; chính quyền được tổ chức ở các cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã. Các cấp địa phương đều có Hội đồng nhân dân cách mạng và UBND Cách mạng. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã công bố chương trình hành động 12 điểm nhằm động viên toàn quân, toàn dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp thống nhất đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Trải qua 4 năm 9 tháng với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc họp riêng, ngày 27/1/1973, thay mặt Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đã ký chính thức vào văn bản của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và ba Nghị định thư kèm theo tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Paris. Hiệp định ghi nhận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất được tiến hành, chấm dứt sứ mệnh lịch sử của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tuy chỉ tồn tại trong 6 năm, từ tháng 6/1969 đến tháng 7/1975, nhưng sự hiện diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Để ghi dấu sự kiện này, Bộ TT&TT đã phát hành bộ tem "Kỷ niệm 50 năm thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1976)" gồm 01 mẫu giá mặt 4.000 đồng. Bộ tem thể hiện hình ảnh lễ ra mắt của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với màu sắc đen trắng (mang tính lịch sử) trên nền cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, bên cạnh đó là tòa nhà, nơi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam làm việc trong thời kỳ chiến tranh. Với màu nền xanh nhạt và hình tượng chim tung cánh trên trời xanh, bộ tem truyền tải thông điệp về khát vọng hòa bình - mục tiêu chính của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Bộ tem do hoạ sĩ Nguyễn Du, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) thiết kế, có khuôn khổ 43x32 (mm), được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 06/6/2019 đến ngày 31/12/2020.
Bộ tem chuyên đề về loài bướm đặc hữu của Việt Nam
Để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ, bảo tồn loài bướm nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung của Việt Nam, Bộ TT&TT phát hành bộ tem "Bướm" gồm 04 mẫu với giá mặt 2 mẫu, mỗi mẫu 4000 đồng, 2 mẫu còn lại là 6.000 đồng và 8.000đ và 1 blốc giá mặt 15.000 đồng. Bướm là loài côn trùng thuộc bộ Cánh vảy (Lepidoptera) có sự đa dạng về loài cao hơn các loài côn trùng khác. Ở Việt Nam có hơn 1.200 loài bướm, trong số đó có rất nhiều loài Bướm đặc hữu Việt Nam.
Bằng bút pháp hiện thực miêu tả sinh động các loài bướm gắn với môi sinh thực tế, bộ tem giới thiệu các loài bướm ngày, cụ thể: Bướm đuôi kiếm xanh Graphium antiphates (Cramer, 1775) (Mẫu 4-1); Bướm Hoàng đế tím Sasakia charonda (Hewitson, 1863) (Mẫu 4.2); Bướm lá khô Kallima inachus (Doyère, 1840) (Mẫu 4.3); Bướm phượng cánh chim chấm rời Troides aeacus (C. Felder & R. Felder, 1860) (Mẫu 4.4) và Mẫu blốc: Bướm đuôi rồng xanh Lamproptera meges (Zinken-Sommer, 1831)
Bộ tem do họa sĩ Tô Minh Trang, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế, có khuôn khổ 32mm x 43mm và bloc có khuôn khổ 90mm x 60mm, được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 11/6/2019 - 31/12/2020.
Thu Hương (theo mic.gov.vn)
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc