Theo Cục An toàn thông tin, qua các lỗ hổng tồn tại trên Zoom, tin tặc có thể truy cập bất hợp pháp vào các phòng họp, theo dõi, truyền bá các thông tin xấu độc... (Ảnh minh họa: techradar.com)
Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, ngày 14/4, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam thuộc Cục ghi nhận có hơn 500.000 tài khoản Zoom đã bị lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng. Trong đó, bao gồm email, mật khẩu, đường dẫn URL các cuộc họp và mật khẩu kèm theo.
Đại diện Cục An toàn thông tin nhận định, hiện nay Zoom đang là phần mềm phổ biến cho học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa. Tuy nhiên, phần mềm này tồn tại một số lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng như mã hóa dữ liệu đầu cuối kém, dễ dàng bị dò quét ID cuộc họp, lỗ hổng liên quan đến đường dẫn UNC (Universal Naming Convention).
Từ đầu năm 2020, nhiều lỗ hổng bảo mật của Zoom đã được công bố mã lỗ hổng, trong đó có lỗ hổng chưa được nhà cung cấp xử lý triệt để, như CVE-2020-11500, CVE-2020-11469, CVE-2020-11470… với nhiều mức độ nguy hiểm khác nhau.
Thông qua những lỗ hổng trên, tin tặc có thể truy cập bất hợp pháp vào các phòng họp, theo dõi, truyền bá các thông tin xấu độc, đánh cắp thông tin hoặc cài đặt mã độc trực tiếp trên máy tính người dùng.
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng, Cục An toàn thông tin vừa đưa ra khuyến cáo về phần mềm Zoom.
Cụ thể, các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước được khuyến cáo không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến tại đơn vị mình.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác, Cục An toàn thông tin cho rằng cần cân nhắc cẩn thận khi sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom cho các hoạt động học trực tuyến, trao đổi trực tuyến hoặc các tổ chức hội họp khác.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng được khuyến nghị ưu tiên lựa chọn các sản phẩm phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa do doanh nghiệp uy tín sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm do doanh nghiệp uy tín trong nước cung cấp như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, VNG, CMC, Nhân Hòa…
Riêng với các doanh nghiệp cung cấp phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa, Cục An toàn thông tin đề nghị phải trang bị đầy đủ các tính năng bảo mật cho phần mềm, bảo đảm an toàn thông tin cho người sử dụng, có đội ngũ kỹ thuật để hỗ trợ kịp thời cho khách hàng.
Đối với người sử dụng các phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa, văn bản cảnh báo của Cục An toàn thông tin nêu rõ, cần chú ý tải phần mềm tải phần mềm từ các nguồn chính thống, thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất của phần mềm. Không chia sẻ thông tin về phòng họp (ID, mật khẩu) để tránh các trường hợp bị kẻ xấu theo dõi, phá hoại.
Bên cạnh đó, người dùng cần thiết lập các cấu hình bảo mật cao trên các phần mềm họp trực tuyến. Cụ thể, người dùng cần đặt mật khẩu phức tạp cho các buổi họp; Kích hoạt chế độ xét duyệt người tham gia trước khi vào phòng họp; Thiết lập các tính năng quản lý việc chia sẻ màn hình trong buổi họp; Hạn chế việc lưu lại nội dung buổi họp trong trường hợp không cần thiết.
Cục An toàn thông tin cũng lưu ý, với những người dùng đã sử dụng phần mềm Zoom, cần thực hiện ngay việc đổi mật khẩu phức tạp, tránh sử dụng chung mật khẩu với các tài khoản khác.
Trường hợp phát hiện nguy cơ, dấu hiệu lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng, cần nhanh chóng khắc phục và kịp thời thông báo cho Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
ictnews.vietnamnet.vn
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc