Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực thi hành ngày 01/6/2017 thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 với nhiều Điều được bổ sung, quy định mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật năm 2004.
Luật Trẻ em năm 2016 bao gồm 106 Điều chia thành 7 chương (tăng thêm 2 chương 46 điều), với nhiều quy định mới như bổ sung thêm một số quy định về các hành vi bị nghiêm cấm gồm cấm tước đoạt quyền sống của trẻ em; cấm xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; cấm cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em; cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em;…
Bên cạnh 10 Điều quy định quyền cơ bản của trẻ em theo Luật năm 2004, Luật Trẻ em năm 2016 bổ sung thêm quyền trẻ em với 25 Điều, quy định thêm các nội dung về quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển; Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy; Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; … Đặc biệt Luật Trẻ em 2016 còn quy định thêm Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật, đồng thời được chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội; Đối với Trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em đạt hiệu quả, Luật quy định Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, thực hiện nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến, lắng nghe, tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị và phản hồi của trẻ em tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, đồng thời tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Để
thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đồng thời
tuyên truyền, phổ biến, vận động các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân thực
hiện chính sách, chương trình, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho
trẻ em, Luật quy định tháng 6 hằng năm được chọn là Tháng hành động vì trẻ em.
Ảnh: Khẩu hiệu Tháng hành động vì trẻ em trên hệ thống quang báo tỉnh
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền các điểm mới được bổ sung trong Luật Trẻ em năm 2016, đồng thời thực hiện Tháng hành động vì trẻ em và ngày Luật trẻ em 2016 có hiệu lực, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 1290/KH-UBND ngày 19/5/2017 triển khai Tháng hành động vì trẻ em, trong đó nêu rõ chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 là Triển khai Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, với các nội dung chủ yếu đẩy mạnh hoạt động truyền thông tuyên truyền Luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành luật trên các phương tiện thông tin trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ chăm sóc trẻ em bị bạo lực, xâm hại; Tổ chức diễn đàn trẻ em tại địa phương và tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017.
Tiếp theo đó, ngày 25/5/2017 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1351/KH-UBND thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh năm 2017, mục tiêu của kế hoạch nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, thực hiện ngày càng tốt các quyền cơ bản của trẻ em và tuyên truyền, vận động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ ngây tổn hại cho trẻ em, giảm nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặt biệt; Trợ giúp, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; đặc biệt là nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em.
Để công tác bảo vệ trẻ em được toàn diện và hiệu quả ngày 31/5/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 1406/KH-UBND thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh năm 2017. Kế hoạch đề ra 10 mục tiêu cụ thể từng bước giảm tỷ lệ thương tích, hạn chế tai nạn thương tích ở trẻ em, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ em, nổi bật nhất là mục tiêu giảm tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích xuống dưới 7/100.000 trẻ em.
Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh đã thực hiện các khẩu hiệu tuyên truyền trên hệ thống quang báo tỉnh và tăng cường cập nhật các thông tin, bài viết chủ đề Tháng hành động vì trẻ em và ngày Luật trẻ em 2016 có hiệu lực trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Như vậy, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền cho Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, trong tháng 5/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành 3 kế hoạch nhằm thực hiện các chương trình tuyên truyền Luật Trẻ em 2016 và thực hiện các nội dung cụ thể nhằm bảo vệ trẻ em, đảm bảo trẻ em có môi trường sống an toàn.
SK.
Tác giả: SK
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc